Dòng sự kiện:
Yêu cầu 24 DN dược báo cáo việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thuốc Covid-19
06/09/2021 15:22:16
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn yêu cầu 24 doanh nghiệp dược phẩm báo cáo tình hình nhập khẩu và sử dụng nguyên liệu Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose.

Trước hiện tượng lợi dụng dịch bệnh để bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, Bộ Y tế yêu cầu 24 doanh nghiệp báo cáo việc sử dụng nguyên liệu dược chất nhập khẩu.

Bộ Y tế yêu cầu 24 doanh nghiệp dược báo cáo việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thuốc Covid-19.

Theo văn bản này, Cục Quản lý Dược cho biết đã cấp phép nhập khẩu cho một số đơn hàng dược chất, bán thành phẩm thuốc gồm 4 dược chất: lMolnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, kiểm nghiệm và sản xuất thuốc xuất khẩu.

Khi đồng ý nhập khẩu cho các đơn hàng, Cục Quản lý Dược ghi rõ cơ sở chỉ được sử dụng nguyên liệu nhập khẩu trên để dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm, không sử dụng vào mục đích khác, không lưu thông trên thị trường.

Các cơ sở chỉ được sử dụng nguyên liệu nhập khẩu trên để sản xuất thuốc xuất khẩu, không sử dụng vào mục đích khác. Thuốc thành phẩm sản xuất không được lưu hành Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Dược, hiện nay có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để buôn bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc.

Để tăng cường công tác quản lý về lĩnh vực dược, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, phục vụ tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở nghiêm túc thực hiện việc sử dụng các nguyên liệu được cấp phép nhập khẩu trên đúng mục đích theo công văn đồng ý nhập khẩu Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose của Cục Quản lý Dược.

Các cơ sở thực hiện việc báo cáo, cập nhật trong vòng 24 giờ kể từ khi có thay đổi (tăng, giảm) về số lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose) trên trang điện tử dichvucongdav.gov.vn và gửi báo cáo về tình hình nhập khẩu, sử dụng các nguyên liệu theo mẫu hoặc khi có sự thay đổi so với lần báo cáo trước.

Cũng liên quan kiểm soát chất lượng thuốc điều trị Covid-19, ngày 1/9, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19 về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Cục Quản lý dược, qua kiểm tra thực tế và phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian qua vẫn xảy ra hiện tượng một số tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19 không rõ nguồn gốc, thuốc giả; thông tin, quảng cáo thuốc không đúng quy định, quảng cáo quá công dụng của thuốc.

Đặc biệt, trên các trang thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội; lợi dụng tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.

Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19.

Xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thông tin, quảng cáo thuốc không đúng quy định, quảng cáo quá công dụng của thuốc; tăng giá thuốc bất hợp lý.

Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Cùng với đó, Sở Y tế các địa phương chỉ đạo hệ thống các cơ quan giám sát chất lượng thuốc trên địa bàn tăng cường lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19;

Trong quá trình kiểm tra, lấy mẫu kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc, đặc biệt là các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19, Cục Quản lý dược đề nghị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc; tuân thủ đầy đủ các quy định về thông tin, quảng cáo thuốc; thực hiện bình ổn giá các thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.

Thực tế cho thấy dù phần lớn các trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 là không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ tuy nhiên nhu cầu mua, trữ và sử dụng các loại thuốc, sản phẩm có tác dụng phòng, điều trị các vấn đề liên quan đến bệnh lý đường hô hấp nói chung hay các triệu chứng liên quan đến Covid-19 nói riêng đã có sự gia tăng.

Nhận định "tiềm năng" của thị trường này, nhiều đối tượng phạm tội đã có nhiều hành vi thu lợi bất chính trên nhu cầu, sự lo lắng của người dân, nhiều vụ việc buôn bán, vận chuyển, nhập lậu, làm giả các sản phẩm, thuốc… để thu lợi bất chính đã được phát hiện.

Ngày 4/9, Công an TP.Hà Nội cho hay, Đội 5 Phòng Cảnh sát môi trường đã phát hiện và bắt giữ 2 vụ buôn bán hơn 30.000 viên thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc.

Trước đó, ngày 2/9, tại khu B1 Làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã khám xét một ô tô con màu đỏ, phát hiện trên xe đang vận chuyển gần 500 hộp thuốc điều trị Covid-19.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ xe là N.T.H (sinh năm 1979, trú tại quận Cầu Giấy) chưa xuất trình được hóa đơn, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số thuốc trên. Trên bao bì các sản phẩm đều in chữ do nước ngoài sản xuất, không có tem nhãn phụ tiếng Việt.

Trên thị trường, hiện nay, mỗi hộp thuốc như vậy đang được các đối tượng giao dịch với giá dao động từ 3 đến 3,5 triệu đồng tùy loại. Lực lượng chức năng đã niêm phong và thu giữ toàn bộ số thuốc trên để tiếp tục xác minh.

Tổng cục Quản lý thị trường ngày 5/9 cho biết, lực lượng quản lý thị trường Bình Dương phối hợp cơ quan chức năng tỉnh này vừa kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH thương mại kỹ thuật xây dựng SH - XY, địa chỉ 12/12, khu phố 1B, phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện công ty đang kinh doanh, tàng trữ 19.860 viên đông dược hiệu LIANHUA QINGWEN cùng nhiều vật tư, thiết bị y tế khác.

Phần lớn số hàng hóa trên có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, vi phạm nhãn hàng hóa, có dấu hiệu là hàng nhập lậu.

Đáng lưu ý, trong tổng số tang vật được phát hiện, đông dược hiệu LIANHUA QINGWEN hiện nay trên mạng xã hội là một trong các loại đông dược của Trung Quốc được quảng cáo hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19 (có giá khoảng 120.000 đồng/hộp).

Toàn bộ lô hàng có tổng trị giá 725.191.000 đồng. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ chứng từ, hóa đơn do người đứng đầu chi nhánh công ty này cung cấp cho đoàn kiểm tra không trùng khớp với số lượng, chủng loại, nhãn hiệu của hàng hóa thực tế.

Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố TP.HCM đã phát hiện đối tượng Nguyễn Đức Thuận (SN 1975, thường trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và đồng bọn có dấu hiệu buôn bán thuốc tân dược không rõ nguồn gốc, không hóa đơn, chứng từ, thuốc tân dược giả (trong đó có một số loại thuốc có chức năng hỗ trợ điều trị Covid-19 như: TERPINCODEIN có tác dụng giảm ho sốt; DIANTAGIC có tác dụng giảm đau nhức).

Theo chia sẻ từ lực lượng chức năng, đối tượng Thuận khai nhận đó là thuốc tân dược giả, do Thuận tự mua nguyên liệu, đem về sản xuất rồi bán ra thị trường kiếm lời.

Từ thông tin điều tra ban đầu, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố tiếp tục thực hiện khám xét khẩn cấp tại 3 địa điểm là nơi sản xuất, tàng trữ, buôn bán thuốc tân dược giả tại các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Quận 8; phát hiện, tạm giữ số lượng rất lớn nguyên liệu, thuốc tân dược giả thành phẩm và công cụ, phương tiện sản xuất.

Hiện Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố đã lập biên bản bắt quả tang đối với Nguyễn Đức Thuận và triệu tập làm việc đối với 8 đối tượng khác có liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán thuốc phòng, chữa trị Covid-19 giả để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Theo quy định tại điểm a, khoản 6, Điều 57 và điểm c, khoản 8, Điều 57 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi sản xuất và đưa ra lưu hành tại Việt Nam thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành, trừ trường hợp thuốc, nguyên liệu làm thuốc không phải đăng ký trước khi lưu hành theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng.

Ngoài ra, cơ sở vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 3 tháng đến 6 tháng.

Tác giả: D.Ngân

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến