Tin liên quan
Theo thông tin trên báo Công an TPHCM, nhiều khu “đất vàng” ở Cà Mau bị “xẻ thịt” làm DA. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, những DA này đươc cấp phép gần chục năm nhưng vẫn không triển khai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bảo tồn và phát triển của địa phương. Dư luận vô cùng bức xúc trước những dự án theo kiểu “xí phần” này.
Ngày 24/4, Văn phòng UBND Cà Mau đã truyền đạt ý kiến của lãnh đạo tỉnh đến các cơ quan hữu quan trên địa bàn tỉnh, đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch, Sở Tài nguyên - môi trường và các đơn vị liên quan, tập trung triển khai làm rõ các vấn đề mà báo đã nêu. Kết quả kiểm tra, rà soát phải báo cáo lên Thường trực UBND tỉnh vào trước ngày 6/5/2015.
Từ bê tông hóa…
Gần hai giờ ngồi đò từ thị trấn Năm Căn, chúng tôi đến mũi Cà Mau, nơi được xem là một trong 15 địa chỉ du lịch trọng điểm quốc gia. Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cảnh hoang tàn. Khối bê tông cốt thép giả gỗ lạc lõng giữa rừng đước, những căn nhà nghỉ vừa giống nhà rông của đồng bào Tây nguyên, lại hao hao nơi ở của đồng bào dân tộc Khơme Nam bộ vắng vẻ, tiêu điều. Khu nhà hàng Thủy Tạ đơn độc giữa biển.
Ông Năm Thắng, người dân cố cựu ở đất Mũi, lắc đầu: "Gần chục năm nay, người ta làm du lịch theo kiểu... Trạng Quỳnh! Hàng năm ngân sách rót tiền tỷ để đầu tư, nhưng ngày càng bất cập. Toàn những công trình dang dở, đất Mũi bị bê tông hóa mất rồi".
Ban đầu, địa phương giao cho Công ty cổ phần du lịch dịch vụ Minh Hải (gọi tắt Cty Minh Hải) thực hiện. Thời gian này, mỗi năm ngân sách đầu tư cho mũi Cà Mau hơn 30 tỷ đồng để phát triển du lịch, nhưng triển khai rồi để đó! Một cán bộ từng công tác trong ngành văn hóa ngán ngẩm: "Người ta lập DA để sử dụng ngân sách chứ không giúp gì cho ngành du lịch. Nhà rông thì xây dựng bê tông cốt thép giả gỗ mọc lên giữa rừng đước trông chẳng giống ai! Xót xa nhất là những gì thiên nhiên ban tặng lại bị chính con người tàn phá”.
Vị này còn khẳng định, mũi Cà Mau là điểm du lịch mang ý nghĩa hết sức thiêng liêng trong tâm thức mỗi người dân Việt, được xem là khu du lịch sinh thái tiêu biểu của cả nước nhưng cách quản lý, kiểu lập DA xây vội vã khiến dư luận bức xúc.
Đường vào khu du lịch xuống cấp do thi công dang dở
Đến việc “xí phần”
Năm 2006, UBND tỉnh kêu gọi các công ty, doanh nghiệp (DN) mạnh dạn đầu tư vào Khu CVVHDL mũi Cà Mau. Theo quy hoạch bấy giờ, khu công viên gồm 159,7ha. Ngay sau đó hàng loạt DN được xem là "đại gia" của Cà Mau lập thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư tại đây. Ông Tư Thanh, người địa phương, nhớ lại: "Vậy mà 10 năm rồi nơi này vẫn vậy. Thấy đất hoang, người dân lén vào bắt sò, ốc bán kiếm tiền. Công viên du lịch chẳng khác nào rừng hoang, nhưng lại có chủ hết".
Được giao 14,1ha từ năm 2005, nhưng đến nay Cty Minh Hải chưa một lần liên hệ để lập các thủ tục tiếp theo. Trong khi quanh chóp Mũi, hầu hết khu đất được thiên nhiên ban tặng nay đã có chủ: Công ty TNHH một thành viên Nam U Minh xin đầu tư 57,7ha rồi để đó; Công ty TNHH thương mại - dịch vụ - du lịch Vinh Sang có giấy phép đầu tư 30ha với số vốn 100 tỷ đồng vẫn chưa thực hiện. Ngoài ra, Công ty TNHH xây dựng Quang Tiền, Công ty TNHH một thành viên du lịch sinh thái Quốc tế và Công ty TNHH một thành viên dịch vụ - du lịch Công đoàn Cà Mau được cấp phép đầu tư từ 6,76ha - 57,7ha, nay bỏ như rừng hoang.
Một cán bộ Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Cà Mau cho biết, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, các công ty "xí phần" không thực hiện. Địa phương nhiều lần nhắc nhở nhưng DA vẫn ì ạch, trong lúc đó tỉnh lại chưa có chủ trương. Rốt cuộc, doi đất cuối cùng của miền cực Nam Tổ quốc gánh hàng loạt DA treo
Giành “đất vàng” để nuôi tôm
Nằm ở phía đông nam mũi Cà Mau, bãi biển Khai Long mang vẻ đẹp hoang sơ kỳ bí, được bao bọc giữa bốn bề rừng ngập mặn. Anh Thanh, nguyên cán bộ ngành văn hóa tỉnh Cà Mau, tiếc nuối: "Du khách tham quan Đất Mũi đều đến nơi này, một bãi cát trải dài lấn dần ra biển nhưng do cách quản lý lạ lùng, bãi biển cũng như Khu CVVHDL mũi Cà Mau bị xẻ thịt không thương tiếc".
Nơi đây có bãi cát giồng uốn lượn thuộc ấp Khai Long, xã Đất Mũi khoảng 230ha. Với vị trí đắc địa, nhiều cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp (DN) chen nhau "xí phần". Hơn 200ha đất ở bãi biển này đã có chủ nhưng việc xây dựng vẫn ì ạch.
Người dân địa phương cho biết, không ít cơ quan, ban ngành được cấp đất làm du lịch để... nuôi trồng thủy sản! Hàng ngày, người dân muốn đến bắt con sò, con ốc độ nhật cũng không được.
"Họ canh chừng nghiêm ngặt lắm, dân đụng đến là bảo đất quy hoạch du lịch đã cấp cho đơn vị khác hoặc đất an ninh quốc phòng. Nhưng mấy năm nay chúng tôi có thấy họ làm gì đâu! Họa hoằn lắm tới con nước thì đến thu hoạch tôm cá”, ông Nguyễn Văn Hoàng - người địa phương - bức xúc.
Năm 2005, tỉnh thành lập Khu du lịch Khai Long với 229 ha. Thấy vị trí đắc địa, thuận lợi cho việc nghỉ dưỡng, hàng loạt DN, công ty ồ ạt xin giấy phép đầu tư.
Cụ thể, năm 2007 Công ty TNHH xây dựng Quang Tiền được cấp giấy chứng nhận đầu tư hơn 42ha với số vốn 20 tỷ đồng; Công ty TNHH xây dựng Thiên Tân được cấp phép với hơn 50ha; Doanh nghiệp tư nhân Duy Oanh được giao 12,29ha. Nhưng sau đó đất bị bỏ không, chẳng thực hiện DA theo quy định.
Khu du lịch Đất Mũi chưa được quan tâm đúng mức
Bao giờ thu hồi?
Mãi đến tháng 3/2015, Công ty TNHH xây dựng Thiên Tân mới tiến hành thủ tục thuê đất và rừng, còn lại Khu du lịch Khai Long bỏ hoang. Lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Cà Mau cho biết, trước đây tỉnh kêu gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư nhưng đường sá chưa thông, vì vậy, ít DN xúc tiến thủ tục tiếp theo.
Đến nay, tuyến đường Hồ Chí Minh nối liền đất Mũi hoàn thành, tỉnh sẽ thúc đẩy phát triển về du lịch. "Các DN, công ty có giấy phép đầu tư phải thực hiện lại từ đầu. Sở sẽ rà soát lại tất cả thủ tục", vị này cho biết.
Khoản 2 điều 68 Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ ghi rõ: DA đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nếu không triển khai hoặc chậm tiến độ quá 12 tháng phải chấm dứt hoạt động, nhưng chẳng hiểu sao tỉnh Cà Mau lại không thực hiện, chờ khi cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh mới rà soát lại?
Điều đáng nói là, đến nay vẫn chưa thấy động thái cứng rắn nào của chính quyền địa phương đối với các công ty, ban ngành "xí phần" DA, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch ở miền đất cuối. Du khách tìm đến mũi Cà Mau tham quan để rồi thất vọng, khi nhiều DA du lịch không khả thi, thực hiện không đúng tiến độ chưa được xử lý dứt điểm, trái với quy định của Chính phủ.
Không bao lâu nữa, tuyến đường Hồ Chí Minh nối Lạng Sơn đến mũi Cà Mau hoàn thành đưa vào sử dụng, trong khi tỉnh vẫn lúng túng trong việc vực dậy ngành "du lịch không khói".
PV (th)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy