Dòng sự kiện:
3 địa phương cấp nhiều phiếu lý lịch tư pháp nhất cả nước
26/02/2024 16:50:43
Bộ Tư pháp vừa báo cáo Chính phủ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, TPHCM và tỉnh Nghệ An.

Sau hơn 13 năm thi hành, Bộ Tư pháp đánh giá Luật lý lịch tư pháp (LLTP) thực sự đi vào cuộc sống, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cấp phiếu LLTP ngày càng tăng của công dân.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, thực tế đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế nhất định, đặc biệt trong hoạt động cấp phiếu LLTP.

Tình trạng chậm cấp phiếu LLTP còn xảy ra tại một số địa phương; người dân phải xếp hàng chờ đợi nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP, gây ùn ứ, ách tắc trong việc tiếp nhận hồ sơ.

Theo thống kê, Hà Nội, TPHCM và tỉnh Nghệ An có số lượng yêu cầu cấp phiếu LLTP lớn nhất nước. Từ năm 2021-2023, trung bình mỗi năm Hà Nội cấp trên 74.000 phiếu, TPHCM cấp gần 96.000 phiếu và tỉnh Nghệ An cấp khoảng 57.000 phiếu.

Trả lời phóng viên Dân trí trước đó, lãnh đạo Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia khẳng định, doanh nghiệp yêu cầu cá nhân phải có phiếu LLTP khi nộp hồ sơ tuyển dụng lao động như lái xe công nghệ, giao hàng (Shopee food, Grab food…) hoặc lao động phổ thông, có thể được coi là "lạm dụng" quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP (Ảnh minh họa: Trường Thịnh).

"Trong bối cảnh nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất của Sở Tư pháp còn hạn chế, việc tiếp nhận một số lượng lớn hồ sơ đã gây tình trạng quá tải cho bộ phận làm công tác LLTP tại các địa phương này. Có thời điểm người dân phải xếp hàng từ rất sớm để nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP, gây bức xúc trong dư luận", Bộ Tư pháp nêu thực tế.

Dù Bộ Tư pháp và các địa phương đang đẩy mạnh các phương thức cấp phiếu LLTP trực tuyến trên các Cổng dịch vụ công quốc gia, thử nghiệm qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử VneID nhưng việc thí điểm phân cấp việc cấp phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp rất cần thiết.

Bộ Tư pháp cho biết đã trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp phiếu LLTP cho một số Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, TPHCM và tỉnh Nghệ An.

Số lượng Phòng Tư pháp được áp dụng thí điểm ít nhất 1/3 trong tổng số Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn Hà Nội, TPHCM; riêng tỉnh Nghệ An ít nhất 5 Phòng Tư pháp được lựa chọn.

Danh sách Phòng Tư pháp thực hiện thí điểm được Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở đề xuất của 3 địa phương này.

Bộ này đề xuất thí điểm 2 năm, đủ để các địa phương chuẩn bị nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện.

Khi kết thúc thí điểm, Bộ Tư pháp sẽ tổng kết, đánh giá; nếu thành công sẽ báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét, cho áp dụng rộng rãi trên toàn quốc. Kết quả thực hiện thí điểm trên được coi là cơ sở để nghiên cứu sửa đổi Luật LLTP.

Công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp phiếu LLTP sẽ nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Phòng Tư pháp, nơi cá nhân đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú (nếu không có nơi thường trú) trên địa bàn Hà Nội, TPHCM hoặc tỉnh Nghệ An.

Hai loại Phiếu lý lịch tư pháp (Ảnh minh họa).

Sau khi nghị quyết được ban hành, Bộ Tư pháp cho biết dự kiến kinh phí thực thi được thực hiện lồng ghép trong ngân sách chi thường xuyên của các cơ quan trung ương, địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Trong đó, kinh phí tuyên truyền, phổ biến nghị quyết khoảng 300 triệu đồng; kinh phí tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác cấp phiếu LLTP tại UBND cấp huyện 300 triệu đồng. Kinh phí xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 100 triệu đồng.

Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ cho phép trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, cho ý kiến và xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Có giá trị chứng minh có án tích hay không?

LLTP là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.

Phiếu LLTP là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.

Phiếu LLTP gồm 2 loại: Phiếu LLTP số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 Luật LLTP 2009); phiếu LLTP số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009 và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Tác giả: Thế Kha

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến