2014: Bức tranh kinh tế thế giới nhiều sắc màu
26/12/2014 16:56:16
ANTT.VN - Đôi lúc cách tốt nhất để biết được tương lai ra sao là nhìn lại quá khứ. Hãy nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2014 với những điểm sáng và khoảng tối muôn màu.

1.Nước Mỹ đã trở lại

Năm 2014, nền kinh tế Mỹ đã có một cuộc khởi sắc, trở thành nền kinh tế lớn mạnh nhất trên thế giới. Tất cả các lĩnh vực nhà đất, nền công nghiệp ô tô đồ sộ, xuất khẩu đều tăng mạnh.

Đồng đô la đã khởi sắc mạnh mẽ. Kể từ đầu năm 2014, đồng bạc xanh đã tăng 8% trên cơ sở mệnh giá giao dịch điều chỉnh. Và trên hết, rất nhiều yếu tố cấu trúc – ví dụ như thị trường vốn của Mỹ nhộn nhịp hơn đã góp phần đẩy giá của đồng đô la lên cao. Thị trường việc của Mỹ của thăng hoa với làn sóng việc làm cao nhất trong 16 năm. Tỉ lệ thất nghiệp đứng ở ngưỡng 5,8% - mức thấp nhất trong 6 năm.  Có thể nói 2014 là năm bội thu của nước Mỹ với những số liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã “đoạn tuyệt” được với nỗi lo suy thoái.

2.Những bất ổn mang hiệu ứng domino 

Những diễn biến địa chính trị của toàn cầu vẫn vô cùng phức tạp. Việc Putin quyết định sát nhập Crimea, nhà nước Hồi giáo có những bước tiến mới tại Trung Đông và đại dịch Ebola hoành hành đã ảnh hưởng lớn đến nhiềm tin thị trường trong năm nay.

Cuộc khủng hoảng tại Ukraina đã khiến EU áp lệnh trừng phạt lên Nga. Đức, nhà xuất khẩu chính của Nga cũng chịu những hệ lụy nặng nề từ việc này. Libya bất ổn cùng với cuộc xung đột giữa Israel và Palestin kết hợp với việc kinh tế Trung Quốc chững lại và những trì trệ tại EU, Nhật Bản, tất cả đã đặt áp lực lên nhiên liệu quý mà bất kỳ quốc gia nào cũng cần: dầu mỏ

3.Giá dầu chưa tìm được đáy

Tính đến thời điểm hiện nay giá dầu trên thế giới đã giảm 49% so với thời điểm tháng 6/2014 và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Việc sản xuất dầu và khí đốt đá phiến sét của Mỹ đã diễn ra được một vài năm nhưng phải đến 2014 các nhà đầu tư mới bắt đầu để ý đến. Việc công nghệ phát triển và giá dầu tăng cao trong 3 năm trước đã khiến các nước sản xuất dầu ồ ạt dẫn đến thừa cung và đẩy giá dầu đi xuống, trong số đó nguồn cung dầu đá phiến sét của Mỹ cũng đóng góp một phần đáng kể.

Giá dầu lao đáy cùng với khí đốt không hẳn là một tin tốt. Đây là dấu hiệu về nhu cầu trên toàn cầu đang suy giảm với bóng ma giảm phát đe dọa năm 2015. Một trong những nạn nhân lớn nhất của giá dầu là nền kinh tế Nga.

Câu hỏi đặt ra đâu là đáy của giá dầu và liệu các nhà xuất khẩu dầu chủ lực của thế giới có tiếp tục gây áp lực cho thị trường khi khăng khăng giữ sản lượng sản xuất trong cuộc chiến tranh giành thị phần.

4.Trung Quốc “diễu võ dương oai”

Năm 2014, cả thế giới chứng kiến một Trung Quốc phát triển không ngừng, có ảnh hưởng sâu rộng đến các nền kinh tế khác. Đồng Nhân dân tệ đang được kỳ vọng sẽ chính thức IMF công nhận là một đồng tiền dự trữ toàn cầu. Sự kiện cho ra mắt Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở Á châu AIIB với vị thế là đối thủ của Ngân hàng Thế giới WB một lần nữa cho thấy được tham vọng của Trung Quốc để được cả thế giới công nhận.

5. Bóng ma giảm phát

Trong quá khứ, lạm phát đã từng là vấn đề lớn của hầu hết các nền kinh tế. Tuy nhiên giờ đây cuộc chiến này đã đảo chiều và giảm phát mới là nỗi lo sợ của các quốc gia hiện nay. Giảm phát là một xu hướng đáng sợ, làm trầm trọng những suy yếu về nhu cầu bằng cách kéo lùi đà tiêu dùng và đầu tư do lo sợ giá cả xuống thấp.

6.Fed đã kết thúc gói QE trị giá 1,6 nghìn tỉ USD

Khi gói kích thích Q3 kết thúc, các nhà đầu tư đã lấy lại niềm tin vào nền kinh tế Mỹ. Và Fed vẫn đang xem xét tăng lãi suất khi nền kinh tế Mỹ đã dần ổn định. Từ năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu nhen nhóm, Fed đã đưa ra chương trình mua trái phiếu, được biết đến là gói nới lỏng định lượng QE. Hiện giờ đã hoàn toàn kết thúc chương trình này. Chính sách tiền tệ vẫn đang chia rẽ giữa các nền kinh tế lớn, và chờ đến khi các quốc gia còn lại tăng trưởng thì đồng đô la vẫn sẽ theo đuổi đà tăng mạnh.

7. Khoảng cách giàu nghèo khiến “giọt nước tràn ly”

Việc bất cân xứng trong thu nhập đã dẫn đến những cuộc biểu tình trên toàn cầu. Dù thị trường cổ phiếu trên thế giới đã có một năm không quá tệ cũng như thị trường lao động của Mỹ phục hồi, rất nhiều người vẫn không được hưởng lợi ích từ những bước tiến trên.

Cuộc biểu tình của nhóm học sinh tại Hong Kong đã khiến thế giới phải xem xét về khoảng cách giàu và nghèo quá xa vẫn còn tồn tại trong những xã hội hiện đại nhất. Bất mãn với sự phân hóa giàu nghèo và khao khát hiện thực hóa lý tưởng là lý do sâu xa khiến hàng trăm nghìn sinh viên Hong Kong xuống đường biểu tình phản đối chính phủ.

8.Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ

Tin vui muộn đến với Cuba trong những ngày cuối năm 2014, tổng thống Obama đã ra tuyên bố bình thường hóa mối quan hệ với đảo quốc này sau hơn nửa thế kỷ cô lập. Người dân Cuba đã đổ ra các tuyến phố tuần hành để ăn mừng sự kiện này. Đây được coi là cú hích cho nền kinh tế này trong các lĩnh vực du lịch, viễn thông và thương mại.

Tú Anh (theo Businessinsider/BBC)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến