Dòng sự kiện:
10 tháng, tăng trưởng tín dụng đạt 9,97%
24/12/2019 11:01:10
Theo thông tin cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 10/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 9,97% so với cuối năm 2018.

Đến cuối tháng 10/2019, dư nợ cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp đạt 4,2 triệu tỷ đồng, chiếm 53,44% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 7,19% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp tư nhân đạt 3,45 triệu tỷ đồng, chiếm 43,76% tổng dư nợ nền kinh tế và chiếm 81,88% tổng dư nợ khối doanh nghiệp, tăng 8,99% so với đầu năm.

Cùng thời gian, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 1,49 triệu tỷ đồng, chiếm 18,84% dư nợ nền kinh tế, chiếm 35,28% tổng dư nợ khối doanh nghiệp, tăng 13,8% so với đầu năm với 198.268 doanh nghiệp còn dư nợ.

Theo cơ cấu ngành kinh tế, dư nợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong ngành công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 41%; thương mại và dịch vụ là 54%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 5% trên tổng dư nợ.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng được tập trung vào sản xuất kinh doanh, 5 lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro "được kiểm soát ở mức hợp lý".

Vốn tín dụng ngân hàng vẫn là kênh tài trợ chủ yếu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện doanh nghiệp vừa và nhỏ ít có khả năng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, trong khi các nguồn vốn hỗ trợ có nguồn từ ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ quốc tế còn hạn chế.

"Tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng qua các năm và hiện đang cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung", Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Về nguồn vốn trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh nguồn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng với tỷ trọng khá lớn, khoảng 49,8% tổng dư nợ.

"Thực trạng trên đã và đang tạo sức ép, rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng, gây mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn", Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Với kết quả 10 tháng đầu năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay có thể khó đạt được. Dù vậy, đứng về phía nhà điều hành, ổn định vĩ mô là quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi tăng trưởng GDP vẫn đạt mục tiêu dù tăng trưởng tín dụng thấp. Có thể thấy thời gian qua NHNN cũng kiểm soát và liên tiếp cảnh báo về hoạt động tín dụng của các nhà băng, từ cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, hạn chế cho vay ở các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán và thậm chí là vay tiêu dùng.

Ở góc độ các ngân hàng, những khó khăn trong việc tăng vốn tự có, khả năng đáp ứng các tiêu chí an toàn mới từ đầu năm sau, nguồn vốn huy động từ khách hàng tăng trưởng khiêm tốn, nên việc đẩy mạnh tín dụng cũng có nhiều hạn chế, dù hạn mức để phát triển thêm trong thời gian còn lại của năm nay không phải là thấp. Cần nhớ rằng vào cuối tháng 6 năm nay, một loạt ngân hàng cũng đã được điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho năm 2019 do đáp ứng sớm yêu cầu triển khai Basel 2, dù vậy việc đẩy mạnh hoạt động cho vay cũng không được như kỳ vọng theo mục tiêu mới.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến