Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh vẫn còn thấp, trong khi chi phí vay cao khiến nhiều đơn vị chưa mặn mà lắm với tín dụng ngân hàng.
Theo báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014, mới được Tổng cục Thống kê công bố, đến hết tháng 3/2014, có tới 50,5% số doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết không vay vốn để sản xuất kinh doanh, chủ yếu do không có nhu cầu, thủ tục phức tạp, không đủ tài sản thế chấp, lãi suất cao và doanh nghiệp có thể huy động từ nguồn vốn khác...
Hơn 50% doanh nghiệp không muốn vay ngân hàng vì chưa có ý định mở rộng kinh doanh, cộng với chi phí đi vay cao. Ảnh: Anh Quân
Đối với các doanh nghiệp vẫn đang dựa vào vốn vay, nguồn lớn nhất đến từ các ngân hàng thương mại Nhà nước (chiếm 63,6%), tiếp đến là khối cổ phần, vay từ cá nhân, bạn bè, người thân và thấp nhất là từ các ngân hàng nước ngoài, phát hành trái phiếu...
Nhu cầu vốn tín dụng dè dặt, song đa số doanh nghiệp vẫn cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2014 tốt hơn năm 2013. Cụ thể, có tới 75% doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận năm nay cao hơn năm ngoái với niềm tin mạnh nhất ở khối doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi 81% cho rằng lợi nhuận tăng. Số doanh nghiệp dự kiến tăng quy mô vốn cũng chiếm tới 33%, cao hơn mức 31% của năm ngoái.
Xu hướng cắt giảm lao động giảm xuống khi chỉ có 10% số doanh nghiệp dự kiến sa thải nhân công, giảm so với mức 25% của năm ngoái. Doanh nghiệp FDI có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến tăng quy mô lao động cao nhất với 57%, tiếp đến là các doanh nghiệp Nhà nước (43%) và thấp nhất là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Khu vực công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến tuyển thêm lao động năm 2014 cao nhất với 47%, sau đó là dịch vụ, nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Tổng cục Thống kê nhận định dù còn nhiều khó khăn nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều lạc quan hơn về triển vọng phục hồi và phát triển trong năm 2014, chứng tỏ môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, kinh tế vĩ mô dần ổn định, thị trường trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi theo hướng dần giảm bớt khó khăn.
Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô về lao động, vốn năm vẫn còn thấp (khoảng 30%) cho thấy dù triển vọng phát triển có sáng hơn, nhưng các doanh nghiệp vẫn rất thận trọng để tránh rủi ro.
Cũng theo khảo sát, tính đến tháng 3/2014, số doanh nghiệp thực tế còn hoạt động chiếm 94%, cao hơn mức xấp xỉ 92% cùng thời điểm năm 2012. Trong tổng số 433 doanh nghiệp ngừng hoạt động thuộc mẫu điều tra, có đến 59% doanh nghiệp ngừng hoạt động do không tìm được thị trường đầu ra.
Cuộc điều tra của Tổng cục Thống kê diễn ra từ ngày 1/3 đến 30/4/2014. Đối tượng điều tra bao gồm 8.100 doanh nghiệp, số doanh nghiệp trả lời đạt 7.675, chiếm 95%.
Phương Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy