Chế biến hạt điều. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Liên quan tới vụ việc các doanh nghiệp Việt Nam mất quyền kiểm soát 36 bộ chứng từ gốc trong số 100 container xuất sang Italy gần đây đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, tuy nhiên ngành chức năng cũng khuyến cáo từ vụ việc này, doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt quan tâm đến khâu thanh toán.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), khẳng định trong hoạt động thương mại quốc tế vẫn xảy ra những rủi ro, trong đó có hoạt động lừa đảo.
Hiện nay vẫn chưa có kết luận về bản chất của vụ việc các container điều ở Italy, nhưng nếu đây đúng là một vụ lừa đảo thì tính nghiêm trọng thể hiện ở việc liên quan đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với khối lượng lên đến hàng chục container điều. Việc này cho thấy vụ lừa đảo đã được dàn dựng tinh vi trên quy mô lớn.
Theo ông Trần Thanh Hải, hiện nay các hình thức thanh toán gồm điện chuyển tiền (T/T); trả tiền nhận chứng từ (D/P); thư tín dụng (L/C); trong đó, L/C được đánh giá là phương thức thanh toán an toàn nhất.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nhân điều thường dùng phương thức thanh toán T/T, D/P và CAD (thanh toán chứng từ trả tiền ngay) khi ký hợp đồng.
Phương thức D/P hoặc CAD bớt rủi ro không được thanh toán cho người bán, mà cũng không mất nhiều thời gian, không yêu cầu người mua phải ký quỹ tại ngân hàng nên thường được cả người mua, người bán cùng chấp nhận. Từ đó hình thành cái gọi là thông lệ quốc tế trong kinh doanh.
“Bản chất của D/P, CAD hay L/C đều là nhờ thu qua ngân hàng. Tất cả phương thức này đều phải trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ thì tính an toàn tương đương nhau. Còn một khi đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ thì rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán, kể các L/C,” ông Trần Thanh Hải chia sẻ.
Đáng lưu ý, sau khi nhận được thông tin về vụ việc các doanh nghiệp xuất khẩu điều gặp khó tại Italy, hiệp hội và các cơ quan chức năng cũng đang phối hợp, nhanh chóng vào cuộc để gỡ khó cho các doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều biến động, doanh nghiệp cần cẩn trọng có các phương án dự phòng rủi ro hơn trong các giao dịch thương mại.
“Câu chuyện các container nhân hạt điều tại Italy vẫn chưa kết thúc, các bên cần chung tay để tìm ra giải pháp khả dĩ nhất hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó cũng rút ra những bài học cần thiết để xuất khẩu nông sản tiếp tục vươn lên,” ông Hải cho hay.
Nhân vụ việc này, ông Trần Thanh Hải khuyến cáo các doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, kể cả với những đối tác đã qua một vài lần làm ăn.
Hơn nữa, các doanh nghiệp nên giành quyền soạn thảo hợp đồng, trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, các nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường.
Ngoài ra, việc mua bảo hiểm cũng rất quan trọng, nhưng thời gian vừa qua một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, chỉ mua bảo hiểm cho có, chưa nghiên cứu kỹ phạm vi bảo hiểm nên khi xảy ra rủi ro thì tổn thất sẽ không được bù đắp./.
Tác giả: Uyên Hương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy