Dòng sự kiện:
Xin ý kiến Bộ Chính trị 'xử lý tài sản không rõ nguồn gốc'
14/07/2018 07:55:57
Những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong Luật PCTN như việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc sẽ được xin ý kiến Bộ Chính trị.

Phiên họp thứ 25 của Uỷ ban TVQH cho ý kiến vào dự án Luật PCTN sửa đổi

Thảo luận dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi ngày 12/7, các thành viên trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) còn nhiều ý kiến khác nhau đối với một số nội dung lớn.

Liên quan đến quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, ngoài 2 phương án đánh thuế thu nhập cá nhân và xử phạt hành chính được quy định trong dự luật, còn một số ý kiến đề xuất thêm nhiều phương án khác.

Tài sản không rõ nguồn gốc, thu thuế hay chuyển sang toà án?

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, qua cân nhắc kỹ lưỡng ưu, nhược điểm của từng phương án và tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, Uỷ ban Tư pháp và cơ quan trình dự án thống nhất chọn phương án thu thuế thu nhập cá nhân bởi đây là phương án đáp ứng được các yêu cầu về phòng, chống tham nhũng, phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay và có tính khả thi nhất.

Tuy nhiên, nội dung này vẫn còn nhiều ý kiến ĐBQH khác nhau, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Uỷ ban TVQH báo cáo cấp có thẩm quyền và xin ý kiến ĐBQH bằng hình thức bỏ phiếu.

Thể hiện quan điểm khác, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Mai Bộ cho rằng, người kê khai không đầy đủ là vi phạm kỷ luật cán bộ công chức. Vì vậy, theo ông, đối với tài sản kê khai không trung thực, không giải trình được, đó là quan hệ sở hữu. Ông đề nghị xử lý phải theo con đường tố tụng dân sự, tức là giao cho tòa án.

Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh đề nghị tài sản không rõ nguồn gốc sẽ giao cho toà án giải quyết theo con đường tố tụng dân sự

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị thảo luận them về phương án này và đề nghị nếu theo con đường tố tụng dân sự thì ai là nguyên đơn, ai là bị đơn dân sự?

Băn khoăn với phương án đánh thuế tài sản không chứng minh được nguồn gốc, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn cho rằng nếu làm như vậy tức là khẳng định đây là thu nhập hợp pháp. “Không chứng minh được thì tài sản đó có thể là hợp pháp, cũng có thể là không hợp pháp. Thu thuế xong sau lại chứng minh được đó là tài sản do phạm tội mà có, lại chuyển sang xử lý hình sự. Một hành vi đã bị xử lý rồi, sau lại tiếp tục xử lý thì rất khó”, ông Phàn phân tích.

Theo ông, người kê khai không trung thực thì việc đầu tiên là phải xử lý kỷ luật. Đối với việc xử lý tài sản vẫn nên theo như quy định hiện hành, tài sản đó nếu chứng minh được, khẳng định được là tài sản trốn thuế thì xử lý hành chính hoặc xử lý thu thuế. Nếu tài sản đó có dấu hiệu là tài sản do phạm tội mà có thì chuyển sang cơ quan điều tra xử lý hình sự.

“Bây giờ đặt ra việc cứ không chứng minh được nguồn gốc chuyển sang thu thuế ngay thì không có cơ sở. Cũng chẳng có căn cứ nào tự nhiên thu thuế 45%”, ông Phàn góp ý.

Chưa thuyết phục

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, quy định trong dự luật hiện nay chưa thuyết phục cả pháp lý và lý luận thực tiễn.

Chủ tịch Quôc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng với tài sản không rõ nguồn gốc, trước hết phải nhìn nhận theo nguyên tắc suy đoán vô tội

“Đã là tài sản tham nhũng tịch thu 100% không ai nói, nhưng tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp mà ta đi thu thuế, gọi là thu nhập vãng lai thì không có cơ sở thuyết phục”, bà Ngân nêu quan điểm.

Dẫn nguyên tắc suy đoán vô tội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng trước hết phải nhìn người ta không có tội. Vì vậy, người có tài sản nghi ngờ tham nhũng thì trước hết phải áp dụng tính nhân văn này, suy luận nó là tài sản hợp pháp và khi chứng minh được tài sản này không hợp pháp thì mới tịch thu.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục lắng nghe ý kiến, tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về việc này, đồng thời đề nghị mời các cơ quan trong Ban chỉ đạo PCTN, các cơ quan tham mưu về PCTN ngồi lại họp nội bộ với nhau thảo luận nội dung này để làm căn cứ tiếp thu giải trình, chỉnh lí phải thật sự thuyết phục, có lý.

Với những nội dung lớn còn nhiều ý kiến khác nhau như hướng xử lý tài sản không giải trình rõ nguồn gốc, Chủ tịch Quốc hội “chốt” sẽ đưa ra xin ý kiến Bộ Chính trị.

Thu thuế vẫn không loại trừ xử lý hình sự

Giải trình về quy định xử lý tài sản, thu nhập không giải trình rõ nguồn gốc, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay có khoảng 6 phương án cho việc này. Đó là, thông qua còn đường tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, xử phạt vi phạm hành chính, hành chính - tư pháp, xử lý kinh tế - thuế, cuối cùng là thực hiện như luật hiện hành.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nguyên cứu rất kỹ, định dạng chỉ có 6 phương án đó thôi. Sau khi trao đổi, hội thảo, xin ý kiến, cuối cùng thấy phương án thu thuế có nhiều yếu tố phù hợp, áp dụng được với Việt Nam nên đi sâu vào phương án này.

Theo ông Khái, đây là việc khó, một chính sách mới, cũng rất được quan tâm. “Phương án này không có bên nào nói là của mình được thì xem như là 1 khoản thu nhập vãng lai – thu nhập không thường xuyên, nếu được chấp nhận thì phải tính một mức thuế bình quân. Và dù tính thuế rồi thì cũng không loại trừ nếu có vi phạm thì tiếp tục xem xét theo trình tự tố tụng hình sự để xử lý cuối cùng”- ông Khái nói.

Theo báo Giao thông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến