Dòng sự kiện:
3 kịch bản xuất khẩu và triển vọng cho ngành dệt may Việt Nam năm 2022
21/12/2021 06:28:08
Dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu của ngành năm 2022.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đặc biệt trong quý III/2021 nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã vượt lên khó khăn duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021, ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.

Vitas đánh giá đây là một nỗ lực lớn của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Cho rằng tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật... đã mở cửa trở lại và nhất là Việt Nam đã thay đổi chính sách từ “Zero Covid-19" sang vừa “thích ứng an toàn, linh hoạt”, “kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 128, Vitas đã đưa ra 3 kịch bản xuất khẩu dệt may trong năm 2022, cụ thể:

Kịch bản tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5 - 43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022.

Kịch bản trung bình đạt 40 - 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm.

Kịch bản thấp nhất đạt 38 - 39 tỷ USD, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết ngành dệt may năm 2021 diễn ra chiều 17/12, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp thì cần tiếp tục triển khai chiến lược tiêm vắc-xin.

Ông Cẩm nhấn mạnh đây là giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới.

“Cần quy định tiêm đủ 2 liều là điều kiện để tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêm liều thứ 3 cho người lao động", ông Cẩm nói và cho rằng, vắc-xin vẫn là chìa khoá để ngành sản xuất dệt may phục hồi và tăng trưởng trong năm sau.

Vị Phó Chủ tịch Hiệp hội cũng mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may & Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, ứng dụng công nghệ 4.0 để hiện đại hóa sản xuất, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu.

“Dệt may rất cần một chiến lược quy hoạch tổng thể để doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể xuất khẩu hàng dệt may bằng chính thương hiệu của mình”, ông nói.

Ngành dệt may Việt Nam dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2021 nhưng vẫn đạt được đà tăng trưởng tốt.

Đưa ra dự báo về triển vọng ngành dệt may năm 2022, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam. Bên cạnh đó, thị phần dệt may của Việt Nam tại Mỹ, EU và Mỹ vẫn mở rộng.

Chỉ số tiêu dùng ngày càng tăng sẽ mang lại cơ hội cho ngành dệt may, cùng với đó, việc triển khai vắc-xin tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và EU ngày càng cao khiến chỉ số tiêu dùng tăng. Cụ thể, tỉ lệ tiêm vắc-xin ít nhất 2 mũi tại Mỹ và một số nước trong hiệp định EVFTA, CPTPP cao trên 50%.

Theo VCBS, Covid-19 làm thay đổi một số xu hướng của ngành, trong đó có xu hướng dịch chuyển nguồn cung ứng dệt may thế giới ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những điểm đến của các nhà nhập khẩu, hãng bán lẻ.

Cùng với đó, đại dịch thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm thể thao, đồng thời cũng thúc đẩy số hóa trong toàn ngành dệtmay với gần 40% tổng doanh số bán hàng hiện đang được tạo ra từ các kênh kỹ thuật số.

VCBS cũng khuyến nghị, xu hướng phát triển bền vững chuỗi cung ứng cũng thay đổi, các doanh nghiệp khi chú trọng đến quy trình sản xuất “xanh” trong nhà máy và sản xuất sợi bông, sợi tái chế hay sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu là bông, sợi tái chế sẽ thu hút nhiều hơn các đơn hàng của các đối tác lớn đang quan tâm đến vấn đề “Bền vững chuỗi cung ứng toàn cầu” như H&M, Uniqlo, Nike, Adidas,...

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến