50% thị trường nước giải khát Việt Nam thuộc doanh nghiệp nước ngoài
27/01/2015 09:17:16
ANTT.VN – Trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp nước giải khát ở Việt Nam hiện nay, theo Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát các doanh nghiệp cần nắm bắt được tâm lí người tiêu dùng và cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Tin liên quan

“Kinh tế xã hội nước ta năm 2014 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm sau suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên ngành nước giải khát lại có những bước phát triển to lớn qua các năm. Theo đó, thị trường nước giải khát không cồn ở Việt Nam tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2011-2014 là 13.1% và  dự báo tăng trưởng giai đoạn 2015 -2019 là 20%.

Điều này cho thấy cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp đang tham gia trong ngành và các doanh nghiệp gia nhập ngành. Song song đó cũng tồn tại những thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, và các vấn đề thấu hiểu xu hướng, đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng Việt”.

Đó là những lời chia sẻ của ông Trần Quý Thanh -  Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015 của Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam.

Tran-Quý-Thanh

Ông Trần Quý Thanh - Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát

Theo ông, các doanh nghiệp tham gia ngành NGK Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trước cơ chế thị trường hiện nay.

Cuộc chiến khốc liệt

Về tiêu dùng, trong năm 2014, dung lượng thị trường ngành NGK tại Việt Nam là 77,500 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2013. Các ngành hàng đóng góp lớn vào thị trường là Trà xanh đóng chai, Trà thảo mộc, Nước tăng lực. Dự báo tăng trưởng kép hàng năm CAGR giai đoạn 2015 – 2019 cho 3 ngành hàng này tương ứng là 17.8%, 27.6%, và 24.7%. Một số ngành hàng khác cũng được dự báo sẽ tăng trưởng tiêu dùng cao trong giai đoạn này  là nước giải khát có gas CSD (11.8%), nước uống thể thao (28.2%) và ngành sữa nước (23%).

Điểm nổi bật trong hành vi tiêu dùng của người Việt Nam chính là xu hướng sử dụng các loại sản phẩm không chỉ để thỏa mãn nhu cầu giải khát thông thường mà còn quan tâm đến lợi ích sức khỏe mà sản phẩm mang lại. Điều đó được minh chứng qua xu hướng tiêu dùng các sản phẩm trà. Trà thảo mộc tăng trưởng liên tục qua các năm.

Về cạnh tranh, ngành nước giải khát đang có sự cạnh tranh hết sức gay gắt. Có thể thấy, gần 50% thị trường năm 2014 thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Nổi bật là Pepsi Coca Cola và URC. Các doanh nghiệp Việt Nam có vị trí lớn trong ngành là Tân Hiệp Phát và Vinamilk. Trong đó, thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng sụt giảm qua các năm sau những giai đoạn phát triển thị phần ấn tượng. Điều này cho thấy vấn đề cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài là không dễ dàng, đồng thời cũng là tín hiệu cho thấy rào cản gia nhập ngành rất cao.

Trong vấn đề cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế cũng xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, không tuân thủ triệt để pháp luật Việt Nam. Điển hình là vấn đề chuyển giá, tránh thuế được thực hiện một cách tinh vi và trong suốt một thời gian dài của một số doanh nghiệp nước giải khát lớn.

Đứng trước sức ép cạnh tranh, một số doanh nghiệp Việt Nam từng nổi trội trong thị trường cũng đã bị thu hẹp thị phần. Một số doanh nghiệp đã bị doanh nghiệp nước ngoài thôn tính và thương hiệu bị biến mất hoàn toàn sau khi mua lại.

Không chỉ cạnh tranh về sản phẩm, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực cũng là một điều “đau đầu” của các doanh nghiệp Việt. Các tập đoàn nước ngoài có ưu thế thương hiệu tập đoàn lâu năm và có thương hiệu nhân sự tốt. Do vậy, dù các nhân sự cao cấp được trả lương tương đương, thậm chí cao hơn mức chi trả của các doanh nghiệp nước ngoài, song vẫn không thể giữ chân được các nhân sự chủ chốt và cấp cao này.

Về chính sách, các chính sách ưu đãi doanh nghiệp nước giải khát Việt Nam hiện chưa rõ ràng và chưa mang lại ảnh hưởng tích cực đến doanh nghiệp Việt. Trong khi đó, nếu xét về tình hình các doanh nghiệp thực hiện chuyển giá, gây thất thoát nguồn thu cho Nhà nước thì biện pháp chế tài chưa cân bằng với những hậu quả mà hành động đó gây ra ra cho Nhà nước.

Nắm bắt tâm lí người tiêu dùng

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong và có vị thế nhất định trên thị trường nước giải khát  Việt Nam, hàng ngày đang phải đối mặt với tất cả những áp lực và thực trạng như trên, Chủ tịch Tân Hiệp Phát  đã chia sẻ một số giải pháp như sau:

Ông cho rằng, gốc rễ của sự thành công trong kinh doanh chính là am hiểu người tiêu dùng. Trong ngành nước giải khát, nắm bắt thị hiếu và xu hướng tiêu dùng sẽ mở ra một cơ hội kinh doanh và chiến thắng trên thương trường. Có thể thấy, bắt nguồn từ sự tự nghiên cứu người tiêu dùng, sản phẩm trà thảo mộc Dr.Thanh ra đời đã tạo được tiếng vang lớn trong thị trường, là người đi tiên phong, khai phá ngành trà thảo mộc.

Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến vấn đề ngon, đã khát, mà còn là vấn đề về sức khỏe. Do đó, các doanh nghiệp khi lên chiến lược kinh doanh cần đặt vai trò sức khỏe lên vị trí quan trọng. Xu hướng tiêu dùng này bắt nguồn từ các hoạt động tuyên truyền giáo dục trong các phương tiện thông tin đại chúng. Cụm từ “thực phẩm chức năng” không chỉ là một khái niệm có từ thuốc uống hoặc thực phẩm mà đang rất phổ biến trong ngành nước giải khát.

Hơn nữa, đứng trước vấn đề cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải sáng tạo, thông minh và khác biệt trong chiến lược của mình. Cần phải nghĩ đến cách để tạo ra các “đại dương xanh” cho doanh nghiệp bằng cách tạo ra sản phẩm mới, tiên phong và thỏa mãn người tiêu dùng.

Doanh nghiệp mạnh cần phải được trang bị cơ sở hạ tầng tốt, có quy trình chặt chẽ và ngày càng tin học hóa để tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cạnh tranh không chỉ là trên điểm bán, nhà phân phối, thị trường, mà còn là cạnh tranh về nhân sự. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải xây dựng được “thương hiệu nhân sự” nhằm thu hút nhân tài, phục vụ nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Về phía Chính phủ, ông mong muốn tăng cường các hoạt động giáo dục người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt Nam thông qua các chương trình Người Việt  Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; cần có các chính sách chế tài mạnh cho các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh từ một số các doanh nghiệp tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, ông cũng bày tỏ: Nhà nước cần có những chương trình ưu đãi cần thiết cho doanh nghiệp VIệt Nam để giữ gìn  những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam trên thương trường; ưu tiên dùng nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp Việt Nam trong các chương trình xã hội hóa có sử dụng Ngân sách Nhà nước.

Hoàng Hà
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến