Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa cáo báo doanh thu thuần quý II tăng 28% so với cùng kỳ lên 4.080 tỷ đồng. Tuy nhiên biên lãi gộp lại giảm nghiêm trọng từ 6,1% cùng kỳ về dưới 3,3%.
Bên cạnh sự suy giảm về hiệu quả mảng kinh doanh chính, Hòa Bình còn ghi nhận chi phí lãi vay tăng vọt 78% so với cùng kỳ lên 143 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 30% lên 122 tỷ đồng.
Điểm sáng hỗ trợ cho kết quả kinh doanh đến từ doanh thu tài chính gấp 2,8 lần cùng kỳ đạt 183 tỷ đồng, chủ yếu nhờ bán các khoản đầu tư chiếm 126 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn có thu nhập khác hơn 49 tỷ đồng từ tiền lãi chậm thanh toán.
Những biến động kể trên dẫn đến lợi nhuận sau thuế của Hòa Bình giảm 14% so với cùng kỳ về mức 50 tỷ đồng, dù vậy con số này vẫn cải thiện đáng kể so với 3 quý liền trước.
Lũy kế từ đầu năm, công ty xây dựng báo cáo doanh thu tăng trưởng 30% đạt 7.063 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về 61 tỷ đồng, giảm 10% so với nửa đầu năm ngoái.
Năm nay, nhà thầu xây dựng này đặt mục tiêu với 17.500 tỷ đồng tổng doanh thu và 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy kết quả nửa đầu năm đã đạt 40% tiến độ doanh thu và mới 17% chỉ tiêu lợi nhuận.
Lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình từng đánh giá kế hoạch kinh doanh là khá tham vọng khi đang đối mặt với giá vật liệu xây dựng tăng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên doanh nghiệp còn có lợi nhuận từ việc bán các dự án bất động sản như Ascent Garden, Ascent Cityview, Ascent Plaza và Ascent Lakeside.
Tính đến hết tháng 6, quy mô tổng tài sản tăng khoảng 10% (gần 1.700 tỷ) so với đầu năm lên 18.255 tỷ đồng. Phần tăng lên chủ yếu do các khoản phải thu ngắn hạn tăng thêm 1.425 tỷ lên gần 13.000 tỷ đồng.
Cụ thể, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng thêm 226 tỷ so với đầu năm, khoản phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng tăng 563 tỷ, phải thu ngắn hạn khác tăng 572 tỷ... và đồng thời công ty còn trích lập dự phòng 378 tỷ nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.
Trong khi đó doanh nghiệp lại đẩy mạnh chính sách vay nợ. Trong đó nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 762 tỷ so với đầu năm lên 5.461 tỷ đồng, vay nợ tài chính dài hạn tăng thêm 676 tỷ lên mức 1.074 tỷ đồng.
Thực tế trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm đến 1.365 tỷ đồng kể từ đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái chất lượng dòng tiền khá tốt với mức dương 692 tỷ đồng. Nguyên nhân dòng tiền kinh doanh chuyển sang trạng thái âm chủ yếu do tăng các khoản phải thu.
Ngành xây dựng đang gặp phải nhiều thách thức mới bởi các doanh nghiệp bất động sản bị kiểm soát nguồn vốn vay chặt chẽ hơn khiến việc thanh toán cho nhà thầu bị chậm trễ, nhiều dự án đầu tư bị trì hoãn.
Bên cạnh đó xung đột Nga - Ukraine khiến đầu tư nước ngoài không tăng mạnh như kỳ vọng, giá cả nguyên vật liệu leo thang, đơn giá nhân công tăng mạnh vẫn khó tuyển dụng... nên thậm chí nhiều nhà thầu quy mô lớn cũng phải đối diện với nguy cơ bị phá sản nếu không có sự hỗ trợ.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết các doanh nghiệp lớn hầu hết không đạt kế hoạch đặt ra ban đầu, kể cả doanh thu lẫn sản lượng.
Vị này cho biết nếu quản lý tốt thì doanh nghiệp xây dựng có thể lãi khoảng 4%. Song với tình hình nợ đọng hiện tại, giá vật liệu xây dựng tăng, không được bù giá khiến doanh nghiệp càng làm càng lỗ, càng chết.
Tác giả: Huy Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy