Trong bối cảnh dư địa kiểm soát lạm phát còn dư, vấn đề thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ Nhà nước quản lý như điện, dịch vụ vận tải, dịch vụ giáo dục sau nhiều năm trì hoãn đang được bộ, ngành đề cập...
Dự kiến mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa sẽ được điều chỉnh tối đa 6,67% tùy theo cự ly vận chuyển.
Dự báo CPI bình quân năm 2023, các cơ quan cho rằng mức tăng trong khoảng từ 3,2 - 3,75%, diễn biến đúng với kịch bản điều hành giá cả Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đề ra. Trong đó, Bộ Tài chính đưa ra mức tăng từ 3,2 - 3,7%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân từ 3 - 3,5%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,7% (cộng trừ 0,5%).
Báo cáo của Cục Quản lý giá cũng cho thấy những tháng đầu năm 2023, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần, dù giá điện được điều chỉnh tăng từ ngày 4/5/2023. Công tác quản lý giá được các bộ, ngành, địa phương phối hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt và hiệu quả.
Áp lực trong nước không đáng ngại
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác điều hành giá 7 tháng đầu năm và những tháng còn lại của năm 2023 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, chủ trì tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết trong 7 tháng đầu năm, thị trường hàng hóa thế giới chịu tác động đan xen bởi nhiều yếu tố. Các nền kinh tế lớn đối mặt với bối cảnh tăng trưởng thấp, trong khi nhu cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ có xu hướng gia tăng, áp lực nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp, rủi ro trên các thị trường tài chính tiền tệ, bất động sản dâng cao tại một số quốc gia…
Thêm vào đó, xuất hiện một số thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu, tình trạng thời tiết cực đoan diễn ra ở nhiều nơi, hạn hạn kéo dài trong phạm vi rộng, bão lũ, thiên tai tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng tới mặt bằng giá cả trong nước.
Thông tin từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy tính chung 7 tháng đầu năm 2023, giá thóc gạo tại miền Bắc có xu hướng ổn định, giá thóc gạo miền Nam có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động xuất khẩu sang ba thị trường chủ lực ở châu Á (Philippines, Trung Quốc và Indonesia) đều tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ.
Cùng với đó, giá các loại thực phẩm được đánh giá tương đối ổn định, không có diễn biến bất thường, trừ thịt lợn. Hiện, giá lợn hơi đang dao động trong khoảng 58.000 - 63.000 đồng/kg, cao hơn 5 - 9% so với cùng kỳ.
Điểm lạc quan trong thời gian qua là thị trường phân bón trong nước tương đối trầm lắng, giá phân bón giảm liên tiếp do nhu cầu thấp, nguồn cung dồi dào. Tại một số thời điểm, do ảnh hưởng nguồn cung trong nước dẫn đến giá phân bón nhích nhẹ.
Tuy nhiên, do được bù đắp từ các nguồn cung khác nên nhìn chung, giá bán lẻ phân bón giảm mạnh và thấp hơn cùng kỳ năm trước, khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg, tùy loại và tùy từng địa phương. Giá phân bón trong nước giảm do chi phí sản xuất đầu vào giảm, nguồn cung dồi dào và ảnh hưởng bởi giá phân bón thế giới. Hiện giá bán lẻ phân bón urê phổ biến ở mức 12.000 - 13.000 đồng/kg, NPK ở mức 11.000 - 14.000 đồng/kg.
Trong các yếu tố làm giảm CPI trong 7 tháng năm 2023, đáng chú ý nhất là giá dầu hỏa giảm 12,41% so với cùng kỳ năm trước; giá xăng dầu trong nước giảm mạnh 19,32% theo biến động của giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,7 điểm phần trăm. Hiện giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.790 đồng/lít, xăng RON 95 là 23.960 đồng/lít, giá dầu diesel là 20.610 đồng/lít; dầu hỏa là 20.270 đồng/lít và dầu mazut là 16.530 đồng/kg.
Theo đánh giá của Cục Quản lý giá, trong bối cảnh những tháng đầu năm nguồn cung các hàng hóa thiết yếu được đảm bảo, giá cả cơ bản ổn định, diễn biến đúng với kịch bản điều hành giá cả Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đề ra.
Còn nhiều dư địa kiểm soát ạm phát
Bình quân 7 tháng, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,65%. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần. Trong đó, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, sang tháng 7 tiếp tục tăng ở mức thấp 2,06%.
Về dư địa kiểm soát lạm phát, theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 5 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 1,61% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5%. |
Do đó, nhiều quan điểm cho rằng dư địa điều hành giá “dễ thở hơn”, đủ điều kiện để có thể xem xét lộ trình điều chỉnh các mặt hàng, dịch vụ nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường vào thời điểm thích hợp để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, đồng thời bảo đảm sự đồng thuận xã hội, giảm bớt áp lực sang các năm tiếp theo.
Thực tế, lộ trình điều chỉnh các mặt hàng, dịch vụ Nhà nước quản lý đã trì hoãn nhiều năm.
Giá điện hơn 3 năm giữ ổn định ở mức 1.864,44 đ/kwh, đến ngày 4/5 vừa qua mới được điều chỉnh 3%. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục kiến nghị tăng giá điện để bù đắp chi phí. Với vai trò là cơ quan phối hợp điều hành giá điện, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương điều hành giá điện, đảm bảo điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân kịp thời, phù hợp với biến động của các thông số đầu vào nhưng có sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo cân đối lợi ích của người tiêu dùng, nhà nước và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thời gian qua, khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa áp dụng theo quy định tại Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 3/5/2019 của Bộ Giao thông vận tải về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Tuy nhiên, hiện nay các yếu tố hình thành giá thay đổi, trong đó, giá nhiên liệu, tiền lương, tỷ giá hối đoái… đều tăng, nên Bộ Giao thông vận tải đang thực hiện rà soát, đánh giá để điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ này trong thời gian tới. Dự kiến mức trần khung giá dịch vụ này sẽ được điều chỉnh tối đa 6,67% tùy theo cự ly vận chuyển.
Cục Quản lý giá thông tin thêm mức học phí được Chính phủ giữ ổn định trong 3 năm gần đây nhưng hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo hướng lùi lộ trình 1 năm so với lộ trình quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Khả năng điều chỉnh giá một số mặt hàng
Dự kiến khung học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tăng khoảng 7%; trần học phí cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp tăng khoảng 12%. Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác quản lý giá, tham mưu thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục đào tạo...
Tác giả: Trâm Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy