Tin liên quan
Ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu đã bị di lý về cơ quan điều tra của Cục Cảnh sát hình sự tại TP Hồ Chí Minh, sau khi được truyền đạt các quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam vào ngày 22/12/2016. Trước đó, bất chấp các khuyến cáo của chính quyền địa phương về việc phải giữ nguyên hiện trạng đất đai và rừng hiện có, chờ giải pháp tháo gỡ của nhà chức trách để xử lý các vướng mắc giữa các hộ dân và doanh nghiệp, ông Sửu vẫn chỉ đạo nhân viên và các lao động làm thuê cho công ty tổ chức cưỡng chế san ủi cây trồng của nhiều hộ dân, trong khi hàng trăm hecta rừng mà công ty được giao để bảo vệ lại bị tàn phá.
Công ty TNHH ĐT-TM Long Sơn được UBND tỉnh Đăk Nông cho thuê 1.079 ha đất và rừng tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức để thực hiện dự án đầu tư sản xuất lâm nghiệp từ năm 2008, thời hạn cho thuê 50 năm, ban đầu do ông Nguyễn Văn Thành làm giám đốc, trụ sở tại Ấp 5, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Trong 4 năm đầu, Cty Long Sơn chỉ khai hoang, trồng được 40 ha cao su và cây điều. Phần đất còn lại bị nhiều hộ dân xâm canh tới 350 ha, nhân sự và tài chính lại kém nên Cty không triển khai dự án nổi nữa.
Từ năm 2013, quyền lãnh đạo Cty cổ phần này được chuyển sang cho bà Nguyễn Thị Tươi (Sn 1958) và ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu (sn 1962), nhà ở quận 5- TP Hồ Chí Minh. Ông Sửu đã chuyển trụ sở Cty về xã Quảng Trực, Tuy Đức, cho san ủi và thu hồi số đất xâm canh của dự án để tiếp tục trồng điều và cao su. Tuy nhiên, vẫn vướng tới hơn 70 ha đất trong và ngoài diện tích đất được giao, vốn ranh giới không rõ ràng, có 37 hộ dân từ huyện Bù Đăng, Bình Phước đang canh tác.
Mâu thuẫn gay gắt do tranh chấp đất đã dẫn đến nhiều cuộc đụng độ, ném trái nổ, dùng hung khí tấn công, nhiều vụ gây thương tích tại lán trại Cty Long Sơn.
Công an huyện Tuy Đức từng khởi tố vụ án hình sự 6 bị can với các tội danh chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản. Ngày 23/7/2016 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trong chuyến công tác vào Đắk Nông đã kiểm tra, thống nhất các chủ trương, giải pháp để ổn định dân cư , đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương phải nhanh chóng xử lý dứt điểm các mâu thuẫn, tranh chấp này.
Nhưng không lâu sau đó đã xảy ra vụ nổ súng gây chết người vào ngày 23/10/2016, do Cty Long Sơn tự ý kéo lực lượng khoảng 30 người mang khiên gậy, 2 máy ủi 1 máy cày nhằm chiếm lại đất, san ủi mặt bằng tại vườn điều của các hộ dân xâm canh từ lâu.
Quá bức xúc, khoảng 50 người dân đã kéo tới phản công, trong đó nhóm trung niên quá khích Đặng Văn Hiến, Hà Văn Trường, Ninh Viết Bình đã nổ súng tự chế vào lực lượng bảo vệ, nhân viên của công ty, khiến 3 thanh niên đều là dân nghèo đi làm thuê chết tại chỗ, và 16 người bị thương.
Những cuộc họp sau đó ở cấp tỉnh và huyện đã phân tích các sai phạm, yếu kém về phía chính quyền địa phương, là quản lý, bảo vệ rừng kém hiệu quả, để người dân từ nơi khác đến tự ý khai phá, canh tác trong thời gian dài không kịp thời phát hiện, xử lý; Quá trình giao đất cho Cty Long Sơn, phần việc khảo sát, đánh giá tình hình liên quan tranh chấp đất đai khi thực hiện dự án chưa sát với thực tế, do đó còn bị động khi giải quyết các vấn đề phát sinh; Việc giải quyết các đơn thư khiếu nại chậm trễ, trả lời chưa thỏa đáng yêu cầu của người dân gây nên tình trạng bức xúc, mất lòng tin vào chính quyền. Nhiều chuyên án thụ lý các vụ chặt phá rừng làm rẫy thiếu cương quyết.
Về phía Cty Long Sơn khi thực hiện giải phóng mặt bằng không coi trọng việc đối thoại với người dân gây mâu thuẫn nghiêm trọng giữa công ty với các hộ dân, nhiều lần sử dụng phương tiện, lực lượng bảo vệ của công ty tự ý giành chiếm lại đất, không thực hiện đúng các mục tiêu nông lâm kết hợp của dự án, khiến các hộ dân bức xúc kéo dài.
Còn về phía các hộ dân có đất xâm canh đều từ nơi khác đến, khai phá đất rừng để canh tác trái pháp luật. Khi chính quyền giao đất cho Cty Long Sơn thực hiện dự án, việc các hộ dân này đòi hỏi được đền bù về đất và tài sản là không có cơ sở pháp lý, dẫn đến tranh chấp kéo dài, chính quyền chưa kịp thời có phương án giải quyết cho thấu đáo, hài hòa giữa các bên liên quan, tạo điều kiện sống thích hợp cho dân.
Do đường sá đi lại khó khăn, vùng xảy ra tranh chấp giữa người dân và Cty Long Sơn nói riêng, các điểm tranh chấp tại hai xã Quảng Trực và Đắk Ngo nói chung gần như bị chia cắt hoàn toàn trong suốt mùa mưa. Theo thống kê của tổ công tác đặc biệt UBND huyện Tuy Đức, khu vực này có gần 1.000 hộ dân đang sinh sống, với tổng diện tích đất lấn chiếm lên đến gần 2.000 ha.
Từ bài học cay đắng của Cty Long Sơn- vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của việc giao đất, giao rừng làm dự án trong tình thế tranh chấp khó gỡ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các ban ngành có liên quan thanh tra lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án của các công ty bị khiếu kiện kéo dài, để phòng ngừa, hạn chế việc phát sinh “điểm nóng”, xác định rõ ràng các ranh giới đất và rừng được giao. Với các doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu thực hiện dự án, thì phải thu hồi , xử lý nghiêm minh việc để mất đất và rừng với diện tích lớn. |
Nên đọc
Theo Tiền phong
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy