Dòng sự kiện:
Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: Các công ty thẩm định giá tiếp tay 'rút ruột' Ngân hàng ACB như thế nào?
08/03/2024 16:06:39
Các bị cáo phát hành chứng thư thẩm định giá ghi lùi ngày, nâng khống giá trị tài sản bảo đảm để Ngân hàng SCB hợp thức hồ sơ vay vốn, giải ngân 65 khoản vay.

Sáng ngày 8/3, TAND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Đến cuối buổi chiều phiên xét xử hôm qua (7/3), hội đồng xét xử đã xét hỏi được hơn 50 bị cáo, chủ yếu là các bị cáo bị xét xử về tội Tham ô tài sản và vi phạm quy định về ngân hàng.

HĐXX tiếp tục xét hỏi đối với nhóm bị cáo thuộc các công ty thẩm định giá bị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng...

Trong nhóm này, VKSND Tối cao truy tố 7 bị cáo là giám đốc, Tổng giám đốc, thẩm định viên các công ty thẩm định giá tài sản.

Được thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Trần Văn Nhị (nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH hãng kiểm toán và định giá ATC, người môi giới thẩm định giá tài sản cho Ngân hàng SCB) cho biết năm 2020, Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) yêu cầu bị cáo Nhị liên hệ, thỏa thuận với Trần Thị Kim Ngân (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Thẩm định giá Thiên Phú) phát hành 2 chứng thư thẩm định giá ghi lùi ngày, nâng khống giá trị tài sản bảo đảm để Ngân hàng SCB đưa vào hợp thức hồ sơ thế chấp, hồ sơ vay vốn, giải ngân cho 65 khoản vay, rút tiền cho bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng.

Hành vi của bị cáo Nhị gây thiệt hại cho SCB hơn 110.000 tỷ đồng. Bị cáo Nhị khai đã nhận thù lao giới thiệu khoảng 1,3 tỷ. Bị cáo có nguyện vọng trả lại hết tất cả và đã tác động gia đình đi vay mượn, khắc phục.

Bị cáo Trần Thị Kim Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá Thiên Phú cho rằng, lời khai của bị cáo Nhị có chỗ chưa chính xác, vì chỉ nhận được 300 triệu đồng tiền tạm ứng phí thẩm định giá (trước đó Nhị khai gửi cho công ty của Ngân 600 triệu đồng) .

Ngân còn khai, làm theo tiến độ, giá và thời gian phát hành do Nhị yêu cầu. Về phí thẩm định giá, hồ sơ thu phí cao nhất cho dự án Mũi Đèn đỏ là 300 triệu đồng, phí hồ sơ thấp nhất chỉ 5 triệu đồng.

Còn bị cáo Trần Tuấn Hải (thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá Thiên Phú) khai, chỉ làm công ăn lương cho bị cáo Ngân hưởng lương 15 triệu/tháng. Biết được các hồ sơ ký là rất rủi ro, nhưng do công ty cũng đang gặp khó khăn về tài chính nên ký theo chỉ đạo của Ngân.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa.

Tại tòa, bị cáo Hồ Bình Minh (Phó Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá MHD) thừa nhận cáo trạng truy tố nhưng bị cáo cho rằng chỉ làm việc với Bùi Ngọc Sơn, chưa bao giờ gặp Trần Thị Mỹ Dung. Lúc công ty của bị cáo gặp khó khăn, bị cáo có gặp Sơn và Sơn gửi 2 hồ sơ nhờ định giá. Sau khi tính toán, bị cáo báo giá làm chứng thư cho Sơn.

"Từ khi nhận hồ sơ đến khi làm, bị cáo trực tiếp định giá 2 dự án do Sơn chuyển", bị cáo Minh khai. Tổng cộng, bị cáo Minh làm 3 chứng thư, nhận trực tiếp từ Bùi Ngọc Sơn khoảng 280 triệu đồng do Ngân hàng SCB chuyển làm các chứng thư này. Sau khi trừ các chi phí, công ty nhận được 65% tổng số tiền đã nhận.

Trước bục khai báo, bị cáo Minh nói sau khi kết thúc dịch Covid-19, công ty gặp khó khăn, để duy trì hoạt động nên dù biết hồ sơ "có vấn đề" bị cáo cũng cố xoay xở.

"Bị cáo chỉ ngờ ngợ hồ sơ có vấn đề chứ thật tình không biết họ dùng hồ sơ để rút tiền. Trong vụ án này bị cáo có một số tình tiết giảm nhẹ mong tòa xem xét", bị cáo Minh nói.

Tác giả: Quốc Lâm - Công Thư

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến