600 doanh nghiệp nợ thuế hàng đầu Việt Nam
22/07/2015 08:08:39
ANTT.VN – Đứng đầu danh sách doanh nghiệp nợ thuế lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng mà Bộ Tài chính mới công bố hôm qua (21/07) là công ty CP Sông Đà – Thăng Long nợ 375 tỷ đồng, Tổng công ty công nghiệp Tàu thủy 133 tỷ đồng, Công ty CP Viglacera nợ 88 tỷ và hàng loạt ông lớn khác…

Tin liên quan

Ngày 21/07, Bộ Tài chính cho biết đã ban hành Công văn số 9901/BTC-TCT gửi Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc công bố thông tin và tổ chức cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Theo đó, trên cơ sở các quy định của  Luật Quản lý Thuế, trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Thuế về việc tổng hợp danh sách các doanh nghiệp nợ thuế lớn đến thời điểm 30/6/2015, Bộ Tài chính đã công bố danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế thuộc 63 Cục Thuế địa phương.

Trong danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế, Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương có số doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhất. Theo Cục thuế TPHCM và Hà Nội, tại mỗi địa phương này có 200 doanh nghiệp nợ thuế với số tiền thuế nợ lần lượt là 3.517 tỷ đồng và 4.672 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, một số doanh nghiệp nợ thuế “khủng” có thể kể tới như: CTCP Sông Đà - Thăng Long (nợ 375 tỷ đồng); Tổng công ty công nghiệp Tàu thuỷ (133 tỷ đồng0; Công ty TNHH Xây dựng Dân dụng và công nghiệp Delta (100 tỷ đồng); CTCP Viglacera (88 tỷ đồng); Tập đoàn Bitexco (22 tỷ đồng); Lilama Hà Nội (22 tỷ đồng); Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (18 tỷ đồng)… Trong đó nhiều công ty con thuộc họ Sông Đà, Cienco, Cavico.

Công ty CP Viglacera nằm trong danh sách doanh nghiệp "chây ì" thuế khủng

Tại TPHCM, các “ông lớn” nằm trong danh sách đen của cơ quan thuế bao gồm: Bất động sản Tiến Phước (57 tỷ đồng); Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (50 tỷ đồng); Địa ốc Hồng Quang (38 tỷ đồng); Địa ốc Hoàng Quân (8 tỷ đồng); Thế giới Di động (12 tỷ đồng); Nguyễn Kim (84 tỷ đồng); Vạn Thịnh Phát (17 tỷ đồng)…

Việc tổng hợp danh sách các doanh nghiệp nợ thuế lớn đến thời điểm 30/6/2015 theo các tiêu chí như sau: Là những người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn nhất trên địa bàn; Là các đối tượng có các khoản tiền thuế nợ đã quá 121 ngày, cơ quan Thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, chậm nộp nhưng vẫn chưa thực hiện.

Công văn cũng nêu rõ, để bảo đảm công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thực hiện đúng quy định của pháp luật, Bộ Tài chính yêu cầu các Cục Thuế địa phương căn cứ vào Bảng Tổng hợp danh sách người nộp thuế có số tiền nợ lớn đến ngày 30-6-2015 theo địa bàn quản lý của từng Cục Thuế để thực hiện công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời căn cứ tình hình thực tế ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp: trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại ngân hàng thương mại; yêu cầu phong tỏa tài khoản hoặc biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng theo đúng quy định tại Điều 97 hoặc Điều 98a của Luật quản lý thuế để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.

Báo cáo trước đó, Tổng cục Thuế cho biết, nợ thuế tăng cao do kinh tế Việt Nam và thế giới khó khăn nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không có nguồn để nộp thuế; nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, bỏ trốn, không có khả năng thanh toán nợ thuế;

Trong khi đó, tình trạng chuyển đổi chủ sở hữu của các doanh nghiệp nợ thuế và bỏ trốn ngày càng gia tăng; một số doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, làm ăn thua lỗ dẫn đến mất khả năng chi trả; Tình trạng chiếm dụng vốn giữa các doanh nghiệp, nợ xấu của ngân hàng cũng gây khó khăn cho công tác quản lý thu nợ thuế;

Bên cạnh đó, một số đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do thắt chặt chi tiêu công, thị trường trầm lắng, tỷ lệ giao dịch thấp, không có nguồn để thanh toán các khoản nợ thuế.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến