Dòng sự kiện:
Xử vi phạm công bố thông tin: Đừng để cổ đông 'đau' 2 lần
14/02/2019 17:00:07
Nhà đầu tư là người bị chịu thiệt khi ra quyết định đầu tư trong bối cảnh không có đầy đủ thông tin từ lỗi vô tình hoặc cố ý của các doanh nghiệp.

Thế nhưng, quy định hiện hành đang khiến nhà đầu tư phải thêm một lần chịu rủi ro khi doanh nghiệp mắc lỗi mà chưa hướng được đến yếu tố then chốt là xử phạt người tạo ra vi phạm ấy.

Nhiều nhà đầu tư thua lỗ khi vô tình đầu tư vào doanh nghiệp kém về chất lượng công bố thông tin

Lỗi của doanh nghiệp

Ngày 1/2/2019, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) có Công văn số 111 thông báo về cập nhật danh sách bổ sung chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Thông báo này được ban hành trên cơ sở Quyết định số 37 của HOSE về việc đưa cổ phiếu QCG vào diện cảnh báo do vi phạm quy chế niêm yết trên Sở, do vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong một năm.

Trên một số diễn đàn chứng khoán, thông tin này gây bất ngờ cho không ít nhà đầu tư, nhất là những người đang nắm giữ cổ phiếu QCG. Tuy nhiên, đây không phải mã cổ phiếu đầu tiên bị đưa khỏi danh sách giao dịch ký quỹ.

Trước đó, nhiều cổ phiếu cũng bị đưa ra khỏi danh sách cổ phiếu được giao dịch ký quỹ do vi phạm công bố thông tin như APC của Công ty cổ phần Chiếu xạ An Phú, HVX của Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân, ATG của Công ty cổ phần An Trường An, C47 của Công ty cổ phần Xây dựng 47….

Một số mã chứng khoán thậm chí từng đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết do lỗi vi phạm công bố thông tin của các doanh nghiệp như HAG, HNG, BT6 (chậm công bố thông tin báo cáo tài chính, báo cáo thường niên); HNM, KTB, PTK, KSA, B82… bị hủy niêm yết. 

 

… Phạt vào giao dịch cổ phiếu, có nên?

Theo quy định tại Quy chế niêm yết các sở giao dịch chứng khoán, không tính các trường hợp công ty bị thua lỗ, không đáp ứng đủ các điều kiện niêm yết thì vi phạm về công bố thông tin cũng là một nguyên nhân dẫn đến trường hợp cổ phiếu rơi vào trường hợp bị cảnh báo hoặc phải hủy niêm yết bắt buộc.

Theo đó, tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất - kinh doanh chính từ 3 tháng trở lên; chậm nộp báo cáo tài chính năm được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên được soát xét quá 15 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin theo quy định hiện hành, hoặc vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm sẽ bị rơi vào trường hợp cảnh báo, tương tự trường hợp doanh nghiệp có lỗ kỳ báo cáo tài chính, hoặc lỗ lũy kế; hoặc vốn điều lệ giảm dưới mức vốn điều lệ niêm yết tối thiểu.

Cổ phiếu của doanh nghiệp bị cảnh báo sẽ không được giao dịch ký quỹ.

Với trường hợp doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp, theo quy chế niêm yết hiện hành, doanh nghiệp sẽ bị hủy bỏ niêm yết. Đây là chế tài song song với chế tài xử phạt hành chính đối với lỗi công bố thông tin trong vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán với doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định như vậy khiến cổ đông bị chịu thiệt 2 lần.

Với lỗi công bố thông tin, mức xử phạt hiện hành chính cho doanh nghiệp vi phạm chỉ vài chục triệu đồng. Ra khỏi danh mục ký quỹ và hủy niêm yết là những hình thức xử phạt đi kèm khác, được cho là tạo ra sức ép khiến doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc việc công bố thông tin.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng cho biết, việc đưa các chế tài liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư (quyền lợi giao dịch) là cách nhà quản lý mong muốn nhà đầu tư cùng tham gia giám sát doanh nghiệp và tăng sức ép lên doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ tốt quy định về công bố thông tin.

Thế nhưng, đó là trong bối cảnh nhà đầu tư có thể tạo được tiếng nói thực sự với ban lãnh đạo doanh nghiệp. Còn trong bối cảnh khác, khi một hoặc một nhóm cổ đông có thể chi phối toàn bộ các quyền ra quyết định tại doanh nghiệp thì cách xử phạt như trên trở nên không hợp lý.

Đồng ý rằng, nhà đầu tư khi giao dịch trên thị trường phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình, trong đó có trách nhiệm phải tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng trước khi ra quyết định.

Thế nhưng, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu nhà đầu tư được hạn chế đi một phần những thiệt hại khi vô tình đầu tư vào doanh nghiệp kém về chất lượng công bố thông tin và việc xử phạt hướng đến chính những người mắc lỗi, thay vì phạt cả vào các cổ đông đại chúng - những nhà đầu tư vốn có tiếng nói yếu thế trong doanh nghiệp.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến