Dòng sự kiện:
Người Mông kiếm chục triệu mỗi ngày từ đặc sản đào núi
28/04/2018 08:30:36
Những quả đào to, đỏ mọng, ngọt lịm nổi tiếng được xem là đặc sản của người Mông ở vùng núi huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Mùa này, đào đang chín rộ, mỗi ngày, người bán đào có thể kiếm gần chục triệu từ việc bán đào.

Mùa này, quả đào đang chín mọng, đây là đặc sản nổi tiếng của người Mông ở huyện Mường Lát. Ở thị trấn Mường Lát, người dân bày bán cơ man nào là đào chín, đào được lấy về từ nhiều nơi như Hòa Bình, Sơn La.

Xã Nhi Sơn, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào người Mông, được xem là vựa đào của Mường Lát. Đào ở đây không được trồng và chăm sóc chuyên nghiệp vì mục đích lợi nhuận, đơn giản chỉ vì người Mông thích trồng đào, loài cây này lại hợp thổ nhưỡng và khí hậu nên dễ thích nghi.

Anh Sệnh vui vẻ bán hàng cho khách

Mặc dù không toan tính sẽ trồng đào để kiếm tiền, nhưng hiện tại, cây đào đích thị là thứ cây hái ra tiền và mang lại nguồn thu nhập thay đổi đời sống của đồng bào người Mông.

Vào dịp tết, những cành đào của người Mông cũng có giá rất cao. Mặc dù xa xôi và cách trở, nhiều người vẫn tìm đến Mường Lát để mua đào xuôi về phố, với mỗi cây đào có giá cả chục triệu đồng.

Khi hoa tàn, đào kết trái và cuối mùa xuân thì chín mọng, người dân hái đào mang lên thị trấn để bán kiếm tiền, hoặc dựng lán ngồi ven đường bán cho khách trên những chuyến xe từ Mường Lát đi TP Thanh Hóa. Ai đến Mường Lát rồi khi về cũng nhất định mua đào về để làm quà biếu bạn bè, người thân.

“Đào được bán ở thị trấn thì có nhiều nguồn gốc, có thể đến từ Hòa Bình, Sơn La, thế nhưng, đào Nhi Sơn của Mường Lát mới to và ngọt, lại đảm bảo sạch. Nếu muốn có thể đến tận vườn của người Mông để hái, mỗi người trả cho họ 20 nghìn đồng là được vào vườn ăn thoải mái, nhưng không được đem về. Nếu muốn mang về thì chủ vườn lại bán theo cân”, một người dân bản địa chỉ dẫn.

Anh Da Văn Sệnh (35 tuổi), bản Lốc Há, xã Nhi Sơn, hàng ngày dựng lán để bán đào ven đường, tính cách thật thà, chất phác, vừa bán anh vừa cho khách.

Khi về phố, trái đào Mông trở thành món quà quý để biếu cho bạn bè, người thân sau chuyến đi xa

Anh thông báo bán với giá 30 nghìn đồng/kg, nhưng có thể nếu khách kì kèo 20 nghìn/kg anh cũng đồng ý, cân đo trả tiền xong còn không quên dặn khách: “Nhặt thêm đi, cầm thêm lên xe mà ăn, cứ tự nhiên”.

Khi khách hỏi, anh cho khách như vậy có lỗ không, “Không lỗ, không lỗ”, anh Sệnh cười xòa.

Chính vì dễ tính nên lái xe đường xa bao giờ cũng dừng ở điểm của anh Sệnh cho hành khách xuống mua đào. Cả bì đào anh vừa mới hái, vẫn còn chưa kịp đổ ra rổ đã hết veo trong phút chốc bởi khách tranh nhau mua.

“Nhà mình có 6 gốc đào, cũng sắp hết mùa quả rồi. Mỗi ngày, mình đem ra đây bán cũng được khoảng 7 triệu, chủ yếu là bán cho khách đường xa. Năm trước, hết vụ đào, nhà mình thu được hơn 100 triệu. Cả bản Lốc Há này có 6 nhà trồng đào thôi”, anh Sệnh cho biết.

Ông Lương Văn Xích, Chủ tịch xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát cho biết, xã Nhi Sơn có tổng số 572 hộ với 2.800 nhân khẩu thì số hộ nghèo là 455 hộ, chiếm 80%. Địa hình không thuận lợi, đất đai cằn cỗi, đồi núi đá dốc là những nguyên nhân khách quan khiến bà con khó thoát nghèo. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, cây đào đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể và góp phần cải thiện đời sống của họ rất nhiều, mặc dù đây cũng chỉ là thu nhập mùa vụ.

Mường Lát là một huyện miền núi nghèo nằm rất xa trung tâm thành phố Thanh Hóa, cách 246km về phía tây bắc, có đường biên giới giáp ranh với Lào. Huyện được thành lập năm 1996 trên cơ sở tách 6 xã: Trung Lý, Tam Chung, Pù Nhi, Tén Tằn, Quang Chiểu, Mường Chanh thuộc huyện Quan Hóa.

Đến nay huyện Mường Lát có 8 xã và 1 thị trấn, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Dao, Mường và cả người Kinh.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến