Dòng sự kiện:
Vụ chuyến bay giải cứu: Doanh nghiệp nói là nạn nhân của văn hoá phong bì
20/07/2023 09:44:02
Lê Hồng Sơn - 1 trong 2 bị cáo đưa hối lộ nhiều nhất trong vụ chuyến bay giải cứu cho rằng việc tổ chức các chuyến bay không chỉ vì tiền mà còn vì tình người.

Chiều ngày 19/7, ngày làm việc thứ bảy của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, các luật sư tiếp tục tiến hành bào chữa cho hành vi của phạm tội của các bị cáo.

Sau phần bào chữa của luật sư, bị cáo Lê Hồng Sơn – Tổng Giám đốc Công ty Bluesky đã nêu thêm một số vấn đề để tự bào chữa cho bản thân. Ông Sơn bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 11 - 12 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, theo Điều 364 Bộ Luật Hình sự.

Theo bị cáo, đại dịch Covid-19 diễn ra đã khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành, hàng không gặp khó khăn, vỡ nợ, Công ty Bluesky không nằm ngoài vòng xoáy này.

Trước dịch, doanh nghiệp của bị cáo là đơn vị có tiếng trong ngành hàng không, doanh thu hằng năm đều đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 nhân sự. Năm 2020, với uy tín của mình, Công ty Bluesky được Vietnam Airlines lựa chọn thực hiện 10 chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam từ Mỹ về nước.

"Bị cáo đã được chứng kiến nhiều nụ cười và giọt nước mắt của hạnh phúc, đoàn tụ. Bị cáo cũng có con ở bên Úc, thời điểm đó con bảo "Ba làm nhiều chuyến bay giải cứu thế mà để con chết ở bên này à" khiến bị cáo rất đau xót", bị cáo Sơn nói.

Bị cáo này cho rằng từ việc biết được nhiều người xa gia đình, vì chậm chuyến bay mà mẹ không gặp con, cháu không gặp bà, có người còn mất trên chuyến bay, đã thôi thúc bị cáo thực hiện càng nhiều chuyến bay giải cứu càng tốt.

Lê Hồng Sơn cho rằng nhiều người nghĩ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, nhất là trong việc tổ chức các chuyến bay giải cứu. Không phủ nhận điều này, song bị cáo cho rằng, thời điểm dịch Covid-19 thì điều này không hẳn chính xác. Theo đó, bị cáo cho rằng mình làm bởi vì cả tình người và việc cảm nhận được nỗi đau của người xa xứ mong muốn về nước.

Bên cạnh đó, bị cáo này cũng cho biết việc tổ chức các chuyến bay cũng rất tốn kém do các chi phí như thuê máy bay, thuê khách sạn cũng đều tăng theo. Bị cáo này khẳng định “không có chuyện doanh nghiệp kiếm quá nhiều tiền hay có lợi ích khủng trong hoàn cảnh dịch bệnh như nhiều người vẫn nghĩ”.

Bị cáo Sơn thừa nhận việc hối lộ để được cấp phép các chuyến bay giải cứu, tuy nhiên cũng cho biết mình không tham gia nhiều vào hành vi này.

Cụ thể, thời gian thực hiện các chuyến bay giải cứu, bị cáo và Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky thống nhất để Hằng lo liệu việc xin cấp phép, còn Lê Hồng Sơn tham gia xây dựng, phát hành chuyến bay và khảo sát lưu trú cho công dân khi về nước.

Bị cáo Lê Hồng Sơn bị dẫn giải đến phiên tòa.

Liên quan đến mức giá các chuyến bay, bị cáo Sơn cho rằng, tại Việt Nam, nếu có từ 2-3 doanh nghiệp cùng thực hiện một việc thì khó có thể thoả hiệp về giá. Thời điểm Covid-19 có tới mấy chục doanh nghiệp cùng đưa công dân về nước dẫn đến "loạn giá", không có mức giá chung.

Về mức án 11 – 12 năm tù cho bị cáo như đại diện Viện Kiểm sát đề xuất, Tổng Giám đốc Công ty Bluesky cho biết đã cảm thấy sốc và cho rằng đây gần như đã là hình phạt kịch khung của tội danh “Nhận hối lộ” và mức nghiêm khắc gần như chỉ sau bị cáo Phạm Trung Kiên.

"Qua vụ án này, bị cáo nghĩ rằng doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin - cho, nạn nhân của văn hoá phong bì, nạn nhân của sự thiếu hiểu biết. Vụ án này cũng lấy đi của bị cáo rất nhiều thứ. Hai người sáng lập công ty đều phải đối diện với hình phạt của pháp luật, bị mất mát một số lượng tài sản rất lớn, công ty thì mất uy tín, gần 100 con người phải đối diện với nguy cơ mất việc ", bị cáo nêu trong khi tự bào chữa đồng thời xin HĐXX một mức án khoan hồng nhất.

Tác giả: Mạnh Quốc - Hữu Thắng

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến