Dòng sự kiện:
50 nghệ nhân biểu diễn trong Dàn nhạc dân tộc bản địa Việt Nam
01/12/2017 09:49:54
Những người thực hiện hy vọng dự án sẽ mở ra hướng mới cho việc kết nối cộng đồng những nghệ nhân, nghệ sĩ trong nước và khu vực, để từ đó giới thiệu rộng rãi hơn văn hóa của VN và các nước trong khu vực ra thế giới

Mới đây, đơn vị sản xuất chương trình xiếc “Làng tôi” giới thiệu Dàn nhạc dân tộc bản địa Việt Nam với sự quy tụ nhiều nghệ nhân văn hóa của các vùng, miền trong cả nước. Dàn nhạc sẽ có buổi diễn “Đêm vô thức bản địa” tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 12/12 tới.

Việc thành lập Dàn nhạc dân tộc bản địa Việt Nam nằm trong dự án S.E.A Sound (tạm gọi là âm thanh Đông Nam Á) do nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý và nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh thực hiện từ tháng 3/2017 với hy vọng sẽ tạo dựng được một Dàn nhạc dân tộc mang tầm cỡ Đông Nam Á.

Nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý chia sẻ, âm nhạc dân tộc của Việt Nam và các nước Đông Nam Á có nhiều nét tương đồng khi có nhiều nhạc cụ được làm từ mây, tre, nứa và các bộ cồng chiêng làm từ đồng. Việc tập hợp được các nghệ nhân dân gian chơi những loại nhạc cụ truyền thống Việt Nam là cả quá trình dài, được làm theo lộ trình.

Dàn nhạc các dân tộc bản địa Việt Nam ra mắt khán giả Hà Nội với đêm diễn "Đêm vô thức bản địa".

Trước mắt, những người thực hiện mới quy tụ được nhóm khoảng 50 nghệ nhân, nhạc công, nhạc sĩ đến từ các vùng, miền trên cả nước để thành lập Dàn nhạc dân tộc bản địa Việt Nam. Trong năm tới, các nghệ sĩ sẽ đến các quốc gia Đông Nam Á để tiếp tục vận động, quy tụ những nghệ nhân, nghệ sĩ các quốc gia này cùng tham gia ban nhạc.

Theo nghệ sĩ Nhất Lý, để tập hợp được các nghệ nhân còn lưu luyến với âm nhạc truyền thống tại cộng đồng dân tộc ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, dân tộc Chăm, những người thực hiện phải mất nhiều tháng để vận động, kêu gọi và tập hợp.

Chia sẻ về những khó khăn, nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, ekip thực hiện gặp nhiều khó khăn trong việc vận động các nghệ nhân tham gia. Bởi lẽ, nhiều nghệ nhân đã cao tuổi, ngại di chuyển ra khỏi nơi mình sinh sống để biểu diễn ở những địa phương khác. Nhiều người là phụ nữ, để thuyết phục được họ tham gia còn phải thuyết phục cả dòng tộc, gia đình. Sau nhiều tháng kiên trì, vận động, thuyết phục, nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã được tập hợp để có được hình hài ban đầu của Dàn nhạc các dân tộc bản địa Việt Nam.

Được biết, từ tháng 3, ekip thực hiện đã cho ra mắt 3 chương trình: “Đêm vô thức Tây Bắc”, “Đêm vô thức Tây Nguyên” và “Đêm vô thức Chăm”.

Ngày 12/12 tới, nhóm nghiên cứu tập hợp 50 nghệ nhân có buổi biểu diễn tại Hà Nội để ra mắt Dàn nhạc các dân tộc bản địa Việt Nam. Đêm trình diễn có tên “Đêm vô thức bản địa”, tập hợp những phần biểu diễn hay nhất của 3 buổi diễn trước đó.

Theo Dân trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến