Tăng trưởng tín dụng: Liệu có quá nóng?
26/12/2014 19:29:43
ANTT.VN - Không ít ý kiến cho rằng, việc các ngân hàng đang dồn toàn lực để chạy đua tăng trưởng tín dụng vào mùa cao điểm cuối năm có đảm bảo cả về chất và lượng hay không, có thể gây những hệ lụy xấu, tình trạng “dồn cục” và có thể gây sốc cho nền kinh tế?

Tin liên quan

Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 19/12 tín dụng đã tăng 11.8% so với năm 2013

Những con số biết nói

Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 19/12 tín dụng đã tăng 11.8% so với năm 2013. Đây được coi là con số về đích an toàn với mục tiêu 12-14% của NHNN đề ra hồi đầu năm. Tuy nhiên, nếu ở thời điểm 8 tháng đầu năm con số này chỉ đạt 4.45% như vậy, chỉ trong 4 tháng cuối năm mức tăng đã gần gấp đôi của 8 tháng trước đó. Điều này cũng là một bất ngờ không nhỏ với nhiều người khi mà cầu vốn cuối năm của DN không cao như kỳ vọng. Mặc dù thực tế lãi suất đã được điều chỉnh giảm so với thời gian trước và vốn từ ngân hàng được “đẩy” ra ngày một mạnh hơn và nhiều hơn thông qua các chương trình khuyến mại. Song có thể thấy cầu về vốn của DN ở mức hạn chế khi mà tình hình sức mua và hàng tồn kho chưa có nhiều cải thiện.

Theo một chuyên gia kinh tế, có 2 vấn đề lớn hiện nay ảnh hưởng lớn đến việc tăng trưởng tín dụng bền vững đó là: giải quyết nợ xấu và tình hình “sức khỏe” của các doanh nghiệp.

Về nợ xấu, tính đến thời điểm 23/12 VAMC đã mua được 123 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc nợ xấu, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực từ phía VAMC nhưng con số xử lý nợ xấu tới thời điểm hiện tại mới chỉ đạt hơn 4000 tỷ đồng (3.3% so với tổng nợ đã mua) và nhìn xa hơn nữa công tác xử lý nợ xấu của VAMC đang “vướng” rất nhiều từ cơ chế cho đến thủ tục pháp lý còn rất rườm rà. Một trong những mục tiêu quan trọng của VAMC đó là nhằm giải thoát cho những DN có nợ xấu, tất cả khoản nợ bán cho VAMC sẽ không được coi là nợ xấu nữa, DN có thể tiếp tục đi vay NH để giải quyết nhu cầu sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại phía NH cũng đang ngần ngại về “khả năng” của các DN này và thực tế cũng chưa có nhiều DN dạng này được vay lại.

Theo số liệu của TCTK, 11 tháng đầu năm đã có 60340 DN phải giải thể

Mặt khác, sức khỏe của các DN nói chung cũng chưa có nhiều cải thiện, theo số liệu của Tổng cục thống kê, chỉ riêng trong tháng 11 đã có 60340 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, tăng 9.8% so với cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy, các doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, khả năng hấp thụ vốn chưa được cải thiện do sức mua yếu, hàng tồn kho nhiều , đồng thời nợ xấu tiếp tục gia tăng, nên những doanh nghiệp này dù rất cần vốn nhưng rất khó tiếp cận với nguồn của ngân hàng. Còn đối với những DN tốt có dự án khả thi nhưng lại không “mặn mà” với vốn vay của NH do quan ngại trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn và dù thực tế lãi suất đã “hạ nhiệt” nhưng vẫn ở mức cao so với khu vực và trên thế giới.

Liệu có đáng lo

Tốc độ tăng trưởng “phi mã” cuối năm cho thấy NHNN và các NH quyết tâm rất cao, “nói là làm” để đạt chỉ tiêu  tăng trưởng tín dụng đề ra là từ 12-14%. Chính sách tiền tệ được thực hiện theo chính sách nới lỏng, NHNN đã không ngừng tăng cung tiền, điều này thể hiện qua tốc độ tổng phương tiện thanh toán tăng 15,65% (so với cuối năm 2013) - thông cáo báo chí ngày 23/12 của NHNN, trên nền lạm phát duy trì ở mức thấp khoảng dưới 5%, nhưng chủ yếu là nhờ những yếu tố khách quan bên ngoài như giá dầu và giá cả hàng hóa trên thế giới đềugiảm, ngoài ra giá điện, giá nước, y tế, giáo dục.. năm vừa rồi cũng không có có chủ trương tăng.

Từ đầu năm 2014, NHNN theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, cụ thể một loạt các gói cho vay mua nhà 30,000 tỷ đồng, nghị định 67 về cho vay đóng tàu sắt… tuy nhiên hiệu quả của những gói này phải trong năm 2015 người dân mới cảm nhận được. Bên cạnh đó, các NH và công ty tài chính đang dịch chuyển sang cho vay mua sắm tiêu dùng, cá nhân điều này thể hiện qua các chương trình khuyến mại được triển khai “hết tốc lực” dịp cuối năm, có những khoản vay được giải ngân cho khách hàng ngay trong ngày. Với việc kiểm soát quy trình “thông thoáng” hơn trước có thể các NH sẽ lại phải đối mặt với làn sóng nợ xấu mới trong thời gian tới.

Tăng trưởng tín dụng: Liệu có quá nóng?

Quay trở lại với bối cảnh kinh tế VN năm nay. Ở nửa năm đầu, GDP luôn duy trì mức tăng khoảng 5.5% thì tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3.52%. Và ở nửa cuối năm, câu chuyện của năm 2013 lại lặp lại khi tín dụng có cú “nước rút” và về về đích ở mức 12-14%, trong khi mức tăng trưởng GDP dự báo ở mức khoảng 5.8% (ngưỡng giới hạn so với những năm gần đây). Có thể nói việc bơm thêm tiền vào nền kinh tế khi hệ thống đang dư thừa thanh khoản sẽ làm nguy cơ lạm phát sẽ rình rập quay trở lại. Và nguồn tín dụng này lại không tập trung vào khu vực sản xuất mà lại chảy vào bất động sản, tiêu dùng làm nguy cơ lạm phát có thể gia tăng ở nhóm ngành này, kèm theo tình trạng nhập siêu đang có xu hướng gia tăng ở những tháng cuối năm.

Ngoài ra, NH đang có xu hướng chọn những nơi có hệ số an toàn cao để bơm vốn như trái phiếu CP, điều nay chưa hẳn có lợi khi mà hiệu quả sử dụng vốn từ trái phiếu chính phủ đang ở mức báo động. Kỳ hạn huy động vốn của NH thường là ngắn hạn, trong khi lại đổ dồn vào trái phiếu chính phủ với kỳ hạn trung và dài hạn nên sẽ dễ dẫn đến tình trạng mất cân đối kỳ hạn nếu NH không có giải pháp giải quyết ngay từ bây giờ.

Thay cho lời kết

Tăng trưởng tín dụng luôn là tiền đề quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng cách đặt ra con số mục tiêu để thực hiện bằng mọi giá thì nên có sự xem xét lại. Mà ở đây cần quan tâm đến chất lượng của tăng trưởng, cơ cấu tăng trưởng và “điểm đến” của dòng vốn. Ngoài ra, cần có biện pháp xử lý triệt để nợ xấu đồng thời tạo cơ chế để “sức khỏe” của doanh nghiệp được cải thiện một cách thực chất và hiệu quả. Điều này sẽ giúp tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng, quan trọng hơn là tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định, bền vững và lâu dài.

N.G

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến