Lợi dụng kẽ hở trong việc cấp QR Code "luồng xanh" cho phương tiện vận tải, tạo dòng chảy lưu thông hàng hoá, lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất…, Hoàng Thị Thanh Nga (SN 1976, trú tại Hà Nội) - chuyên viên Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ), được tăng cường hỗ trợ Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, đã móc nối với một số đối tượng duyệt và cấp trái phép 1.740 hồ sơ xe ô tô trục lợi hơn 220 triệu đồng của cá nhân, tổ chức muốn làm thẻ "luồng xanh".
Không chỉ tư lợi trong việc cấp duyệt hồ sơ, một số lái xe khi được cấp thẻ nhận diện "luồng xanh" đã sử dụng như tấm "kim bài" để chở người, hàng lậu, thậm chí cả ma tuý ra, vào vùng dịch nhằm tránh bị các chốt kiểm soát kiểm tra, phát hiện.
Tháng 8/2021 vừa qua, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (Công an TP Hà Nội) bóc gỡ đường dây mua bán ma tuý từ Tây Bắc về Hà Nội qua xe "luồng xanh" do đối tượng Hoàng Văn Linh (trú Hà Nội) cầm đầu, thu giữ, 10 bánh heroin cùng nhiều tang vật liên quan.
Tương tự, ngày 20/8, tại chốt kiểm soát dịch số 20 cao tốc Hà Nội – Lào Cao (Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện xe tải "luồng xanh" chở hơn 200.000 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn phụ tiếng Việt Nam.
Xe tải "luồng xanh" chở 10 tấn bánh trung thu không rõ nguồn gốc. Ảnh: Tiền Phong
Tài xế quê Bến Tre, khai nhận được thuê chở số hàng trên từ cửa khẩu Lào Cai đi TP HCM để tiêu thụ.
Một vụ việc nghiêm trọng khác, Công an phường Nghĩa Trung, TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) trong tháng 8 cũng phát hiện 2 tài xế lợi dụng xe "luồng xanh" chở 10 người từ vùng dịch Bình Dương vượt qua các chốt kiểm dịch, di chuyển trái phép vào địa phương này.
2 tài xế này lái xe tải BKS 48C - 045.83 là xe “luồng xanh”, chở rau củ quả từ TP Gia Nghĩa về TP HCM. Ngày 1/8, trên đường trở về TP Gia Nghĩa, xe đã chở nhóm 10 công dân tỉnh Đắk Lắk không có phiếu xét nghiệm âm tính với COVID-19 đang tìm đường về quê.
Lợi dụng là xe chở hàng "luồng xanh", các tài xế đã cho 10 người này lên thùng xe và không khai báo y tế với lực lượng liên ngành tại các chốt kiểm soát dịch.
Liên quan đến việc lợi dụng xe "luồng xanh" để trục lợi, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng tuyên truyền và hướng dẫn pháp luật giao thông (Cục CSGT) cho biết, trước tình trạng trên đơn vị đã chủ động có phương án phòng ngừa. Hiện nay, việc kiểm soát đối với các phương tiện "luồng xanh" cũng được thực hiện gắt gao.
"Đồng ý xe "luồng xanh" là xe được ưu tiên nhưng những người trên xe phải có đầy đủ giấy tờ, khai báo y tế và kiểm tra xe có đi đúng lộ trình, chở có đúng hàng hoá đăng ký hay không", Đại tá Nhật thông tin.
Về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát tại các chốt kiểm soát và địa điểm tập kết phương tiện, trung chuyển để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo ông Huyện, các Sở GTVT cũng cần xác định rõ các chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp vận tải chịu trách nhiệm chính trong việc khai báo, đăng ký và thực hiện đúng quy định về việc tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch, không gây ùn tắc giao thông.
Chủ doanh nghiệp cần yêu cầu lái, phụ xe tuân thủ kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng tại khu vực kiểm tra và các chốt phòng, chống dịch.
Tới đây, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hậu kiểm với các doanh nghiệp có phương tiện được cấp thẻ nhận diện phương tiện có mã QR Code hoạt động trên "luồng xanh"; thường xuyên kiểm tra lộ trình hoạt động của các phương tiện trên hệ thống cập nhật dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các phương tiện.
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Suối Sâu, thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh). Ảnh: Báo Giao thông
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc cấp thẻ "luồng xanh" ưu tiên có thể đúng đối tượng nhưng tài xế lại không sử dụng đúng mục đích, vận chuyển hàng hóa, người không được phép chở. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ trường hợp thẻ ưu tiên "luồng xanh" vận tải được làm giả.
Đề cập biện pháp xử lý, luật sư Cường cho rằng, tài xế có thể bị phạt với lỗi ra đường không có lý do chính đáng với mức phạt 3 triệu đồng vì không chở hàng thiết yếu và yêu cầu phải quay đầu.
Trong trường hợp xác định được lái xe sử dụng giấy từ giả có thể khởi tố hình sự với tội Làm giả và sử dụng giấy tờ giả, theo Điều 341 Bộ Luật hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, nếu xác định được trách nhiệm của chính quyền, phải kỷ luật cán bộ.
Về trách nhiệm của doanh nghiệp quản lý lái xe, luật sư Cường cho rằng, nếu xác định được lỗi của doanh nghiệp sẽ xử phạt với mức phạt gấp đôi so với lái xe. Cá nhân người đứng đầu doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm khi lái xe sử dụng giấy tờ giả.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Bảo Khánh (T/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy