77 dự án thế chấp ngân hàng: “Quan trọng là nợ nhiều hay ít và tiến độ dự án”
27/07/2016 07:57:27
ANTT.VN – Theo đánh giá của chuyên gia bất động sản, việc Sở TN&MT Tp.HCM công bố danh sách 77 dự án thế chấp quyền sử dụng đất là điều nên làm và cần thiết đối với khách hàng, quan trọng hơn cả là khách hàng cần biết số tiền doanh nghiệp nợ là bao nhiêu và tiến độ dự án như thế nào?

Tin liên quan

Vừa mới đây, Sở TN&MT Tp.HCM đã công bố danh sách các dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố do chủ đầu tư đang đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai và các cá nhân, tổ chức mua nhà trong dự án đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại Văn phòng đăng ký đất đai thành phố.

Điều này khiến cho khách hàng mua nhà không khỏi hoang mang trong khi gần đây một vài dự án bất động sản bị “tố” thế chấp ngân hàng.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Trao đổi với PV ANTT.VN, chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đực – Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho rằng, đây là thông tin cần thiết và hữu ích cung cấp đến khách hàng, bên cạnh đó cơ quan nhà nước cũng nên công bố thêm thông tin về tình hình dự án nợ bao nhiêu và chủ đầu tư cũng phải thông tin cho khách hàng về tiến độ dự án như thế nào.

Ông Đực cho hay, có thể nói hầu hết các doanh nghiệp, dự án đều vay ngân hàng không ít thì nhiều. Nếu DN vay số tiền ít, tiến độ dự án tốt đẹp là điều bình thường không đáng lo ngại.

Trường hợp DN vay mà công trình dang dở, đang thi công không bán được hàng, thu tiền nhiều của khách hàng nhưng không giao nhà, nợ ngân hàng nhiều hoặc giao nhà rồi nhưng còn thiếu ngân hàng vài trăm tỷ là điều đáng lo ngại.

“Chuyện nợ ngân hàng không phải chuyện quan trọng mà số nợ là bao nhiêu, tình hình dự án triển khai thế nào, tiến độ dự án ra sao mới là điều quan trọng” – Ông Đực nói.

Đứng ở góc độ nhà nước nên công bố những doanh nghiệp nợ ngân hàng, đứng ở góc độ doanh nghiệp cũng phải công bố tiến độ thi công, tình hình dự án trên website, thông cáo của mình cho khách hàng yên tâm.

Điều này sẽ là cơ sở để khách hàng đủ khôn ngoan, tỉnh táo đánh giá tình hình tiến độ, nếu yên tâm thì sẽ tiếp tục đầu tư còn ngược lại dự án theo chiều hướng xấu thì sẽ có những phản ứng tới chủ đầu tư.

Là một trong những dự án nằm trong danh sách mà Sở TN&MT Tp.HCM công bố, công ty CP Đầu tư Địa ốc Nova, qua tìm hiểu thực tế thì chúng tôi được biết công ty thế chấp phần còn lại của dự án và khoảng 20 căn Sunrise City South là do chính chủ đầu tư sở hữu chứ không phải thế chấp 152 căn hộ + 4 khu TTTM tầng trệt, tầng 1,2,3 như thông báo. Với doanh nghiệp uy tín trên thị trường như Công ty địa ốc Nova thì khách hàng có thể hoàn toàn an tâm về tiến độ bàn giao dự án vì điều này đã được minh chứng qua 7 dự án với hơn 6.000 căn hộ đã bàn giao cho khách hàng của họ.

Để tránh gây hoang mang cho khách hàng mua nhà, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cũng đã có công văn gửi lãnh đạo thành phố, các sở ngành liên quan và Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP.HCM.

HoREA cho biết, Tp.HCM có 584 dự án bất động sản đang triển khai thực hiện nhưng chỉ có 77 dự án đang thế chấp, chiếm 13,2% như vậy là phần lớn dự án không thế châp ngân hàng.

Việc Sở TN&MT công khai 77 dự án thế chấp là những thông tin cần thiết cho người tiêu dùng và các chủ thể liên quan, góp phần xây dựng thị trường bất động sản ngày càng minh bạch.

Tuy nhiên việc này khiến một bộ phận người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng nhất là có người hiểu lầm là dự án thế chấp đồng nhất với chủ đầu tư kém năng lực.

HoREA cũng khẳng định, trong quá trình sản xuất, kinh doanh việc doanh nghiệp thế chấp tài sản để vay vốn làm ăn là hoạt động bình thường và trong kinh doanh bất động sản cũng vậy việc thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn tín dụng ngân hàng phát triển, hoàn thành dự án sau đó giải chấp là cũng là điều bình thường.

Theo HoREA, đa số chủ đầu tư sử  dụng vốn huy động đúng mục đích, cũng có cá biệt chủ đầu tư sử dụng vốn sai mục đích, đầu tư dàn trải, thậm chí tiêu dùng cá nhân dẫn đến không hoàn thành dự án, không bàn giao được nhà cho người mua, mất thanh khoản, gây nợ xấu gây thiệt hại và đánh mất lòng tin của khách hàng.

Còn với đa số ngân hàng thế chấp đều thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quản lý chặt chẽ, nhưng cũng có chi nhánh ngân hàng buông lỏng quản lý, thậm chí dễ dãi, dẫn đến chủ đầu tư sử dụng vốn vay sai mục đích. Nên các ngân hàng thương mại cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm và có biện pháp giám sát việc chủ đầu tư sử dụng vốn vay tín dụng đúng mục đích, giám sát chặt chẽ tài sản thế chấp hình thành trong tương lai để bảo đảm thu hồi vốn vay.

Chính vì thế, HoREA đề nghị Sở TN&MT khi công bố các dự án bất động sản nhà ở đang thế chấp cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp vay vốn của chủ đầu tư như: để phát triển dự án; hoặc để xây dựng công trình, nhà ở trong dự án; hoặc để thực hiện bảo lãnh ngân hàng... để giúp cho người tiêu dùng nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua nhà.

Đồng thời, hiệp hội này cũng đề nghị ngân hàng nhận thế chấp có cơ chế giám sát bên thế chấp sử dụng nguồn vốn vay tín dụng và vốn huy động của khách hàng đúng mục đích nhằm hoàn thành dự án, nhà ở để bàn giao cho khách hàng, thực hiện giải chấp để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng đúng quy định.

Thiên Di

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến