Chỉ số VN-Index trên khung thời gian tuần.
Mức tăng mạnh hơn của chỉ số VN-Index so với VN30-Index cho thấy vai trò khá rõ nét của các cổ phiếu trụ tăng giá tuần qua. Dòng tiền cũng đang có tín hiệu quay lại nhóm cổ phiếu blue-chips.
Các chuyên gia đánh giá cao cơ hội để VN-Index vượt qua đỉnh cao tháng 8, thậm chí là kiểm định đỉnh cao lịch sử nếu như có sự dẫn dắt trở lại của nhóm cổ phiếu lớn. Tuy nhiên sự thiếu đồng thuận vẫn đang được chỉ ra như một thiếu sót của nhịp tăng này. Mới có một số cổ phiếu vốn hóa lớn thu hút dòng tiền và tăng kéo chỉ số, trong khi như cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa cho thấy tín hiệu lạc quan thật sự. Thanh khoản cũng chưa cho thấy sự gia tăng rõ nét.
Mặc dù đà tăng tuần qua thể hiện thị trường vượt qua rất tốt những thông tin bất lợi, thậm chí kết quả kinh doanh quý 3 cũng không tạo ra nhiều lo lắng, nhưng các chuyên gia không cho rằng thị trường đã hết tin xấu. Diễn biến ngắn hạn có thể tăng nhưng thị trường vẫn sẽ phải đối mặt với những yếu tố cơ bản từ hoạt động của doanh nghiệp như khả năng khôi phục sản xuất kinh doanh “bình thường” đến mức nào, nguy cơ thiếu hụt lao động, rủi ro tăng chi phí, tăng giá hàng hóa gây áp lực lên lạm phát những tháng cuối năm và cả việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu của FED.
Trong ngắn hạn, các chuyên gia đánh giá cao cơ hội để VN-Index kiểm định đỉnh cao lịch sử trong tháng 10, nhưng lại không cho rằng có khả năng vượt đỉnh.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Nhận định tuần trước của anh chị về kết quả kinh doanh quý 3 đang đúng, nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng khá tốt và việc lựa chọn cổ phiếu đã tạo nên một tuần giao dịch sôi động nhưng phân hóa mạnh, nhất là những lĩnh vực đã được đề cập như vật liệu, dầu khí. Anh chị có mua vào tuần qua hay chốt lời không?
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi đang quan tâm đến những nhóm ngành đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư tư như cảng biển, thép, dịch vụ tài chính, dầu khí, tiện ích… Quan điểm về khả năng VN-Index sẽ vượt mẫu hình cờ hướng lên cũng giúp tôi tự tin nâng tỷ trọng cổ phiếu.
Dù thị trường có những tín hiệu khởi sắc, xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư ở nhiều nhóm ngành nhưng việc giải ngân thêm cũng không quên việc chọn lọc cổ phiếu mua vào. Việc điều chỉnh giảm tỷ trọng hoặc bán ra ở các cổ phiếu yếu trong danh mục luôn được tôi ưu tiên thực hiện ở các phiên giao dịch cuối tuần.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Thị trường vẫn đứng vững trước các thông tin bất lợi trong và ngoài nước bằng việc có trọn 1 tuần tăng và tiệm cận đỉnh tháng 8. Khi những lực cản không làm thị trường giảm thêm thì cũng có thể là dấu hiệu cho thấy một nhịp tăng có thể bắt đầu, do vậy tôi đã tăng tỷ trọng trong tuần vừa qua với nhóm cổ phiếu bluechips khi nhóm này đã có thời gian tích lũy trong cả tháng 9 vừa qua.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tôi tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình cao như trong nhận định cuối tuần trước. Danh mục tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 duy trì tăng trưởng bất chấp tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Thị trường tuần này đi khá đúng kịch bản tôi đã dự đoán khi thị trường phân hóa rất mạnh. Tôi có thực hiện chốt lời một phần các cổ phiếu chạm vùng kháng cự mạnh cũng như mua gia tăng thêm các cổ phiếu tốt để thực hiện lướt sóng ngắn hạn.
Ông Huỳnh Hữu Phước - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt
Chiến lược mua vào có chọn lọc theo nhóm ngành vẫn duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận quý 3 đã phát huy hiệu quả trong tuần giao dịch trước. Dòng tiền tham gia ở lĩnh vực tiêu biểu như vật liệu, dầu khí tiếp tục tích cực với kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ còn cải thiện khi mở cửa nền kinh tế trong quý 4. Do đó tôi cho rằng việc mua vào và nắm giữ theo chiến lược này sẽ giúp gia tăng thêm hiệu quả đầu tư trong thời gian tới.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Tuần phục hồi khá mạnh cho thấy thị trường dường như đã vượt qua nhiều thông tin bất lợi, từ tăng trưởng GDP âm trong quý 3 tới nguy cơ lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm. Chứng khoán thế giới tuần qua cũng phục hồi khá tích cực. Như vậy có thể hiểu thị trường đã hết rào cản và bước vào sóng tăng mới? Anh chị còn lo ngại rủi ro nào khác hay không?
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Với tôi rủi ro đáng kể nhất đối với biến động thị trường trong ngắn hạn là việc lợi nhuận quý 3 công bố thực tế tới đây thấp hơn so với kỳ vọng.
Mặc dù vậy, dự phóng của một số công ty chứng khoán, cũng như ước tính từ phía doanh nghiệp cho thấy bức tranh có lẽ không quá tiêu cực, với khá nhiều doanh nghiệp vốn hoá lớn vẫn duy trì tăng trưởng tốt. Trong trung và dài hạn hơn, chúng ta vẫn cần quan sát thêm các yếu tố liên quan đến tình hình dịch Covid-19, giá cả hàng hoá, lạm phát, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, và tình hình nợ xấu của ngành ngân hàng…
Ông Huỳnh Hữu Phước - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt
Rủi ro lao dốc của VN-Index có thể tạm gác lại khi chỉ số liên tục trụ vững trước nhiều thông tin bất lợi được công bố như “bom nợ” Evergrande, GDP quý 3 âm 6,17%... Mặc dù vậy đà tăng trong tuần vừa qua vẫn còn ở mức khiêm tốn và chưa thực sự bứt tốc mạnh mẽ khi mối lo về tốc độ hồi phục nền kinh tế do tình trạng thiếu lao động, đà tăng giá năng lượng và hàng hóa ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát cùng với những tác động tâm lý ngắn hạn từ chính sách cắt giảm chương trình mua tài sản của Fed trong tháng 11 tới.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Thị trường dường như đã vượt qua nhiều thông tin bất lợi cả trong và ngoài nước, thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE tuần vừa qua cũng tăng hơn 10%, đạt 18.155 tỷ đồng. Bên cạnh đó nhóm blue-chips cũng có chuyển biến tích cực và thanh khoản nhóm này cao nhất trong 3 tuần.
Tuy vậy, tôi cho rằng thị trường vẫn còn thiếu sự đồng thuận ở nhóm cổ phiếu lớn, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Khi tín hiệu này được cởi bỏ, cơ hội để thị trường vượt đỉnh tháng 8 và hướng tới đỉnh cao lịch sử sẽ trở nên rõ ràng hơn, qua đó kéo thanh khoản thị trường tăng trở lại.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi hiện tại nhiều doanh nghiệp phía Nam sẽ thiếu nhân lực trầm trọng khi dòng người ảnh hưởng bởi đại dịch di cư về quê, nên việc phục hồi sản xuất kinh doanh sẽ khá mất thời gian. Giai đoạn này thị trường tăng chủ yếu là do kéo một vài mã trụ to và không có dòng dẫn dắt. Thanh khoản vẫn yếu ở Largecap và Midcap trong khi cổ phiếu Smallcap vẫn duy trì thanh khoản lớn.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi dành sự quan tâm tới diễn biến lạm phát, chỉ số CPI tăng ở giai đoạn cuối năm… Những thông tin tốt/xấu, những lo lắng luôn thường trực ở mỗi giai đoạn của thị trường bởi nhiều sự kiện khó đoán định, covid-19 khó lường ảnh hưởng tới sức khỏe nền kinh tế.
Mối quan hệ giữa niềm tin nhà đầu tư, tổng giá trị giao dịch, xu hướng vận động của VN-Index đang phản ánh đà đi lên của thị trường cho dù đối mặt sắp tới vẫn là khu vực 1.380, 1.400, 1.420 diểm. Tôi quan tâm đến 2 câu chuyện – kiểm soát Covid-19, triển vọng kinh tế Quý IV/2021 và H1/2022. Tất nhiên đối với thị trường chung thì vùng đỉnh cũ của thị trường vùng 1.380 – 1.400 điểm là vùng kháng cự mạnh với áp lực điều chỉnh là dễ xẩy ra.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Chỉ số VN30-Index tuần qua đã diễn biến tích cực hơn với mức tăng hơn 2%, thậm chí cổ phiếu ngân hàng cũng cân bằng hơn. Trong khi đó các cổ phiếu đầu cơ đã nguội đi đáng kể dù thanh khoản vẫn duy trì mức cao. Trong những lần bàn luận trước, anh chị cho rằng với kết quả kinh doanh quý 3, nhóm cổ phiếu đầu cơ sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn. Anh chị đánh giá liệu đã đến lúc dòng tiền quay trở lại với blue-chips?
Ông Huỳnh Hữu Phước - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt
Chúng ta có thể thấy những cổ phiếu đầu cơ thuộc nhóm Midcap và Smallcap đã nguội đi đáng kể trong tháng 9 và theo quán sát, tín hiệu này vẫn còn tiếp diễn trong tuần đầu của tháng 10. Điều này cho thấy giá cổ phiếu bắt đầu phản ánh với bức tranh lợi nhuận thực tế trong kỳ báo cáo quý 3 sắp công bố.
Đối với cổ phiếu blue-chips thuộc nhóm ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, hàng tiêu dùng sẽ chịu tác động trong kỳ công bố báo cáo quý 3 vào giữa cuối tháng 10 khi kết quả kinh doanh dự báo không thực sự khả quan. Tuy nhiên tôi kỳ vọng dòng tiền sẽ sớm quay trở lại trong hai tháng cuối năm khi những tín hiệu hồi phục từ mở cửa nền kinh tế rõ ràng hơn, bên cạnh đó quý 4 cũng là quý cao điểm đối với nhóm ngành bất động sản.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Theo tôi có lẽ dòng tiền cũng chưa hẳn hoàn toàn chảy vào nhóm cổ phiếu blue-chips và vẫn có chọn lọc. Tôi đang chỉ nhìn thấy vài cổ phiếu lớn như VNM, BVH, GMD, GAS, FPT… chứ không phải tất cả. Nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ lẽ dần nhường chỗ cho các cổ phiếu khác và thị trường cần nhóm cổ phiếu vốn hóa đủ lớn để giữ chỉ số giai đoạn hiện tại.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi dòng tiền sẽ rút khỏi nhóm đầu cơ còn quay lại nhóm blue-chip hay không thì giai đoạn này còn khó nói và dòng tiền hiện đang chỉ hút ở một số mã blue-chips mà thôi. Giai đoạn tới dòng tiền thông minh sẽ tham gia vào các cổ phiếu ít bị ảnh hưởng bởi dịch và vẫn giữ được đà tăng trưởng, phát triển mạnh hơn sau giãn cách.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Ở mỗi mùa báo cáo lợi nhuận, biến động thị trường thường phản ánh chính xác thực trạng sức khoẻ doanh nghiệp. Diễn biến thị trường trong quý 3 này cũng không nằm ngoài quy luật trên. Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn - cũng là nhóm có sức chống chịu tốt nhất với tình hình dịch Covid-19 và có khả năng phục hồi nhanh nhất trong bối cảnh “bình thường mới” - đang thu hút mạnh sự quan tâm của dòng tiền nhờ kỳ vọng lợi nhuận quý 3 khả quan hơn thị trường chung.
Tôi cho rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong vài tuần tới khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh đang dần bước vào giai đoạn cao điểm.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Chỉ số VN30 đã có dấu hiệu tích cực hơn trong tuần vừa qua khi nhóm cổ phiếu ngân hàng phục hồi. Thanh khoản khớp lệnh tuần vừa qua đạt 7.564 tỷ đồng, tăng gần 5% so với tuần trước đó và cũng là mức cao nhất trong 3 tuần. Độ rộng tuần vừa qua cũng khá tích cực khi bình quân cứ 5 cổ phiếu tăng mới có 1 cổ phiếu giảm.
Về kỹ thuật, chỉ số VN30 vừa mới bứt phá khỏi vùng tích lũy trong khi nhóm cổ phiếu đầu cơ đang “retest” đỉnh cao lịch sử nên điểm mua ở nhóm blue-chips sẽ an toàn hơn. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý 3 được công bố, nhóm cổ phiếu VN30 với nhiều cổ phiếu đầu ngành cũng sẽ có lợi thế hơn so với nhóm cổ phiếu đầu cơ. Do vậy, tôi đánh giá khả năng dòng tiền quay lại với nhóm blue-chips cũng cao hơn.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
VN-Index chốt tuần tăng gần 38 điểm tương đương 2,83% và đã tương đương với đỉnh cao tháng 8. Về mặt kỹ thuật, anh chị đánh giá cơ hội vượt đỉnh này và kiểm định đỉnh cao lịch sử trong tháng 10 này như thế nào?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi thị trường giai đoạn này khả năng để vượt vùng 1.380 điểm cao hơn những nhịp trước đó, còn vượt được đỉnh quanh 1.420 điểm tôi nghĩ là khá khó. Giai đoạn này điểm số sẽ là phần thứ yếu, cái chính nhà đầu tư cần chọn lựa cổ phiếu thật thận trọng vì giai đoạn này thị trường vẫn phân hóa rất mạnh.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Chỉ số VN-Index đã có trọn 1 tuần tăng điểm để tiệm cận đỉnh tháng 8, cắt mạch 2 tuần giảm liên tiếp, mức tăng 2,83% cũng là thành quả tốt nhất kể từ đầu tháng 8 cho tới nay. Tôi cho rằng cơ hội để thị trường vượt đỉnh này đang rộng mở khi các lực cản dường như đã được thị trường cởi bỏ.
Điều còn thiếu là thanh khoản cần tăng hơn nữa, mức khớp lệnh bình quân 18.156 tỷ đồng trong tuần vừa qua có thể đủ để thị trường vượt đỉnh tháng 8, nhưng khó để có thể kiểm định đỉnh cao lịch sử nếu không đạt mức tương đương 22.600 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Hữu Phước - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt
Về mặt kỹ thuật, VN-Index đã thoát khỏi kênh giá đi ngang khi vượt lên trên mức kháng cự 1.350 điểm trong tuần giao dịch trước, dự địa tăng giá ở nhóm cổ phiếu VN-30 sẽ còn tiếp diễn. Tôi đánh giá chỉ số sẽ có nhiều cơ hội kiểm định lại vùng đỉnh lịch sử ở 1.420 điểm trong tháng 10, điều kiện xác nhận cho sự tăng giá này với thanh khoản cần đạt lên trên 23.000 tỷ /phiên.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
VN-Index cần thử thách vài phiên trước vùng kháng cự quan trọng- khu vực đỉnh cũ 1.380 – 1.400 điểm. Theo tôi khả năng vượt đỉnh cũng có thể xẩy ra trong tháng 10.
Tác giả: Nguyễn Hoàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy