Dòng sự kiện:
Xung quanh cuộc đời vị chủ tịch quyền lực của Ngân hàng Trung ương Châu Âu
15/09/2015 02:33:22
ANTT.VN - Năm 2014, Forbes bầu ông là người quyền lực thứ 8 thế giới. Năm 2015, ông được bình chọn là một trong 2 nhà lãnh đạo kiệt xuất bởi Fortune. Những đóng góp của ông đã và đang giúp châu Âu dần thoát khỏi bóng ma suy thoái từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Tin liên quan

Nhà kinh tế học người Ý - Mario Draghi (3/11/1947) được bầu vào vị trí Chủ tịch ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 1/11/2011 - đúng vào thời điểm mà lòng tin đối với nền kinh tế châu Âu chạm đáy sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Với những chính sách đúng đắn và quyết liệt, ông đã kéo con tàu châu Âu dần vượt qua bóng ma suy thoái và thậm chí trở thành điểm sáng của kinh tế thế giới trong thời gian gần đây. 

Ông lớn lên ở Rome trong giai đoạn suy thoái của nước Ý sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Bố ông làm việc cho ngân hàng Trung ương Italia và cũng là người có ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp của ông sau này.

Sau khi tốt nghiệp đại học Rome, ông tiếp tục học khoa Kinh tế ở Đại học MIT bang Massachusetts, Mỹ, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Franco Modigliani, người mà sau này đã đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1986, và Stanley Fischer - Thống đốc ngân hàng Nhà nước Israel sau này.

Chỉ sau vài năm học, ông vinh dự trở thành người Italia đầu tiên nhận được học vị tiến sĩ từ Đại học MIT vào năm 1976. Ông tiếp tục ở lại Mỹ và làm việc cho Ngân hàng Thế giới (WB) những năm sau đó.

Từ 1991 đến 2001 Draghi người đứng đầu Bộ Tài chính Italia. Trong giai đoạn này ông đã có công rất lớn trong việc giảm nợ công và sự thâm hụt ngân sách hàng năm, qua đó giúp nước này đủ điều kiện gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu năm 1999.

Những chính sách cải cách đánh vào các tổ chức kinh tế lỏng lẻo và tai tiếng ở Italia đã giúp ông bắt đầu gây tiếng vang trên trường quốc tế. Giai đoạn 2002 - 2005 ông được bổ nhiệm làm phó chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Goldman Sachs.

Tháng 12/2005, Draghi đảm nhận chức vụ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italia và trong 5 năm tiếp theo trong nhiệm kì của mình, ông đã thể hiện sự lãnh đạo hiệu quả, có trách nhiệm và đưa ra những chính sách nghiêm ngặt về tiền tệ. Giúp Italia duy trì được một nền kinh tế ổn định trong khu vực Eurozone.

Cũng với tư cách là Thống đốc Ngân hàng Italia, ông là một trong số các thành viên của Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB. Thành công liên tiếp đến với Draghi trong giai đoạn này khi ông đồng thời trở thành chủ tịch của Hội đồng Ổn đinh Tài chính quốc tế (FSB- Financial Stability Board ) - một tổ chức cố vấn cho nhóm G20.

Trong suốt quãng thời gian đảm nhiệm chức vụ Thống đốc ngân hàng Trung ương Italia, ông luôn được đánh giá như là một người kế vị tiềm năng cho vị chủ tịch tiền nhiệm của ECB Jean-Claude Trichet.

Và với danh tiếng được khẳng định trong suốt một thời gian dài như là một nhà cải cách kinh tế đại tài, Draghi đã chinh phục lòng tin của các nhà lãnh đạo Châu Âu để trở thành chủ tịch của tổ chức tài chính quan trọng thứ 2 thế giới (sau Cục dự trữ liên bang Mỹ FED)

Tháng 12 năm 2011, tức là chỉ sau một tháng nắm quyền điều hành ngân hàng Trung ương chân Âu, ông đã khởi động chương trình cho vay ba năm trị giá 489 tỉ Euro (680 tỉ $), phỏng theo của chương trình giải quyết tài sản xấu TARP ( Troubled Asset Relief program) của Mỹ năm 2008.

Các khoản vay lúc đó được ECB kịp thời đưa ra cho các ngân hàng trong khu vực Eurozone đã giải quyết phần nào căng thẳng về thanh khoản , khơi dòng tín dụng đến các hộ gia đình và giới doanh nghiệp giúp kinh tế phục hồi đáng kể sau khủng hoảng 2008.

Đầu năm 2015, Mario Draghi tiếp tục khởi xướng gói 1100 tỉ Euro mua lại trái khoán nhằm bơm thêm tiền vào nền kinh tế châu Âu đang già nua và chậm phát triển trong nhiều năm qua.

Quyết đinh táo bạo này của ông đã được giới quan sát đánh giá là “một ngón đòn bậc thầy trên thị trường tài chính”. Đối với các nhà đầu tư, trị giá của kế hoạch mua lại trái phiếu cùng tính linh hoạt của nó đã vượt quá mong đợi của họ.

Mặc dù vẫn có những scandans và những lời chỉ trích nhằm vào ông nhưng những cống hiến của ông cho nền kinh tế châu Âu giai đoạn hậu khủng hoảng đã đưa ông trở thành một trong những con người có ảnh hưởng lớn nhất trong nền tài chính toàn cầu hiện nay.

Nghi Điền (Theo CNN/BBC)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến