2015: Ngoài gom nợ, VAMC còn phải làm gì?
02/02/2015 14:55:42
ANTT.VN – TS. Cấn Văn Lực: “Tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ quan trọng của VAMC trong năm 2015 này sẽ không chỉ là gom nợ, mua nợ nữa; bởi vì việc mua nợ đã là câu chuyện xảy ra từ cách đây gần 2 năm và năm nay cũng chỉ là tiếp tục…”

Tin liên quan

“Khoán” định mức bán nợ cho các TCTD

Đầu tuần trước (27/01/2015), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD).

Đáng chú ý, theo nội dung Chỉ thị, Thống đốc đã yêu cầu các TCTD xây dựng và báo cáo NHNN kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015 (chi tiết chỉ tiêu xử lý nợ xấu cho từng tháng), trong đó có các giải pháp về sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC, đảm bảo đến ngày 30/6/2015 phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, riêng chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015 để đến cuối năm đưa nợ xấu về mức dưới 3% tổng tài sản có được phân loại theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, khác với các năm thì ngay tại ngày ban hành Chỉ thị đầu tiên của năm 2015 (Chỉ thị 02 được ban hành cùng ngày với Chỉ thị 01 vào 27/01/2015), cơ quan điều hành “huyết mạch kinh tế” của cả nước đã “khoán” định mức xử lý nợ xấu bán niên cho các ngân hàng thương mại.

“Đảm bảo đến ngày 30/6/2015 phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, riêng chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015” – tức là, các tổ chức tín dụng sẽ phải giải quyết phần lớn nghĩa vụ đối với “cục máu đông” vào nửa đầu năm 2015, chứ không có chuyện “dồn cục” vào những tháng cuối như kịch bản quen thuộc trước đây.

Nên nhớ, 6 tháng đầu năm 2014, VAMC chỉ mua được vỏn vẹn 1/5 số nợ cả năm trong khi 80% còn lại đã được “dồn toa” sang nửa thu – đông; cụ thể, theo Báo cáo Cập nhật ngành Ngân hàng 2014 và Triển vọng 2015 do Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) vừa mới phát hành: “Tốc độ mua nợ xấu của VAMC cải thiện nhanh từ cuối Q3/2014, nâng tổng số nợ xấu mua được trong năm 2014 (tính đến 23/12/2014) lên mức 83.063 tỷ đồng. Số nợ mua được trong 8T2014 khá hạn chế trong khi nợ mua của các tháng tiếp theo (khoảng 59.000 tỷ đồng) đóng góp 71% vào kết quả lỹ kế từ đầu năm. Tuy nhiên, VAMC mới chỉ xử lý (bao gồm bán thỏa thuận, đấu giá, thu hồi, phát mại tài sản) được 3,3% tổng số dư nợ đã mua tính đến cùng thời điểm (123.000 tỷ đồng)”.

Vậy đâu là căn cứ để NHNN phân bổ chỉ tiêu?

Cơ sở văn bản “nhất cử đa tiện” của NHNN

Không khó để nhận thấy đích ngắm nhiều chiều của NHNN với bước đi đầu tiên trong năm 2015 tại Chỉ thị 02.

Trước tiên, văn bản sẽ góp phần quan trọng trong việc tao thế chủ động cho cả NHTM, VAMC lẫn NHNN cho những kế hoạch năm. Thứ 2, như đã nói, Chỉ thị cũng sẽ giúp các chỉ số nhiệm vụ sẽ không còn bị dồn dập vào giai đoạn cuối năm. Và cuối cùng, Chỉ thị sẽ điều hướng hiệu quả mục tiêu trọng tâm là đưa nợ xấu về ngưỡng 3% trên sổ sách của các NHTM (đồng thời chuyển dần sang phía VAMC) vào cuối năm 2015.

Ngoài những tác dụng nhiều chiều, văn bản “nhất cử đa tiện” của NHNN cũng được đánh giá là khá thuận dòng dẫu ngược “trend” quen thuộc khi phần lớn nghĩa vụ sẽ được phân bổ cho nửa đầu năm; bởi,

Thứ nhất, về phía VAMC, “cỗ xe mua nợ” này đã được "chạy rốt-đa đủ độ" , vận hành thực tiễn tương đối an toàn và ngày một “đỡ vướng” hơn; cùng với đó, cơ chế mua bán nợ (đặc thù) cũng đã có và được phổ cập rộng khắp toàn hệ thống ngân hàng.

Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Quốc Hùng

Mới đây, chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản các TCTD Việt Nam tiếp tục khẳng định: “VAMC có đủ điều kiện, cơ sở vật chất, cán bộ, cũng như các điều kiện khác để phân tích, thẩm định, đánh giá và mua nợ đảm bảo đúng tiến độ”. Chi tiết số liệu thống kê cho thấy, với vốn điều lệ chỉ khiêm tốn ở mức 500 tỷ đồng, bằng cơ chế đặc thù, tính đến hết 2014, VAMC đã thực hiện mua vào tổng cộng 134 nghìn tỷ đồng nợ xấu, đúng bằng số liệu nợ xấu của khối NHTM Nhà nước thống kê tại thời điểm 30.1.2013, thời điểm mà ý tưởng thành lập một công ty quản lý tài sản (AMC - Asset Management Company) để mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng đang gây ra rất nhiều tranh cãi.

Thứ hai, về phía các TCTD; chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, Thông tư 36 quy định giới hạn tỷ lệ nợ xấu dưới 3% là điều kiện để ngân hàng cấp tín dụng hay mua cổ phần các tổ chức tín dụng khác, sẽ gia tăng áp lực, buộc các ngân hàng phải điều chỉnh tỷ lệ về ngưỡng định hướng thông qua bán nợ cho VAMC. Thêm vào đó, việc áp dụng hình thức hạn chế mở chi nhánh, cấp tín dụng mới đối với các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao (Thông tư 21/2013/TT-NHNN) cũng sẽ buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh việc bán nợ của mình.

Được biết, trong năm 2015, VAMC dự kiến sẽ mua vào từ 80 đến 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu, đồng thời, cũng  sẽ vẫn tập trung vào mục tiêu mua nợ từ các TCTD và tiếp tục cơ cấu, phân loại nợ, kiến nghị điều chỉnh lãi suất đối với những khoản nợ mà khách hàng có khả năng phục hồi để đến năm 2016 sẽ đẩy mạnh việc bán các khoản nợ đã mua được.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của VAMC trong 2015 có phải sẽ chỉ vẫn đơn thuần là đi “gom nợ xấu”?

Bộ ba nhiệm vụ tối quan trọng khác của VAMC trong 2015

Chia sẻ với phóng viên ANTT.VN, TS. Cấn Văn Lực, Hàm Phó TGĐ, Cố vấn Cấp cao Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ Ngân hàng BIDV nhận xét: “Tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ quan trọng của VAMC trong năm 2015 này sẽ không chỉ là gom nợ, mua nợ nữa; bởi vì việc mua nợ đã là câu chuyện xảy ra từ cách đây gần 2 năm và năm nay cũng chỉ là tiếp tục.  Bên cạnh đó, cơ chế mua nợ từ các NHTM về cơ bản là đã có. Vấn đề là các ngân hàng sẽ khẩn trương thực hiện như thế nào và điều này phụ thuộc vào vế các NHTM.

Còn về phía VAMC, tôi nghĩ ngoài chuyện gom nợ, mua nợ về như hiện nay thì cũng phải tiếp tục tích cực xử lý các khoản nợ xấu nào mà có thể xử lý được. Năm ngoái, đâu đó VAMC đã xử lý được khoảng 4.000 tỷ, năm nay, hi vọng đơn vị này sẽ xử lý được ở mức độ cao hơn, thậm chí là gấp đôi hay gấp ba”.

Song song với việc đẩy mạnh xử lý các khoản nợ đã mua vào, theo TS. Lực, còn một việc tối cần thiết mà VAMC cũng phải làm trong năm 2015. Đó là phải kiến nghị, đề xuất với Chính phủ để mà “những cái gì còn vướng mắc tới câu chuyện mua bán nợ, câu chuyện xử lý nợ xấu phải được thông suốt”, và chỉ như thế thì mới đảm bảo sang năm 2016, việc xử lý nợ xấu được triệt để, đúng với mục tiêu sâu xa của đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

TS. Cấn Văn Lực, Hàm Phó TGĐ, Cố vấn Cấp cao Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ Ngân hàng BIDV

Không chỉ có vậy, theo vị chuyên gia kinh tế này, nhiệm vụ cho VAMC trong 2015 còn có một việc rất quan trọng khác.

“Đó là cũng phải xác định tiếp tục sau khi mà tái cơ cấu rồi, sau khi mà bán nợ xấu đi rồi thì việc vận hành sẽ như thế nào?

Lý giải về nhận định của mình, TS. Lực cho biết: “Ví dụ như có sự chênh lệch giữa giá mà VAMC gom về (hiện nay, đâu đó khoảng 80% giá trị khoản nợ) và giá khoản nợ mà VAMC bán ra (ước khoảng 40-50% giá trị khoản nợ) thì cái phần chênh lệch kia phải xử lý như thế nào?”

“Cơ chế đó cũng phải rất rõ ràng trong năm nay để năm tới chúng ta vận dụng”, vị chuyên gia này kết luận.

Ninh Giang

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến