Xử lý nợ xấu: Sự nhượng bộ cuối cùng?
04/08/2016 12:04:45
Theo quy định tại Thông tư 08/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 8 này, chính sách gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt do Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) bắt đầu thực hiện.

Tin liên quan

Chính sách trên dự kiến bắt đầu có ảnh hưởng lớn tới nhiều ngân hàng thương mại, tới cả vấn đề vĩ mô là lãi suất và nợ xấu.

Vùng phủ sóng rộng

Nếu Thông tư 08 không hồi tố, thì chính sách này không nhiều ý nghĩa trước mắt. Vì phần lớn nợ xấu đã được bán cho VAMC trước tháng 8/2016 rồi. Nhưng nó trở nên có giá trị khi áp dụng cho trái phiếu đặc biệt mà VAMC đã phát hành, tức với phần nợ xấu đã bán.

Giá trị là, theo quy định hiện hành, thời hạn trái phiếu đặc biệt của 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC tối đa chỉ 5 năm. Từ tháng 8 này, với thông tư trên, cơ hội một phần đáng kể trong đó có thể được giãn ra thành 10 năm.

Với quy định thời gian qua, giả sử một ngân hàng phải dồn trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt 5.000 tỷ trong 5 năm, mỗi năm 1.000 tỷ, thì với cơ chế trên có thể mỗi năm chỉ 500 tỷ mà thôi, dát ra trong vòng 10 năm, bớt áp lực và nhẹ bước hơn nhiều.

Rộng hơn, để có được 1.000 tỷ đồng trích dự phòng, ngân hàng buộc phải tập trung nhiều hơn vào thu lãi để có nguồn, phần lớn nguồn thu vẫn là tín dụng, lãi suất cho vay càng khó giảm, nhưng khi được giảm bớt áp lực như trên thì càng bớt dồn đẩy đối với lãi suất cho vay. Đây cũng là lợi ích chung cho thị trường, khớp với mục tiêu giảm lãi suất đang đặt ra.

Không có ngân sách, không đi được đường thẳng, phải đi đường vòng qua tạo cơ chế, xử lý nợ xấu thời gian qua đã có nhiều điển hình nhượng bộ để đến được đích ngắm mong muốn.

Ở một khía cạnh khác, nếu để ý thì thấy nhiều ngân hàng sau thời gian tái cơ cấu, họ được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng rất cao, thậm chí có trường hợp tới 40-50%/năm. Vì theo lẽ trên, họ cần tăng lượng để có thêm nguồn thu tạo nguồn trích lập dự phòng, chứ không chỉ dựa vào lãi suất cho vay cao.

Theo quy định của Thông tư 08, chỉ có hai trường hợp được đề nghị gia hạn là các tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại theo đề án, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; và trường hợp gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC đã phát hành dẫn đến chênh lệch thu chi trước thuế dự kiến của năm bị âm.

Chỉ hai nhóm trường hợp, nhưng sẽ có nhiều thành viên và tỷ trọng thị phần khá lớn thuộc diện được hưởng cơ chế trên. Sức lan tỏa của cơ chế gián tiếp ra thị trường theo đó khá rộng.

Đó là những trường hợp tự tái cơ cấu thời gian qua như TPBank, NCB, hay trường hợp hợp nhất SCB, PVcomBank, SHB sáp nhập Habubank, Sacombank sáp nhập Southern Bank, và kể cả 3 ngân hàng bị mua lại 0 đồng…

Và nếu trường hợp BIDV sáp nhập MHB cũng thuộc diện trên, tới đây VietinBank sáp nhập PGBank nữa, độ phủ của chính sách này sẽ lại càng rộng.

Nhượng bộ cuối cùng?

Nhìn về chính sách giãn thời hạn trái phiếu nói trên, cũng như phân vùng đối tượng áp dụng, có một góc nhìn được chú ý, đại ý như “một quốc gia đa chế độ”. Tức là, trong một hệ thống kinh doanh, có nhóm ngân hàng được hỗ trợ cơ chế, nhóm thì không, mà liên quan là nguồn lực và bình đẳng cạnh tranh.

Ở đây, với quan điểm xử lý nợ xấu không dùng tiền ngân sách, nhưng có cơ chế và tạo ra cơ chế, như trên, mà cơ chế ở góc độ nào đó cũng chính là tiền.

Có một góc nhìn nữa, trong khi vấn đề xử lý nợ xấu đặt ra quyết liệt, các ngân hàng buộc phải dồn lực trích lập dự phòng để chủ động hơn trong xử lý, thì việc giãn thời hạn trái phiếu đặc biệt bớt dồn áp lực trích dự phòng là một sự nhượng bộ.

Song, ở góc nhìn hài hòa hơn, đó là việc cơ chế chính sách phải làm, và mục đích cũng vì lợi ích chung.

Cụ thể, nhìn ngược lại tình huống: nếu cơ chế nhất quyết giữ nguyên thời hạn trái phiếu đặc biệt là 5 năm, với tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của nhiều thành viên đang tái cơ cấu, hay như các “ngân hàng 0 đồng”, chắc gì đã đáp ứng được; nếu càng ép, họ có thể càng khó khăn và càng níu kéo bước chân phục hồi chung của hệ thống, thậm chí liên quan đến cả nền kinh tế.

Trong khi đó, giãn ra như một cơ chế hỗ trợ, họ có điều kiện để có thể phục hồi, hoặc với những trường hợp đứng ra nhận sáp nhập những ngân hàng yếu kém trước đây có thêm thuận lợi để tái cơ cấu, khi đó vừa bớt gánh nặng đối với hệ thống vừa có điều kiện để tạo nguồn hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm của họ tốt hơn.

Chi tiết hơn nữa, tạm giãn chi phí trích lập dự phòng, lợi nhuận các ngân hàng liên quan bớt áp lực để có thể nộp ngân sách tốt hơn (nhưng việc chia cổ tức sẽ vẫn bị xem xét chặt chẽ), bớt trì hoãn ở lãi suất cho vay, và có cơ hội phục hồi hoặc hoạt động hiệu quả hơn để có nguồn quay trở lại xử lý nợ xấu thực chất hơn…

Nhưng có lẽ Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cụ thể các khoản, quy mô và từng trường hợp được giãn một cách thận trọng. Vì liên quan là các nghiệp vụ và nguồn vốn khác, như thời hạn tái cấp vốn có thể kéo dài hơn khi thời hạn trái phiếu đặc biệt được giãn ra.

Và trong tổng thể điều hành chính sách, có thể đây là sự nhượng bộ cuối cùng của cơ chế trong ứng xử và xử lý nợ xấu, do thực tế và những lợi ích chung, riêng nói trên.

Đặt trong ứng xử và xử lý nợ xấu những năm qua, sự nhượng bộ của cơ chế chính sách cũng đã từng có những điển hình lớn.

Cụ thể như việc ba lần hoãn lộ trình áp dụng Thông tư 02 về phân loại nợ, đặc biệt là cơ chế “một người đau mắt đỏ, cả nhà phải nhỏ thuốc” (doanh nghiệp có một món nợ xấu, tất cả khoản vay của họ tại các ngân hàng khác cũng bị xếp thành nợ xấu) trong năm 2013 và 2014. Trước nữa là cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm (Quyết định 780, về sau chuyển tiếp vào Thông tư 09). Hay bản thân VAMC, xét ở góc độ nào đó, cũng là một sự nhượng bộ với nợ xấu.

Nhưng nhìn lại, nếu không có những nhượng bộ trên, cũng là sự hỗ trợ của cơ chế trong bối cảnh không có và không dùng ngân sách, thì chắc chắn nhiều ngân hàng và rất nhiều doanh nghiệp đã phá sản, không thể phục hồi, và nền kinh tế chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn nhiều trong những năm qua.

Trước những nhượng bộ đó, thời gian qua có quan điểm cần phải tôn trọng và tuân theo quy luật của thị trường, phá sản và loại bỏ thay vì nhượng bộ và hỗ trợ. Tuy nhiên, cơ thể của nền kinh tế Việt Nam có chịu đựng nổi sự khắc nghiệt đó của thị trường hay không, hẳn là điều các nhà hoạch định chính sách đã lường tính.

Các chính sách nhượng bộ đó, cuối cùng cũng phải kết thúc. Không đi được đường thẳng, phải đi đường vòng, vấn đề là thời gian và có đến được đích mong muốn hay không mà thôi. Như với Thông tư 02, rất khắt khe và khắc nghiệt trong nhận diện nợ xấu so với trước, cuối cùng rồi cũng ráp được cho hệ thống.

Theo Vneconomy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến