Mới đây, dư luận xôn xao trước vụ việc ông Trương Đức Quang (58 tuổi, phường Hà Tu, TP Hạ Long, Quảng Ninh) dùng axit tạt làm bị thương 7 người, trong đó có cả những người dân hiếu kỳ đang đứng xem.
Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn xây dựng bờ rào giữa ông Quang và hàng xóm là gia đình bà Nguyễn Thị Tuyên (58 tuổi). Sau cuộc cãi vã, ông Quang bất ngờ lấy 2 ca axit loãng chiết từ bình ắc quy tạt về phía đối phương.
Hiện trường vụ tạt axit xảy ra tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Hậu quả làm 7 người bị thương. Trong đó có 2 người không liên quan đến vụ việc, bao gồm một cháu nhỏ 3 tuổi và ông Q. (63 tuổi, trú TP Hạ Long). Hai người này đang đứng gần hiện trường, bị axit tạt vào người nên phải nhập viện.
Bản thân ông Quang sau khi “ra tay” cũng ngất xỉu tại hiện trường. Nhận xét về góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (trưởng VP luật Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) chia sẻ: Hhành vi của ông Quang được xác định là cố ý gây thương tích, gây thương tích cho nhiều nạn nhân. Vụ việc có dấu hiệu tội phạm rất rõ ràng, nên cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ.
“Ở trường hợp này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, ý thức của người đàn ông khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là như thế nào. Trong trường hợp kết quả điều tra, xác minh cho thấy người đàn ông biết rõ chất lỏng màu trắng đó là axit, biết rõ đặc tính của axit là có thể gây ra những tổn thương cho cơ thể con người, nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả nạn nhân bị bỏng axit có thể xảy ra thì đây là hành vi Cố ý gây thương tích. Người đàn ông này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 134 bộ luật Hình sự kể cả trường hợp nạn nhân không có đơn xử lý.” – Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Việc xử lý hành vi của ông Quang sẽ căn cứ vào mức độ thương tích, thiệt hại của 7 nạn nhân. Khung hình phạt cho việc Cố ý gây thương tích có thể lên đến 20 năm tù giam, hoặc tù chung thân. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có nhiều quy định mới về hành vi Cố ý gây thương tích khi sử dụng axit hoặc hóa chất nguy hiểm.
Theo đó, hành vi cố ý sử dụng axit hoặc hóa chất nguy hiểm làm bị thương người khác thì dù thương tích của nạn nhân chưa tới 11% cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường
Luật sư Đặng Văn Cường nhận định: “Đây không phải là vụ đầu tiên xảy ra tình trạng sử dụng axit gây thương tích cho người khác. Hành vi dùng axit tạt vào người khác để trả thù, gây thương tích là hành vi rất tàn nhẫn bởi hậu quả không chỉ để lại những tổn thương cơ thể cho nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đến các chức năng vận động và đến các bộ phận, cơ quan khác trên cơ thể con người.”
Hậu quả thương tích do axit ngày ra luôn nghiêm trọng hơn các hình thức gây thương tích khác. Khi xử lý hình sự đối với các đối tượng sử dụng axit gây thương tích cho người khác, cơ quan tố tụng thường sẽ áp dụng chế tài rất nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Dù hậu quả của việc tạt axit làm bị thương 7 người là rất nghiêm trọng, tuy nhiên theo luật sư Đặng Văn Cường thì trường hợp này khó khởi tố hung thủ về tội Giết người: “Khi sửa đổi bổ sung bộ luật hình sự, cũng có nhiều ý kiến cho rằng hành vi sử dụng axit để tạt vào người khác có thể xử lý về tội Giết người. Tuy nhiên, cơ sở lý luận cũng thực tiễn để xử lý về tội Giết người trong tình huống này rất khó. Bởi tính chất nguy hiểm của axit cũng chỉ có thể gây ra thương tích cho nạn nhân.
Trường hợp sử dụng bằng những cách thức nguy hiểm như dìm người trong axit, hoặc có những phương thức thủ đoạn có thể dẫn đến chết người thì mới xử lý về tội Giết người. Còn đối với hành vi tạt, té axit vào người khác thì rất khó để chứng minh mục đích giết người hoặc hành vi có thể dẫn đến chết người.”
Vụ tạt axit 7 người ở Quảng Ninh phần nào đã gây hoang mang dư luận, đặc biệt là khi những người không liên quan, người già và trẻ nhỏ cũng bị “vạ lây”. Vụ việc này đặt ra nhiều vấn đề xã hội như vấn đề hòa giải, giải quyết tranh chấp về đất đai ở một số địa phương hiện nay.
Tình trạng mâu thuẫn tranh chấp đất đai kéo dài, nhiều ngày, căng thẳng không được hòa giải, giải quyết kịp thời dẫn đến xô xát, gây mất an ninh trật tự, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Bởi vậy, cơ quan chức năng cũng cần xem xét trách nhiệm của các cán bộ có liên quan trong việc hòa giải, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngoài ra, cũng cần làm rõ nguồn gốc hóa chất, axit mà ông Quang sử dụng lấy từ đâu, để tăng cường công tác quản lý hóa chất trên địa bàn. Trường hợp có hành vi vi phạm về quản lý hóa chất thì cần xử lý theo quy định pháp luật./.
Tác giả: Võ Nam
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy