Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM vừa công bố mức điểm sàn xét tuyển năm 2018. Theo đó, điểm sàn xét tuyển của trường dao động từ 15 - 18 với ngành cao nhất là công nghệ thực phẩm. Như vậy, đây là trường ĐH đầu tiên công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào khi chưa có điểm thi THPT quốc gia.
Lo loạn điểm chuẩn tốp dưới
Trường ĐH Kinh tế TP HCM năm nay sẽ tuyển sinh theo ngành/chuyên ngành nên sẽ có nhiều mức điểm sàn. ThS Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhận định có thể điểm sàn của trường năm nay phân hóa ở nhiều mức khác nhau. Bên cạnh những ngành truyền thống được thí sinh biết đến lâu nay sẽ có điểm chuẩn ổn định, nhiều ngành thí sinh chưa nắm thông tin đầy đủ thì điểm chuẩn sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, ông Đương cho rằng do đề thi THPT quốc gia khó hơn năm ngoái nên điểm chuẩn mặt bằng chung dự kiến sẽ không cao.
ĐHQG TP HCM ngày 7/7 đã tổ chức kỳ đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào
"Hy vọng sau khi có điểm, thí sinh sẽ tích cực theo dõi thông tin để tìm hiểu thêm ngành, nghề, điều chỉnh nguyện vọng hợp lý", ThS Đương nói. Chuyên gia này cho hay việc bỏ điểm sàn gây "loạn" điểm chuẩn có lẽ sẽ xảy ra đối với những trường tốp dưới. Những trường tốp giữa và trên điểm vẫn ổn định.
"Năm ngoái, điểm sàn xét tuyển của Trường ĐH Kinh tế TP HCM là 18, điểm chuẩn thấp nhất là 20, cao nhất là 25 nên việc bỏ điểm sàn gần như không ảnh hưởng đến trường. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi, phổ điểm 1 - 2 ngày, trường sẽ đưa ra ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào", ông Đương cho biết.
Theo TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, ngày 12-7, trường sẽ công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Ngưỡng này của trường năm 2017 là 18-20 điểm. "Phải chờ có điểm thi, căn cứ vào phổ điểm thì trường mới công bố điểm sàn xét tuyển. Theo tình hình chung, điểm chuẩn năm nay chắc chắn sẽ giảm", ông Lý nhận định.
Một chuyên gia cho biết ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào thể hiện uy tín, chất lượng, thậm chí thương hiệu của trường nên các trường sẽ tính toán thật kỹ để không đưa ra ngưỡng điểm sàn quá thấp. "Sau khi có điểm thi, chúng tôi sẽ đưa ra điểm sàn dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu kết quả thi", ông này nói.
Xét tuyển tréo ngoe
Một chuyên gia tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội cho rằng song song với việc các trường được tự chủ, không loại trừ khả năng không ít trường sẽ "vơ bèo, vạt tép", bất chấp năng lực để tuyển sinh ồ ạt.
"Năm nay thí sinh dù điểm rất thấp, có khi 3 môn 10 điểm, cũng có thể dễ dàng chọn cho mình một trường ĐH. Sẽ có trường tuyển sinh bằng mọi cách để tạo nguồn thu. Nhà trường có thể biến thành một cỗ máy bán bằng cấp" - chuyên gia này lo lắng. Thực tế, mùa tuyển sinh năm nay có tới hơn 100 trường ĐH thông báo xét tuyển bằng học bạ, trong đó không ít trường có điều kiện xét tuyển rất khiêm tốn.
Đầu mùa tuyển sinh 2018, hàng loạt trường (chủ yếu là các trường địa phương và ngoài công lập) thông báo áp dụng xét tuyển thêm các tổ hợp văn - sử - địa, văn - sử - giáo dục công dân và địa - sử - giáo dục công dân cho tất cả các ngành (trừ khối ngành sức khỏe). Ví dụ, Trường ĐH Hùng Vương (TP HCM), Trường ĐH Thái Bình Dương, Trường ĐH Nam Cần Thơ… tuyển ngành kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng từ các tổ hợp văn - sử - địa và văn - sử - giáo dục công dân. Trường ĐH Công nghệ TP HCM cũng sử dụng tổ hợp văn - sử - địa và văn - sử - giáo dục công dân cho các ngành kinh tế như kinh doanh quốc tế, marketing và các ngành quản trị, truyền thông đa phương tiện, kể cả ngành tiếng Anh. Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai xét tuyển hàng loạt ngành công nghệ như kỹ thuật ôtô, điện - điện tử, chế tạo máy, kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin... bằng tổ hợp văn - sử - địa và văn - sử - giáo dục công dân…
Việc xét tuyển tréo ngoe này dự báo một mùa tuyển sinh khó kiểm soát chất lượng đầu vào. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT, cho rằng các trường được bảo đảm quyền tự chủ nhưng phải có trách nhiệm giải trình về việc các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển có gắn với yêu cầu của ngành đào tạo hay không; quy trình xác định tổ hợp tuyển sinh như thế nào.
Thông thường, ít nhất phải có một hoặc hai môn thi trong tổ hợp được coi như là môn kiến thức nền tảng, môn tiên quyết để có thể vào học chương trình đào tạo. Bà Phụng khẳng định nếu trường xác định những tổ hợp môn thi không liên quan thì sẽ bị bất lợi nhiều hơn, "mất nhiều hơn được".
Theo đại diện Bộ GD-ĐT, với những tổ hợp xét tuyển "lạ lùng", dư luận xã hội sẽ nghi ngờ chất lượng của trường, đồng thời khối trường đang đào tạo cùng ngành sẽ đánh giá thấp những trường như thế. Bên cạnh đó, những thí sinh tốt sẽ không chọn trường này, dẫn đến trường chỉ chọn được những thí sinh kém, không có tinh thần thực học thực nghiệp, học chỉ để kiếm bằng...
Cạnh tranh gay gắt để dành thí sinh Cuộc đua xét tuyển năm nay cũng được dự báo là hấp dẫn với cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các trường để "vợt" thí sinh. TS Dương Hương, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, phân tích trường nào đó muốn giữ thương hiệu và đưa ra điểm chuẩn tương đối có thể sẽ lâm vào cảnh khó khăn trong tuyển sinh. Trong khi đó, những trường đào tạo tương đương nếu có điều kiện xét tuyển không cao chắc chắn sẽ giành được nhiều lợi thế. |
Theo Người Lao Động
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy