Dòng sự kiện:
20/11: Chạnh lòng vì nhiều phụ huynh 'nay tặng quà, mai đưa yêu sách'
19/11/2017 08:35:54
Ngày nay, 20/11 trở thành gánh nặng với phụ huynh, học sinh và niềm vui không trọn vẹn với thầy cô. Nhiều người thắc mắc, tại sao bây giờ tình thầy trò không còn ấm áp như xưa? Xã hội đổi thay chăng?

"Thời gian là cơn bão mà tất cả chúng ta đều lạc đường trong đó". Ngày 20/11 cũng bị cuốn vào guồng quay của thời gian. Sau mỗi chuyến đò, học trò - khách đò tỏa đi khắp muôn phương, còn người chèo đò thầm lặng vẫn gắn bó với bến sông tri thức. Vì thế, chính thầy cô là những người cảm nhận rõ mồn một từng đổi thay của ngày kỷ niệm này sau mỗi năm. Hoài niệm về ngày Nhà giáo Việt Nam xưa trong tâm trí của những người đứng trên bục giảng để thấy sự đổi khác mà không phải ai cũng nhận ra.

Cô giáo Lê Bích Ngọc, giáo viên một trường Tiểu học tại Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ những kỷ niệm khó quên về ngày 20/11 xưa: “Ngày chị còn bé, cứ đến ngày 20/11 là bọn chị rồng rắn đến nhà cô giáo chơi với đúng nghĩa chứ chẳng có quà gì to tát. Vì kinh tế ngày ấy chưa sung túc nên quà mua tặng cô chỉ là quyển sổ, cái bút bi, bộ cốc chén đẹp… là quý rồi.

Đến nhà cô, cả lũ được ra vườn hái táo, hái ổi, được cô mời bánh quy, kẹo đường xanh đỏ, bỏng ngô... dân dã nhưng rất vui. Còn phụ huynh thì nói năng ứng xử tỏ rõ sự kính trọng với giáo viên chứ không như bây giờ”.

Với chị Ngọc, 20/11 nay khác xưa nhiều, không phải khác biệt ở tâm thế (trước chị là học trò, giờ chị là giáo viên) mà ở tình cảm.

“Mấy ngày nay không khí rộn ràng chào đón ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhưng trong lòng chị không vui vì quả thực giáo viên mong muốn nhận được tình cảm chân thành, sự kính trọng chứ không phải những món quà nặng vật chất. Cả một thế hệ phụ huynh lớn lên trong thời kinh tế thị trường nên đa số cách nghĩ và cách sống cũng khác. Văn hoá tặng quà cho các thầy cô trong dịp này cũng là một vấn đề đáng suy ngẫm.

Họ tặng cho xong, cho hết nghĩa vụ chứ không nghĩ giáo viên sẽ cảm thấy thế nào. Còn mấy phụ huynh nào biết đến nhà cô chơi, thăm hỏi theo đúng nghĩa là quan tâm đến cô đâu. Họ tặng món quà cho cô hôm nay, mai họ đưa ra yêu sách: chuyển chỗ cho con hay cô quan tâm hơn đến cháu...

Mối quan hệ trong nhà trường giờ cũng như ngoài xã hội. Họ nghĩ đang đi mua chữ cho con nên hơi tí là kiện tụng, hạch sách giáo viên chứ không gặp trao đổi trực tiếp đâu. Vì thế nhiều khi giáo viên bọn chị chạnh lòng và tủi thân lắm”, chị Ngọc xúc động.

Những thầy cô được hỏi đều trả lời thích 20/11 xưa hơn

Còn cô giáo Nguyễn Thị Giang, giáo viên một trường Trung học cơ sở tại Hải Phòng, người đã có hơn 20 năm đứng trên bục giảng tâm sự: “Có lẽ những người gắn bó cả cuộc đời mình với nghề giáo như tôi sẽ cảm nhận sâu sắc nhất sự thay đổi ấy. Những ngày tôi mới vào nghề, ngay từ đầu tháng 11 là không khí chuẩn bị cho ngày tri ân Nhà giáo đã len lỏi vào từng lớp học.

Giờ ra chơi, đám nhỏ ngồi lì trong lớp hý hoáy sáng tác thơ, truyện về thầy cô giáo cho tờ báo tường của lớp. Cô trò quây quần bên nhau vẽ báo tường hay miệt mài tập văn nghệ quên cả ăn. Ngồi nhìn những bó hoa rực rỡ, hộp quà màu mè tôi lại nhớ và thèm chút giản dị của 20/11 xưa. Hình như càng hiện đại, người ta càng tiến về phía vỏ mà bỏ ngỏ phần tâm”.

Chia sẻ quan điểm về ngày tri ân Nhà giáo, chị Giang nói: “Với chị, ngày Nhà giáo Việt Nam là khoảng lặng để mình nhớ đến thầy cô của mình, kể cả những người đang hay đã từng dạy dỗ mình. Chỉ cần như thế là đủ. Càng ngày nó càng trở thành gánh nặng với tất cả chúng ta”.

Cô giáo Vũ Thúy Ngân, giáo viên một trường Trung học phổ thông tại Hà Nội bồi hồi kể: “Ngày xưa mỗi dịp này là học sinh cũ kéo đàn kéo lũ về thăm ngồi chật nhà, nhưng mỗi năm lại rơi rụng đi một ít. Giờ đây thì chỉ còn một vài đứa học trò nhớ đến mình. Chắc chúng nó bận bịu với công việc, bươn trải mưu sinh”.

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến