Dòng sự kiện:
Người Mông vùng núi xứ Thanh gian nan tìm lối thoát nghèo
28/02/2018 19:40:42
Mùa Xuân – bản của người Mông ở xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) có cái tên đẹp như trong câu hát, trong trẻo và tràn trề ước vọng. Thế nhưng, trái ngược với cái tên, ở Mùa Xuân lại buồn vì nhiều nỗi.

Khát ánh sáng điện, đường…

Từ trung tâm xã Sơn Thủy, có thể phóng tầm mắt nhìn lên ngọn núi cao ở phía xa đang có những đám mây che phủ, đó là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông. Trên đỉnh núi ấy, có 2 bản là Xía Nọi và Ché Lầu. Từ xa xưa, người Mông đã có tập tục sống trên những ngọn núi cao trên 1000m và họ có nếp sống cũng như không gian văn hóa tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Phụ nữ và trẻ em người Mông hầu hết không biết nói tiếng Việt

Đường đến Mùa Xuân, Xía Nọi chỉ là những lối mòn trong rừng sâu, phần lớn hơn 20km đều là những dốc đèo dựng đứng thăm thẳm. Mỗi khi trời mưa xuống, lối đi trở nên lầy lội, trơn tuột và nguy hiểm hơn. Rất khó để có thể đi lại được.

Do giao thông cách trở, mọi giao thương với bên ngoài đều hạn chế. Học sinh không mặn mà với việc đi học xa, đã có nhiều đứa trẻ bỏ ngang việc học vì không chịu nổi cảnh đi bộ chèo đèo lội suối đến trường trong khi gia đình chưa đủ miếng ăn.

Ngôi làng của người Mông trên núi cao, cách biệt với thế giới bên ngoài

Cách đây khoảng 10 năm về trước, đồng bào Mông còn có lối sống du canh, du cư. Họ di chuyển khắp các vùng đồi núi, nơi nào có núi cao, đất đai rộng lớn và màu mỡ thì dựng nhà, khai khẩn đất để trồng lúa, trồng ngô. Vùng đất nào cho nhiều lúa ngô thì nơi đó giữ được chân người Mông. Sau này, nhờ chính sách vận động của Nhà nước, đồng bào Mông từ bỏ lối sống di cư tự do để thành lập bản làng và cư trú cố định dưới sự quản lí của chính quyền.

Đường đến bản của người Mông hết sức khó khăn

Họ có lối sống, có không gian văn hóa riêng biệt, cuộc sống tự cung, tự cấp giúp người Mông không phụ thuộc nhiều vào thế giới bên ngoài, càng ít giao lưu với các dân tộc khác ở các vùng thấp hơn.

Thế nhưng, lối sống và cả văn hóa của họ những năm gần đây đang dần bị phá vỡ bởi nền kinh tế thị trường đã tác động sâu sắc đến mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, ngay cả ở một nơi “thâm sơn cùng cốc” như bản làng người Mông này.

Con lợn là tài sản lớn đối với người dân

Người Mông đã có nhu cầu mua sắm những vật dụng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống, từ những vật đơn giản, họ lại mong muốn đến những món đồ xa xỉ hơn như điện thoại, xe máy, xây nhà…

Những nhu cầu đó tưởng chừng đơn giản với người dân ở những nơi khác, nhưng đối với người Mông trên núi cao thì đó lại là thách thức rất lớn, thậm chí họ đang phải đối mặt với những khủng hoảng: Nguồn sống chủ yếu dựa vào trồng ngô, trồng lúa ở trên núi, dân số tăng khiến đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, trong khi tài nguyên rừng không được phép khai thác...

Anh Thao Văn Dia, trưởng bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy cho biết, bản Mùa Xuân có 112 hộ dân với 522 nhân khẩu thì 100% đều là hộ nghèo.

Nhà trưởng bản Dia là một trong những hộ khá giả nhất làng, không có điện lưới, nhà anh dùng máy tuabin đặt ngoài con suối để phát điện. Điện đủ thắp một chiếc bóng con con, ánh sáng mờ mờ đục đục cho cả nhà ăn bữa cơm tối.

Anh Dia tâm sự, nhờ tính cách cần cù và chăm chỉ, những năm gần đây, nhiều gia đình người Mông đã không còn trông chờ gạo cứu đói của Nhà nước nữa. Họ trồng lúa nương; trồng ngô, sắn trên núi; nuôi con gà, con lợn; trồng rau để có cái ăn cho gia đình. Tuy nhiên, canh tác nhiều năm trên những ngọn núi có độ dốc cao cũng khiến đất đai bị xói mòn, mất đi màu mỡ. Vì thế, năng suất lúa, ngô cũng bị sút giảm đi nhiều.

Chính sách vay vốn của Nhà nước cũng đã tạo điều kiện người dân mua được con bò giống, lợn giống, nhờ đó, nhà anh Dia đã mua được chiếc xe máy, còn có gia đình đã làm được cái mái nhà bằng tôn. Thế nhưng, đây mới chỉ là giải quyết một phần ngọn của vấn đề.

Loay hoay tìm lối thoát

Nhìn lại thực tế của các bản làng người Mông, vốn về tiền bạc lẫn vốn về con người (tri thức) đều không có, những điều kiện cơ bản như điện, đường giao thông giống như một rào cản khiến người Mông ở huyện Quan Sơn này vẫn khó có cơ hội nào để thoát nghèo.

Cả đời có thể không ra khỏi làng, những người phụ nữ không biết gì nhiều về cuộc sống bên ngoài

“Chúng tôi chẳng biết nuôi con gì, trồng cây gì để bán. Vì nuôi trồng xong rồi thì bán thế nào, bán cho ai? Hiện nay bà con đang trồng gừng, mặc dù năng suất rất tốt nhưng việc vận chuyển hết sức khó khăn, người dân phải tự cõng xuống núi bán, đã thế giá còn rất rẻ mạt”, trưởng bản Dia cho biết.

Vì cuộc sống quá khó khăn, nhiều người Mông trong bản đã có tư tưởng dao động, muốn bỏ làng đi sống ở nơi khác. Anh Sùng Văn Thái, bản Mùa Xuân cho biết, các chị gái anh đều đi lấy chồng ở bên Lào.

“Dù chỉ cách hơn 12km đường núi, thế nhưng ở bên đó, đường sá, điện lưới đã thuận tiện hơn rất nhiều. Bố mẹ tôi cũng muốn bỏ làng để sang sống cùng các chị”, anh Thái nói.

Không đường, không điện lưới, không sóng di động, không tivi… Mọi dấu hiệu của cuộc sống hiện đại đều thiếu vắng, thế nên người dân có dân trí thấp, không biết nhiều về thế giới bên ngoài. Có nhiều thanh niên người Mông cũng đi học và thậm chí nhiều người còn theo học đến bậc đại học, cao đẳng theo diện cử tuyển. Tuy nhiên, sau khi ra trường không xin được việc lại phải bỏ con chữ để lên rừng trồng ngô sống qua ngày. Số khác thì đi ra các thành phố lớn làm thuê, phụ hồ để gửi tiền về cho gia đình.

Ông Lữ Văn Tiên, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết, tính cách người Mông rất chăm chỉ, chịu khó làm lụng và cũng có ý thức chấp hành pháp luật rất cao.

“Xã có 12 thôn thì vẫn còn 2 bản người Mông là Mùa Xuân và Xía Nọi là khó khăn nhất. Dù 2 năm qua, Nhà nước đã có chính sách giao đất giao rừng cho người dân sản xuất, nhưng bà con vẫn không có lòng tin, không có hi vọng để trồng những loại cây khó vận chuyển. Do điều kiện khó khăn, tư tưởng của bà con cũng hết sức dao động, họ chạnh lòng so sánh với người Mông ở phía bên kia biên giới là nước Lào. Bên đó, đường sá được đầu tư và điện lưới, sóng điện thoại phủ khắp”, ông Tiên nói.

Lương Diễn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến