Dòng sự kiện:
Xử lý nợ cũ, lo nợ mới
24/01/2019 15:00:36
Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu NH năm 2018 giảm đáng kể so với năm 2017. Tuy nhiên, nợ xấu chỉ giảm ở một số NH, còn lại đa số NH khác đều tăng.

Đáng chú ý, việc xử lý nợ xấu chủ yếu dựa vào trích lập dự phòng rủi ro, dù cơ chế xử lý nợ xấu mới có nhiều ưu ái hơn trong xử lý tài sản đảm bảo. Do đó, việc tháo gỡ khó khăn để xử lý nợ xấu cũ và siết lại cho vay để không phát sinh nợ xấu mới, là bài toán đặt ra với ngành NH trong năm 2019.

Nợ xấu NH vẫn tăng

Theo thông tin tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV của Vietcombank, tổng nợ xấu vào cuối năm 2018 ở mức 6.215 tỷ đồng. Con số này tăng nhẹ 7 tỷ đồng so với cuối năm 2017, nhưng so với thời điểm cuối tháng 9-2018 đã giảm mạnh hơn 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm từ 1,14% vào cuối năm 2017 xuống còn 0,98% vào cuối năm 2018.

 

Tại Agribank, nợ xấu 1,51%, thấp hơn so với năm 2017, thu hồi nợ sau xử lý 11.936 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu của VIB giảm mạnh xuống còn 2,2%. Đáng chú ý, tổng số nợ xấu nội bảng của Sacombank giảm gần một nửa so với đầu năm 2018, chỉ còn 5.427 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm từ 4,67% xuống 2,11%. 

Trong khi đó tại nhiều NHTMCP, nợ xấu lại tăng lên. Cuối năm 2018, nợ xấu hợp nhất của VPBank 7.766 tỷ đồng. Mức này giảm hơn 1.600 tỷ đồng so với cuối tháng 9-2018, nhưng tăng 25% so với đầu năm, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 3,39% lên 3,51%. Giá trị nợ xấu tại TPBank ở mức 861 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm; tỷ lệ, nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,09% lên 1,12%. NH này còn hơn 756 tỷ đồng chứng khoán nợ do Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) phát hành, sau khi mua lại các khoản nợ xấu đã bán và sử dụng quỹ dự phòng để xóa nợ. 

Một số NH khác như MB ghi nhận nợ xấu ở mức 2.836 tỷ đồng, tăng 27,9% so với thời điểm đầu năm; tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ mức 1,2% lên 1,3%. Tại thời điểm 31-12-2018, BacABank có 488 tỷ đồng nợ xấu, tăng 136 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng mạnh từ 5 tỷ đồng lên 251 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên 0,76%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng cho vay khách hàng của LienVietPostBank cũng tăng từ mức 1,07% đầu năm lên 1,41% cuối năm. VietBank ghi nhận 444 tỷ đồng nợ xấu, tăng 14,4% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,25% tổng dư nợ…

Khó khăn trong xử lý

Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã hỗ trợ rất nhiều cho hệ thống NHTM trong việc giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn. Thí dụ, để xử lý tài sản đảm bảo, Nghị quyết 42 nghiêng về đảm bảo quyền lợi cho NHTM thông qua quyền tự quyết.

Quy định này được thể hiện trong các hợp đồng cấp tín dụng của NH qua điều khoản NH được quyền thẩm định giá. Theo đó, khi có giá thẩm định tài sản, NH được yêu cầu bên thứ 3 tiến hành mua bán tài sản đó. Nhưng trên thực tế lại khó để áp dụng vì khi chủ tài sản không hợp tác, NH không thể phát mãi được tài sản đảm bảo đó.

Ảnh minh họa  

Chính vì vướng mắc trên, xử lý nợ xấu trong năm 2018 vẫn chủ yếu dựa vào sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng với tỷ lệ 59,8%, thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%, bán phát mại tài sản chỉ chiếm 3%, còn lại bằng các hình thức khác. Trên báo cáo tài chính cũng cho thấy các NH có tỷ lệ nợ xấu thấp đều có mức dự phòng rủi ro rất cao trong năm 2018. Cụ thể, trong quý IV, Vietcombank dành 2.380 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro (cùng kỳ năm 2017 là 1.691 tỷ đồng). Mức trích lập dự phòng cả năm lên đến 7.378 tỷ đồng, cao hơn năm 2017 khoảng 1.180 tỷ đồng. 

Trong khi đó, Agribank trích lập dự phòng rủi ro 25.590 tỷ đồng, và hiện tổng nguồn dự phòng xử lý rủi ro còn lại gần 20.000 tỷ đồng, đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trong năm 2019. Tương tự, VIB cũng tăng 73% chi phí dự phòng (tương ứng 661 tỷ đồng) so với năm 2017 để mua về toàn bộ các khoản VAMC; lập dự phòng và xử lý phần lớn các khoản nợ này ra khỏi bảng tổng kết tài sản, đưa nợ xấu về mức thấp. Năm ngoái, Sacombank cũng mạnh tay tăng chi phí dự phòng rủi ro thêm gần 2 lần lên 1.592 tỷ đồng.

NH tự gánh là chính

VAMC ra đời từ năm 2013 mang theo kỳ vọng xử lý nợ xấu, nhưng đến nay theo đánh giá chung, trên 80% khoản nợ đã bán VAMC cuối cùng tự NH phải giải quyết. Nguyên nhân do cách thức quản lý, xử lý nợ của VAMC không bằng các NH. Do vậy, thời gian gần đây những khoản nợ bán cho VAMC chưa đáo hạn đã được NH mua lại để tự xử lý.

Mặc dù khi nợ xấu “hồi hương” sẽ làm tăng trích lập dự phòng, làm giảm lợi nhuận nhưng sẽ tăng quyền tự chủ trong xử lý nợ. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng trong năm 2019 NHNN sẽ yêu cầu các NH đẩy mạnh việc tự xử lý nợ xấu hơn là bán cho VAMC. Bên cạnh đó, trái phiếu đặc biệt của các khoản nợ đã bán cho VAMC sẽ được mua bán theo cơ chế thị trường. 

Theo TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TP HCM, tỷ lệ nợ xấu của NH tăng có nguyên nhân đến từ việc cấp tín dụng vẫn chưa tuân thủ quy định của NHNN. Ngay từ bước đầu tiên là tiếp xúc khách hàng để hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn, việc nắm đầy đủ thông tin, phân tích thông tin khách hàng vẫn chưa được các cán bộ nhân viên của NH thực hiện đạt yêu cầu.

Hay bước thẩm định hồ sơ vay, ra quyết định cho vay, cũng như quản lý hoạt động sau cho vay cũng gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, khách hàng vẫn chưa cung cấp đầy đủ thông tin về cấp tín dụng cho các NHTM. Đây là những vấn đề cần phải siết lại để tránh việc chưa xử lý xong nợ xấu cũ, nợ mới lại tăng lên.

Dù hệ thống NH đã xử lý được một khối lượng nợ xấu đáng kể trong thời gian qua, nhưng cần lưu ý nợ xấu mới lại gia tăng, đòi hỏi phải có cơ chế để thúc đẩy xử lý nợ nhanh hơn. 

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh

Theo Sài Gòn đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến