Dòng sự kiện:
Vụ cho vay thế chấp bằng hình ảnh khiêu dâm: Giao dịch có hợp pháp?
02/11/2021 07:00:48
Theo các luật sư, giao dịch cho vay và tín chấp bằng hình ảnh khiêu dâm không được pháp luật công nhận do nó được xác lập để phục vụ các mục đích trái pháp luật.

Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đã triệt phá đường dây cho vay lãi nặng do Nguyễn Thị Vân Anh (29 tuổi, ở quận Đống Đa) cầm đầu. Theo cơ quan công an, đây là đường dây cho vay với lãi suất lên tới 730%/năm và thế chấp bằng hình ảnh khiêu dâm.

Khi người vay không trả lãi đúng hạn, nhóm của Vân Anh sẽ đăng tải hình ảnh nhạy cảm của khách lên mạng xã hội.

Theo dõi vụ việc, nhiều người đặt câu hỏi liệu hình ảnh, clip nhạy cảm có phải tài sản thế chấp hợp pháp. Và việc người vay tiền cung cấp hình ảnh, chấp nhận để chủ nợ đăng tải hình ảnh lên mạng nếu không trả lãi đúng hạn có phải một cách đồng ý cho phép chủ nợ sử dụng hình ảnh cá nhân của mình không?

Giao dịch dân sự không hợp pháp

Nhìn nhận sự việc trên phương diện pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) cho biết "thế chấp tài sản" là một trong những biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, tài sản để thế chấp phải là vật hoặc quyền tài sản và có thể quản lý, sử dụng, định đoạt được.

Trong khi đó, thông tin cá nhân, hình ảnh, clip nhạy cảm thuộc về quan hệ nhân thân, không phải là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp pháp. Việc thế chấp cho khoản vay bằng hình ảnh nhạy cảm do đó không có giá trị. Đây thực chất là thủ đoạn, cách thức của người cho vay để uy hiếp, đe dọa tinh thần người vay tiền.

Nguyễn Thị Vân Anh, người cầm đầu đường dây cho vay lãi nặng, tại cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp.

Theo Hiến pháp 2013, quyền nhân thân, danh dự, nhân phẩm con người luôn được bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền con người như của nhóm bị can cho vay lãi nặng sẽ phải chịu chế tài xử lý theo quy định pháp luật.

Theo luật sư Tiền, với hành vi đe dọa tung hình ảnh nhạy cảm của người cho vay lên mạng xã hội để đòi nợ, đây được xếp vào nhóm hành vi sử dụng "thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản" và sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Cũng theo dõi sự việc, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch) nhận định giao dịch giữa các bên là giao dịch dân sự, được xác lập trên cơ sở tự do, tự nguyện. Việc người vay tiền cung cấp hình ảnh, chấp nhận để chủ nợ đăng tải lên mạng khi không trả lãi đúng hạn là một cách cho phép họ sử dụng hình ảnh cá nhân của mình.

Tuy nhiên, theo Bộ luật Dân sự 2015, mọi cam kết, thỏa thuận phải không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì mới có hiệu lực pháp luật. Trường hợp này, giao dịch được xác lập trên cơ sở tự nguyện song để phục vụ cho mục đích trái pháp luật đó là cho vay lãi nặng, thậm chí xâm phạm cả danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Do đó, dù người vay tiền cho phép, hành động đăng tải, đe dọa đăng tải hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội vẫn là hành vi vi phạm. Thỏa thuận dân sự này vì thế không được pháp luật công nhận.

Có thể xử lý về những tội danh nào?

Trong khi đó, thạc sĩ Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) nhìn nhận việc nạn nhân cung cấp hình ảnh khiêu dâm cho chủ nợ để thế chấp là một hình thức thế chấp không hợp pháp. Họ phải quay clip để được vay tiền, và việc họ cung cấp những hình ảnh đó cho chủ nợ cũng không có nghĩa rằng họ chấp nhận cho người khác thoải mái sử dụng, đăng tải hình ảnh của mình lên mạng xã hội.

Thạc sĩ Hoàng Trọng Giáp. Ảnh: Hải Nam.

Dưới góc độ hình sự, ngoài các tội Cưỡng đoạt tài sản và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, tùy thuộc diễn biến hành vi, những người sử dụng thủ đoạn tương tự để cho vay còn có thể bị xử lý về các tội danh sau theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Nếu chủ nợ đăng tải hình ảnh nhạy cảm của người vay tiền lên mạng xã hội, đây được coi là hành vi sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh... hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy và sẽ bị xử lý hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015.

Trường hợp chủ nợ tới nhà và lấy đi tài sản của con nợ khi họ không trả lãi đúng hạn, hành vi đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015.

Ngoài ra, nếu đánh đập người vay tiền gây thương tích, họ sẽ bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích còn nếu chửi bới, gây mất an ninh trật tự khu vực nơi con nợ sinh sống, họ có thể bị xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng.

 Tác giả: Hoàng Linh

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến