Dòng sự kiện:
Xử lý nợ xấu còn vướng mắc do các cấp chưa quyết liệt
16/10/2018 12:01:16
Việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD vẫn còn những vướng mắc do công tác triển khai và sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ.

Ghi nhận lĩnh vực tài chính - ngân hàng

Báo cáo thẩm tra thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạchphát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình tại Phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 15/10 đã nêu lên nhiều kết quả tích cực.  

Theo đó, trong 12 chỉ tiêu về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, với nhiều điểm nhấn quan trọng như: Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng GDP ở mức cao hơn mức tăng GDP tiềm năng trung hạn, tăng trên cả 3 lĩnh vực; quy mô nền kinh tế khoảng 240,5 tỷ đô la Mỹ; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát; thu ngân sách vượt dự toán, hỗ trợ cho chi đầu tư phát triển, thực hiện an sinh xã hội; 

Bên cạnh đó, cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch tích cực cùng với sự gia tăng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân; thu hút và giải ngân FDI tăng khá; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, cán cân thương mại chuyển biến tích cực, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu; thị trường tiền tệ ổn định, quy mô dự trữ ngoại hối tăng cao. Mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế có những bước chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của quốc gia có nhiều tiến bộ… 

“Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong Nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.” - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá.

Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, có được kết quả kinh tế tích cực đó là do Chính phủ luôn bám sát thực tiễn giải quyết kịp thời vướng mắc, cấp bách đặt ra và lãnh đạo Chính phủ thường xuyên tham dự các hội nghị xúc tiến đầu tư, các diễn đàn để  lắng nghe, tháo gỡ khó khăn. Cũng theo bà Nga, điểm đáng ghi nhận là lĩnh vực tài chính - ngân hàng, khi nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài là điểm trước đây chúng ta rất lo thì cho đến giờ chúng ta đánh giá trong giới hạn an toàn. Cùng với đó là tỷ giá ổn định, kiểm soát tốt thị trường vàng, tín dụng hỗ trợ tốt cho nền kinh tế.

Phải đảm bảo duy trì mức tăng trưởng ổn định

Để thấy rõ hơn những kết quả đạt được và tiếp tục duy trì những thành tựu nêu trên, bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.

Đó là tăng trưởng GDP dự báo đạt ở mức cao, vì vậy cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định.

Lạm phát đang được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát cuối năm còn tiềm ẩn do một số yếu tố như thiên tai, bão lũ và những bất ổn về kinh tế của khu vực và thế giới, dư địa điều hành giá cả không còn nhiều. “Cần đánh giá hiệu quả điều hành chính sách giá thông qua việc điều chỉnh giá dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ", Ủy ban Kinh tế đề nghị.

Đối với công tác xử lý nợ xấu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD vẫn còn những vướng mắc do công tác triển khai và sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, đặc biệt là trong công tác thu giữ tài sản bảo đảm, hoạt động thi hành án dân sự, giải quyết tranh chấp tại tòa án liên quan đến xử lý nợ xấu. 

Bên cạnh đó, cần làm rõ nguyên nhân của hiện tượng diễn biến ngược chiều nhau về quy mô vốn bình quân và quy mô bình quân lao động của doanh nghiệp ngoài nhà nước đăng ký thành lập mới; tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể cao, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ;đánh giá một cách đầy đủ hơn về thực trạng của doanh nghiệp.

Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đã có chuyển biến, tuy nhiên khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra tại nhiều địa bàn.Hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất tại một số địa phương ở Nam Trung Bộ diễn biến phức tạp. Đề nghị báo cáo rõ hơn về tình hình bố trí vốn, xử lý các điểm trọng yếu về sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại vùng đồng bằng sông Cửu Long cho đến nay; kết quả xử lý xả thải tại các khu công nghiệp; xử lý rác thải tại các khu đô thị và việc nhập khẩu phế liệu, rác thải.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, Chính phủ phải kiểm soát kinh tế vĩ mô, giữ vững lạm phát, tăng tính tự chủ của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng. Đồng thời, đẩy nhanh hơn việc giải ngân vốn đầu tư, đánh giá thêm tình hình sản xuất ở một số ngành, một số lĩnh vực; bổ sung đánh giá công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy có tác động thế nào đối với đời sống kinh tế - xã hội…

"Nếu như trước có những năm thị trường vàng làm cho chúng ta rất lo lắng khi tác động tới toàn xã hội. Còn từ đầu nhiệm kỳ đến nay chúng ta đã kiểm soát thị trường vàng rất ổn. Bên cạnh đó, kiểm soát lạm phát và chất lượng tăng trưởng tín dụng cũng rất tốt và chúng tôi đánh giá tín dụng đã hộ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế; đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và nợ xấu được kiểm soát", Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến