Dòng sự kiện:
Vụ nổ động cơ phá hủy chiếc tiêm kích 88 triệu USD của Australia
21/08/2018 18:42:30
Máy nén cao áp vỡ làm ba, phá hủy hoàn toàn hai động cơ và gây cháy chiếc tiêm kích EA-18G đắt tiền của Australia.

Chiếc EA-18G của Australia bị nổ động cơ hôm 27/1/2018. Ảnh: Drive

Ngày 27/1/2018, một tiêm kích tác chiến điện tử EA-18G Growler của Australia bốc cháy và lao khỏi đường băng tại căn cứ không quân Nellis, bang Nevada, Mỹ. Sau 6 tháng điều tra, không quân Australia (RAAF) ngày 19/8 kết luận một động cơ General Electic F414 của chiếc Growler đã phát nổ và gây ra vụ tai nạn.

Nguồn tin giấu tên tại Bộ Quốc phòng Australia tiết lộ đây là tai nạn nghiêm trọng nhất với không quân nước này trong hơn 25 năm. Sự cố cũng gây lo ngại rằng phi đội hàng trăm chiếc F/A-18E/F Super Hornet và EA-18G của Mỹ có thể gặp vấn đề tương tự, ảnh hưởng tới các chiến dịch quân sự tương lai, theo Drive.

"Một máy nén khí cao áp trong động cơ F414 đã vỡ thành ba mảnh lớn, một mảnh bắn thủng phần bụng máy bay và rơi xuống đường băng bên dưới. Mảnh thứ hai bắn sang ngang làm hỏng động cơ còn lại, trong khi mảnh vỡ thứ ba văng lên trên, phá hủy cánh đuôi đứng bên phải và rơi ra xa. Phần đuôi chiếc Growler bắt lửa, càng đáp chính bị sập, hai trong ba cụm gây nhiễu ALQ-99 bị hư hỏng hoàn toàn", báo cáo sau tai nạn kết luận.

Quan chức RAAF cho biết hai phi công sẽ được khen thưởng vì đã bám trụ đến cùng với máy bay, tránh để nó lao vào khu vực có hàng chục tiêm kích khác đang xếp hàng. Nếu sự cố xảy ra chậm vài giây, máy bay sẽ buộc phải cất cánh thay vì phanh hãm và lao ra khỏi đường băng. Điều này gây nguy cơ thương vong khi hai phi công phải phóng ghế thoát hiểm, để chiếc Growler bay tự do và lao xuống đất.

Bộ Quốc phòng Australia đang tính toán các phương án bồi thường về tài chính, do chiếc EA-18G trị giá hơn 88 triệu USD này bị hư hỏng quá nặng và không thể sửa chữa. Quá trình này bao gồm gửi yêu cầu tới hải quân Mỹ và tập đoàn Boeing, nhà sản xuất dòng Growler. Sau đó, kiến nghị của Australia sẽ được chuyển qua tập đoàn General Electric, thậm chí là các nhà thầu cung cấp linh kiện cho động cơ F414.

RAAF có thể mua máy bay EA-18G hoàn toàn mới để thay thế chiếc bị cháy, hoặc hoán cải một tiêm kích F/A-18F. Những chiếc Super Hornet trong biên chế Australia đều có khung thân và hệ thống dây cáp tương đồng với bản Growler, nhằm trám chỗ cho phi đội EA-18G trong trường hợp cần thiết.

Động cơ F414 được lắp cho tiêm kích F/A-18F trên tàu sân bay Mỹ hồi năm 2016. Ảnh: US Navy.

Điều không được nhắc tới trong báo cáo chính là nguy cơ xảy ra sự cố nổ động cơ với phi đội hàng trăm chiếc Super Hornet và Growler của hải quân Mỹ.

Chỉ cần một tỷ lệ nhỏ trong số này gặp vấn đề cũng sẽ là vấn đề rất lớn với hải quân Mỹ, khi lực lượng này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay sẵn sàng chiến đấu do không được bảo dưỡng. Khi xảy ra sự cố nghiêm trọng như nổ động cơ, toàn bộ các phi cơ F/A-18E/F và EA-18G sẽ buộc phải ngừng bay, cho tới khi nguyên nhân được xác định và khắc phục.

Quyết định đắp chiếu phi đội Super Hornet và Growler sẽ khiến các tàu sân bay Mỹ mất đi lực lượng tấn công và phòng thủ chủ lực, giảm khả năng tác chiến của Washington trong các chiến dịch ở nước ngoài. Hải quân Mỹ tới nay vẫn không đưa ra bình luận về nguy cơ này.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến