Dòng sự kiện:
Hải Phòng san lấp bãi cọc Bạch Đằng mới khai quật để bảo tồn
08/01/2020 15:15:31
Bãi cọc Bạch Đằng vừa được phát lộ ở cánh đồng Cao Quỳ thuộc xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) vừa được san lấp để tìm phương án bảo tồn tốt nhất.

Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND xã Liên Khê cho biết, bãi cọc gần nghìn năm tuổi vừa được phát lộ ở cánh đồng Cao Quỳ hiện được san lấp để bảo tồn. Cụ thể, ba hố cọc được san lấp trong 3 ngày từ ngày 4 đến 6/1.

Cùng với đó, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng khẳng định, việc tiếp tục nghiên cứu, xác định các giải pháp thăm dò, khảo cổ bãi cọc Bạch Đằng tại huyện Thủy Nguyên là rất quan trọng và cần thiết. Do đó, yêu cầu các ngành Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị khác liên quan khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch trong khu vực và có phương án bảo quản, phát huy giá trị.

Ngành chức năng tiến hành san lấp bãi cọc Bạch Đằng để bảo tồn

Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng yêu cầu các nghành chức năng nhanh chóng triển khai các thủ tục để đề nghị công nhận di tích lịch sử cấp thành phố, tiến tới đề nghị công nhận di tích đặc biệt cấp quốc gia.

Trước đó, ngày 1/10, tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), trong quá trình đào vườn, ông Nguyễn Tuân Triệu (ở thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) phát hiện 2 cọc gỗ dài hơn 3m, đường kính hơn 30cm.

Nhận được tin báo, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên và Bảo tàng Hải Phòng đã có mặt tiến hành khảo sát, kiểm tra và lấy mẫu cọc gửi Viện Khảo cổ học giám định niên đại.

Ngày 22/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 4137/QĐ-BVHTTDL cho phép, ngày 27/11, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê.

Bãi cọc nghìn năm tuổi được khai quật tại cánh đồng Cao Quỳ

Quá trình khai quật trên diện tích 950m2, các nhà khảo cổ đã chia thành 3 hố khai quật, phát hiện 27 cọc (H1 diện tích khai quật 280m2, phát hiện 17 cọc; H2 diện tích khai quật 198m2, phát hiện 2 cọc, và H3 diện tích khai quật 472m2, phát hiện 8 cọc). Bước đầu Viện Khảo cổ nhận định bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288).

Kết quả khảo sát và khai quật khảo cổ trên địa bàn xã Liên Khê cho thấy: Các cọc phân bố theo chiều đông - tây, đường kính từ 26-46 cm, trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo, các cọc phân bố không thẳng hàng và căn cứ vào kết giám định niên đại cho thấy các cọc gỗ có thể được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.

Bước đầu, Viện Khảo cổ nhận định bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Mông - Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn mà buộc quân Mông - Nguyên đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Mông - Nguyên xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Mông - Nguyên với quốc gia Đại Việt.

Quốc Phương

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến