Tiến độ giải ngân tháng 11 có chuyển biến tích cực
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng nay (1/12), báo cáo về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, đến ngày 28/11/2022, tổng số vốn ngân sách Nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết là 550.400 tỷ đồng, đạt 94,9% kế hoạch giao.
Số vốn ngân sách còn lại chưa phân bổ là 29.646 tỷ đồng, bằng 5,1% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương, còn 5/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước đến ngày 30/11/2022 đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 63,86%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 43.700 tỷ đồng, tăng khoảng 14,8%.
Riêng giải ngân tháng 11 đạt 54.500 tỷ đồng, tăng 1,9 lần so với mức trung bình giải ngân bình quân 10 tháng (khoảng 28.400 tỷ đồng/tháng).
Có 6 cơ quan Trung ương và 14 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 5 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo Thứ trưởng, tiến độ giải ngân tháng 11 tiếp tục có chuyển biến tích cực cho thấy các giải pháp thúc đẩy đầu tư công đã và đang phát huy hiệu quả, đồng thời phản ánh đúng xu hướng giải ngân vốn đầu tư công, tăng dần vào cuối năm.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương báo cáo tại phiên họp (Ảnh: VGP).
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra tiến độ giải ngân 11 tháng vẫn chưa đạt yêu cầu do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Trong đó có những nguyên nhân đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa xử lý dứt điểm như giải phóng mặt bằng, công tác lập kế hoạch vốn chưa với sát thực tế và khả năng giải ngân, công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án chưa tốt, năng lực nhà thầu, ban quản lý dự án còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa được phát huy đầy đủ, một số quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn...
Để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục duy trì hoạt động của 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Trong tháng 11/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo Tổ trưởng các tổ công tác về việc tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thuộc các tổ công tác.
Qua tổng hợp báo cáo từ các tổ công tác, bên cạnh những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân đã được tổng hợp trước đây, nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, trong đó có Bộ GTVT, kiến nghị do là những năm đầu triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhiều dự án đang trong quá trình điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định nên việc điều chỉnh kế hoạch năm giữa các dự án trước ngày 15/11/2022 là không khả thi và kiến nghị cho điều chỉnh đến ngày 31/12 năm kế hoạch.
Còn khoảng 41,67% kế hoạch chưa giải ngân
Cho biết nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 rất nặng nề, còn khoảng 41,67% kế hoạch chưa giải ngân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ chỉ đạo Thủ trưởng các bộ, cơ quan Trung ương và các cấp chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư cả năm 2022 đang có chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm (Ảnh: Phạm Tùng).
Cơ quan này nhấn mạnh việc “không trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2022”, coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là điều kiện để xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của năm 2022 của người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; tiếp tục rà soát lại các dự án, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tránh chia cắt, dàn trải, manh mún, kéo dài; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng.
Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công.
Đối với việc điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 giữa các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương sau ngày 15/11/2022, Bộ KH&ĐT trình Chính phủ cho ý kiến về đề xuất của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nói chung, Bộ GTVT nói riêng và giao Bộ Tài chính chủ trì, cùng Bộ KH&ĐT rà soát các quy định về ngân sách Nhà nước và đầu tư công, đề xuất hướng giải quyết, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy