Dòng sự kiện:
'Xanh hóa' dòng vốn đầu tư
23/10/2021 18:35:24
Nhiều tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã chủ động hợp tác, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường cho một số hoạt động cấp tín dụng...

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại buổi tọa đàm

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Cục kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến tham vấn ý kiến ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Tích cực ''xanh hóa'' dòng vốn

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, đời sống của người dân.

Vì vậy, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững như: cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc; ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; đồng thời đã xây dựng Chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh.

"Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững. Từ năm 2015, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức IFC, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản định hướng hoạt động ngân hàng vào lĩnh vực xanh, hạn chế dòng vốn vào những dự án có nguy cơ tác động xấu tới môi trường", Phó Thống đốc nói.

Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đã chiếm hơn 17% trên tổng dư nợ của nền kinh tế.

Qua tổng kết, đánh giá trong giai đoạn 2014-2020, đa số các tổ chức tín dụng đã nhận thức được nguy cơ rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động ngân hàng. Nhiều tổ chức tín dụng đã chủ động hợp tác, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có tổ chức IFC, để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng, ban hành các chính sách về môi trường, về cấp tín dụng xanh.

Theo ông Tú, vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường. Đây là cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Thông tư của Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022, cùng với thời điểm hiệu lực của Luật bảo vệ môi trường và có tính bắt buộc thực hiện đối với tất cả các tổ chức tín dụng.

“Việc ban hành Thông tư của Ngân hàng Nhà nước và triển khai của các tổ chức tín dụng tiếp tục thể hiện thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của ngành ngân hàng đối với công tác bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng và khả năng chống chịu rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng”, Phó Thống đốc khẳng định.

Hiệu quả rõ rệt của tài chính xanh

Theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc IFC Khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia nhận định, tài chính xanh và bền vững là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để có thể đạt được mục tiêu của thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cũng như các mục tiêu về phát triển bền vững. Trong đó, hệ thống ngân hàng sẽ là trọng tâm của quá trình phát triển bền vững và các hành động về biến đổi khí hậu.

Ngành tài chính – ngân hàng sẽ cần nhìn nhận tài chính bền vững là một hoạt động kinh doanh tốt và hiệu quả, một mặt tài chính bền vững sẽ giúp giảm thiểu rủi ro một cách mạnh mẽ, để học cách tính toán đến các tác động của biến đổi khí hậu và cạn kiệt về tài nguyên đối với lợi nhuận dài hạn của danh mục đầu tư và cho vay của ngân hàng.

Ông Kyle Kelhofer cũng chia sẻ kinh nghiệm của IFC trong việc xây dựng các tiêu chuẩn về hoạt động để quản lý bền vững về môi trường và xã hội trong các khoản đầu tư của IFC vào các thị trường mới nổi.

Những tiêu chuẩn này là một khuôn khổ quản lý rủi ro mạnh mẽ và được áp dụng rộng rãi và cũng thay đổi cách thức nhìn nhận của ngành ngân hàng đối với rủi ro phi tài chính và phân bổ tài chính trên các thị trường mới nổi.

IFC đề nghị tất cả các khách hàng, đặc biệt khách hàng là ngân hàng, để có thể thiết lập được hệ thống quản lý môi trường và xã hội bao gồm các thủ tục cam kết quản lý, phân định vai trò và trách nhiệm cũng như các hướng dẫn mà một tổ chức sẽ cần tuân thủ để rà soát và quản lý các vấn đề về môi trường – xã hội cũng như các rủi ro liên quan đến các khoản đầu tư đó.

Theo ông Kyle Kelhofer, một hệ thống như vậy sẽ giúp các ngân hàng quản lý sớm các rủi ro về môi trường – xã hội tiềm ẩn, ra quyết định chiến lược nhằm cải thiện được tính bền vững của các dự án được tài trợ trong nước và quốc tế.

Với cách làm đó, các ngân hàng cũng có thể tập trung đầu tư ở những công ty và dự án có hiệu quả cao về mặt môi trường – xã hội cũng như tài chính. Điều này sẽ giúp các ngân hàng bảo vệ được danh mục tài sản của mình bằng cách giảm các khoản cho vay kém hiệu quả hoặc nợ xấu, do đó tăng cường sự ổn định về tài chính. Tiếp đó sẽ có thể bảo vệ danh tiếng cũng như vị trí của ngân hàng trên thị trường.

Mặt khác, tài chính bền vững cũng là cơ hội tốt giúp ngân hàng tăng trưởng và phát triển các sản phẩm tài chính mới, mở rộng sang các phân khúc thị trường mới. Điều này đòi hỏi các dịch vụ tài chính hỗ trợ cho phát triển thương mại, các sản phẩm hoạt động có lợi ích cho môi trường và xã hội.

Tác giả: Vũ Phong

Theo: Vneconomy
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến