Dòng sự kiện:
Xung đột Hamas-Israel: Tỷ lệ thất nghiệp ở Gaza lên tới gần 80%
08/06/2024 12:10:43
ILO nhận định cuộc xung đột giữa Hamas và Israel đã "làm mất việc làm và sinh kế trên quy mô lớn," theo đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Dải Gaza đã lên tới 79,1%, trong khi tại Bờ Tây là 32%.

Người Palestine xếp hàng lấy nước sinh hoạt tại khu lều tạm ở Dải Gaza, ngày 16/1/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 7/6, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã công bố số liệu cho thấy cuộc xung đột ở Dải Gaza đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở các vùng lãnh thổ của Palestine tăng lên gần 80%.

ILO nhận định cuộc xung đột giữa Hamas và Israel đã "làm mất việc làm và sinh kế trên quy mô lớn," đồng thời đẩy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm.

Dẫn các số liệu, trong đó có cả của Cơ quan Thống kê Palestine, ILO cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở Dải Gaza đã lên tới 79,1%, trong khi tại Bờ Tây là 32%.

Tỷ lệ tính trung bình cho cả 2 khu vực này là 50,8%. Tuy nhiên, số liệu trên chưa tính đến “những người đã rời bỏ thị trường lao động vì triển vọng việc làm thấp” nên con số thực tế có thể còn cao hơn.

Bên cạnh đó, ILO cho biết GDP thực tế trong 8 tháng qua ở Dải Gaza giảm 83,5%, Bờ Tây giảm 22,7%.

Ông Ruba Jaradat, Giám đốc khu vực của ILO, nói: “Báo cáo mới của chúng tôi cho thấy mức độ thiệt hại nặng nề mà cuộc xung đột ở Dải Gaza đã gây ra, từ thương vong, tình trạng nhân đạo gặp nhiều khó khăn đến sự tàn phá trên diện rộng các hoạt động kinh tế và sinh kế của người dân.”

Cũng theo ILO, hiện hầu hết các cơ sở thuộc khu vực tư nhân ở Dải Gaza "đã ngừng hoàn toàn hoặc giảm đáng kể hoạt động sản xuất," khiến khu vực này mất 85,8% giá trị sản xuất, tương đương 810 triệu USD, trong 4 tháng đầu cuộc xung đột diễn ra.

Hiện nền kinh tế Gaza chỉ chiếm 4,1% tổng nền kinh tế Palestine, giảm mạnh so với mức 16,7% trước khi nổ ra xung đột đầu tháng 10 năm ngoái.

ILO đưa ra báo cáo trên đúng thời điểm tổ chức hội nghị lao động quốc tế thường niên.

Hôm 6/6, Tổng Giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo thừa nhận: “Thị trường lao động ở Dải Gaza đã sụp đổ theo đúng nghĩa đen. Nơi đây đang bị tàn phá. Sinh kế bị phá vỡ và việc làm khan hiếm. Quyền lao động bị suy giảm. Đây là năm khó khăn nhất đối với người lao động Palestine kể từ năm 1967 và chưa bao giờ tình hình lại ảm đạm đến như vậy"./.

Tác giả: Anh Hiển

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến