Dòng sự kiện:
Xử lý xây dựng sai phép tại TP HCM vẫn 'bắt cóc bỏ đĩa'
25/08/2020 13:06:22
Mặc dù chính quyền TP HCM đã liên tục thay đổi cách thức quản lý, xử lý việc vi phạm trật tự xây dựng, nhưng việc xây dựng sai phép, trái phép trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp.

Loạt chung cư mini xây dựng sai phép của Công ty Huỳnh Thông tại huyện Bình Chánh

Vẫn tràn lan công trình sai phép

Mới đây, báo cáo về kết quả thực hiện Chỉ thị số 23/CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố có 463 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, có 189 công trình sai phép và 274 công trình không phép.

Về kết quả thi đua 200 ngày (đợt 2) theo Kế hoạch 795/KH-UBND ngày 6/3/2020 của UBND Thành phố, có 10 quận, huyện không đạt chỉ tiêu giảm 65% tỷ lệ vi phạm xây dựng không phép, sai phép so với 6 tháng đầu năm 2019. Các địa phương không đạt chỉ tiêu là quận 1, 3, 5, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú và các huyện Cần Giờ, Nhà Bè… Đặc biệt, huyện Bình Chánh là khu vực vùng ven có tình trạng vi phạm xây dựng phức tạp.

Đơn cử như vụ việc xảy ra ở dự án Khu dân cư, Trung tâm thương mại tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Huỳnh Thông làm chủ đầu tư. Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến vấn đề đầu tư, xây dựng, kinh doanh... trong quá trình thực hiện dự án này.

Cụ thể, liên quan đến vấn đề xây dựng, Tranh tra Sở Xây dựng đã chỉ ra các hành vi vi phạm của Công ty Huỳnh Thông như tổ chức thi công xây dựng 222 căn nhà ở, công trình nhà điều hành dự án, hồ bơi và hạng mục phụ trợ khi chưa được UBND Thành phố giao đất.

Trong đó, 210 căn nhà xây dựng sai quy hoạch chi tiết 1/500 đã được UBND phê duyệt năm 2009. Có 39 nền đất được duyệt là nhà ở liên kế nhưng chủ đầu tư đã hợp khối, xây thành chung cư 5 tầng với hơn 100 căn hộ mini để bán.

Công ty này còn xây nhà điều hành dự án, hồ bơi… khi chưa được cấp phép xây dựng, chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất. Ngoài ra, do chủ đầu tư chưa làm thủ tục sang tên đất, chưa đóng tiền sử dụng đất nền toàn bộ các công trình trên đều được xác định là xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

“Việc chủ đầu tư triển khai xây dựng nhà ở tại dự án trên phần diện tích đất nông nghiệp khi chưa được UBND Thành phố giao đất là vi phạm nghiêm trọng các quy định về sử dụng đất. Đồng thời, chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất là vi phạm quy định tại Luật Đất đai 2003.

Thời điểm phát hiện công trình xây dựng sai quy hoạch được duyệt, các công trình đã hoàn thành và đã đưa vào sử dụng. Đồng thời, tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư đã cố tình chống đối, không hợp tác, không cung cấp các hồ sơ liên quan đến việc thi công xây dựng các công trình tại dự án, nên gây khó khăn trong việc nhận định và xử lý cho cơ quan chức năng, dẫn đến việc chưa xử lý dứt điểm đối với các hành vi khác.

Qua thanh tra nhận thấy, Đội Thanh tra địa bàn huyện Bình Chánh (trước đây là Thanh tra xây dựng huyện Bình Chánh) và UBND xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm của Công ty Huỳnh Thông trong quá trình triển khai dự án”, Kết luận thanh tra của Sở Xây dựng TP.HCM chỉ rõ.

Vì đâu khó xử lý?

Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền TP.HCM đã tỏ ra rất cương quyết trong việc đưa ra phương án khắc phục và biện pháp xử lý các công trình xây dựng trái phép, không phép. Tuy nhiên, việc vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên nhân được cho là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều nơi chưa quyết liệt, còn buông lỏng, xảy ra tiêu cực.

Bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn chia sẻ, tình trạng vi phạm trật tự ngày càng biến tướng, và rất khó xử lý. Cụ thể như việc xin giấy phép xây dựng làm nhà ở riêng lẻ, nhưng khi xây dựng thì lại biến thành nhà xưởng hoặc trổ cửa thành “nhà 3 chung”.

“Công tác cưỡng chế công trình xây dựng sai phép gặp khó khăn”, bà Tuyền phân trần và giải thích thêm, UBND các xã cho rằng, việc tháo dỡ hạng mục sai phép không khó. Thế nhưng, việc buộc các chủ đầu tư xây dựng đúng như giấy phép xây dựng hay bít các cửa tự trổ thêm thì rất khó.

Trao đổi với phóng viên Báo đầu tư Bất động sản, anh P., cán bộ địa chính của một xã tại huyện Bình Chánh cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến phát sinh vi phạm trật tự xây dựng. Ngoài việc ý thức của người dân, biết sai nhưng vẫn cố tình vi phạm để giải quyết nhu cầu về nhà ở; hay vẫn còn sự nể nang, làm ngơ, sợ trách nhiệm bỏ qua cho hành vi vi phạm của một số cán bộ địa phương, thì việc xử lý các công trình vi phạm cũng rất phức tạp.

Cụ thể, theo quy định, khi phát hiện công trình xây dựng sai phép, cơ quan chức năng đến lập biên bản mà chủ đầu tư vẫn thi công thì trong vòng 24 giờ, UBND cấp phường, xã sẽ ban hành quyết định đình chỉ thi công, gửi công văn đề nghị cắt điện, cắt nước, đồng thời gửi quyết định đình chỉ thi công cho công an để lập chốt chặn, không cho chở vật liệu và công trình.

Nhưng trên thực tế, cách làm này gặp rất nhiều khó khăn vì đối với những quận, huyện, xã vùng ven, địa bàn rộng, mỗi ngày xảy ra khoảng 5 - 10 vụ vi phạm nên công an cấp phường, xã không đủ lực lượng để chốt chặn cả ngày. Theo đó, chủ các công trình sẽ lợi dụng lúc hết giờ làm việc, lực lượng chốt chặn rút đi thì tiếp tục lén kéo điện, quây tôn xung quanh công trình để thi công.

Chưa kể, để cắt được điện của công trình vi phạm thì UBND phường, xã phải có công văn yêu cầu bên điện lực thu hồi điện kế, thủ tục rất nhiêu khê. Việc thu hồi đồng hồ nước cũng phức tạp không kém. Do vậy, việc xử lý thu hồi điện kế, đồng hồ nước có khi mất tới vài tháng, lúc này thì công trình vi phạm đã hoàn thành, người dân dọn vào ở rồi. Mà công trình đã có người ở thì càng khó xử lý.

“Thời buổi công nghệ phát triển hiện đại, khi thực hiện biện pháp cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm đã có người ở dễ bị các đối tượng lợi dụng để thổi phồng sự việc. Bởi khi người dân quay lại cảnh cưỡng chế rồi chia sẻ lên mạng xã hội thì không ai biết nội tình trước đó như thế nào”, anh P. chia sẻ.

Tương tự, ông Lưu Trọng Nghĩa, Phó phòng Quản lý đô thị, Đội trưởng Đội trật tự đô thị quận Thủ Đức cho biết,  trong quá trình tổ chức Luật Xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực xây dựng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trong việc cưỡng chế quyết định vi phạm hành chính, trước khi tiến hành xử phạt phải kiểm tra, xác minh thông tin của đối tượng vi phạm theo thứ tự ưu tiên: Tiền lương, thu nhập, tài khoản cá nhân, tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt.

Nhưng việc xác minh về lương, thu nhập thì UBND quận có rất ít thông tin, cơ sở để hoàn thành quyết định. Còn đối với việc xác minh tài khoản thì nhiều tổ chức tín dụng có quy định liên quan đến thông tin khách hàng nên thường từ chối cung cấp các thông tin liên quan. Hơn nữa, với trường hợp người vi phạm cố tình cản trở lực lượng kiểm tra chức năng như khóa cửa, không cho cơ quan chức năng vào công trình kiểm tra thì không thể ban hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính được.

Tác giả: Việt Dũng

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến