Dòng sự kiện:
ADB, IMF: Chính sách thuế của Việt Nam chưa phù hợp
05/12/2015 10:46:07
ANTT.VN – Nhiều tổ chức tài chính quốc tế nhận xét rằng những chính sách miễn, giảm thuế đang góp phần vào tình trạng thâm hụt Ngân sách ngày càng đáng lo ngại của Việt Nam.

Tin liên quan

Sáng nay (05/12) tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Đối tác Phát triển VIệt Nam 2015 (VPDF) với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành Chính phủ cùng giới chuyên gia, quan sát viên quốc tế.

Diễn đàn tập trung phân tích, giải quyết các vấn đề quan trọng mang tính “quyết định” đối với nền kinh tế VIệt Nam trong kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm tiếp theo, trong đó có vấn đề cải thiện cân đối Ngân sách trong thời gian tới

Về phần mình, Cơ quan đại diện thường trú Ngân hàng Phát triển chau Á (ADB) tại Việt Nam (VRM) nhận định Chính phủ đang đối mặt với thách thức không hề nhỏ là gánh nặng nợ công ngày càng tăng. Nợ công tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Nợ công và các khoản nợ do Nhà nước đảm bảo đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2000, ở khoảng 60% GDP trong năm 2015, cao hơn mức trung bình trong khu vực và giữa các nền kinh tế có thu nhập thấp.

“Nợ công nhanh chóng trong thời gian qua là kết quả của một nền tài chính lỏng lẻo, phản ánh thâm hụt Ngân sách lớn”, VRM cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới Victoria Kwakwa tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2015. Ảnh: CP

Tăng nợ công kéo theo chi thường xuyên cao hơn trong khi cơ cấu chi đầu tư vẫn “dậm chân tại chỗ” tính theo GDP. Các nguồn vay ưu đãi từ nước ngoài vẫn chiếm một tỉ trọng lớn trong danh mục nợ, trong khi đó các khoản nợ trong nước, đặc biệt thông qua phát hành trái phiếu, lại là nguyên nhân tăng chủ yếu.

ADB cho rằng việc phát triển thị trường trái phiếu trong nước là “con dao hai lưỡi”. Mặc dù sẽ cung cấp thêm nguồn tài chính cho Chính phủ, tuy nhiên ở mặt ngược lại nó cũng rất nguy hiểm đối với nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh phần lớn trái phiếu phát hành nội địa trong thời gian qua có kì hạn ngắn hơn 7 năm, do đó sẽ gây áp lực trả nợ rất lớn cho Chính phủ trong thời gian tới.

Thị trường trái phiếu nội tệ tại Việt Nam có khoảng 110 loại trái phiếu Chính phủ đã được phát hành, bao gồm các loại trái phiếu thành phố, trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước với tổng dư nợ khoảng 821 nghìn VNĐ (36,5 tỉ USD) tính tới cuối tháng 9-2015, tăng khoảng 265% so với năm 2008 và tương đương 21% GDP. Trong số này, trái phiếu thành phố cùng trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh ở mức 590 nghìn tỉ VNĐ (15% GDP); trái phiếu công ty là 130 nghìn tỉ, chiếm 3,3% GDP, và trái phiếu ngân hàng khoảng 110 nghìn tỉ, chiếm 2,8% GDP.

Phải tăng thuế để cải thiện Ngân sách

Về phần mình, Quỹ tiền tệ thế giới IMF cho rằng nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh chóng đến mức độ không an toàn. Cơ quan này nhận định đối với một nền kinh tế mới nổi, còn nhiều lỗ hổng như Việt Nam, tỉ lệ nợ công nên ở mức từ 40-45% GDP, tuy nhiên con số thực tế tại thời điểm hiện tại đã lên tới hơn 60%.

“Duy trì quỹ đạo chính sách hiện tại sẽ dẫn đến nợ công cao hơn. Áp lực giảm nợ công sẽ khiến Chính phủ phải thắt chặt chi tiêu, bao gồm cả chi đầu tư, dẫn tới làm giảm tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn”, IMF viết trong báo cáo.

Bên cạnh đó, cơ quan này cảnh báo nguy cơ thâm hụt Ngân sách ngày càng lớn của Việt Nam, theo đó, thâm hụt Ngân sách của Việt Nam trong năm 2014 đã tăng lên 6,5% GDP với số thu thấp, không đủ cân đối chi Ngân sách, bao gồm chi đầu tư và chi thường xuyên.

IMF cho rằng trong khu vực, Việt Nam có năng suất thu thuế khá cao nhưng diện thu đã bị thu hẹp, một phần do miễn và ưu đãi thuế. Đồng thời thuế suất VAT đã giảm một nửa đối với một số dự án bất động sản và tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 20% vào năm 2016 như kế hoạch.

IMF khuyến nghị rằng trong bối cảnh Ngân sách còn khó khăn như hiện nay, Chính phủ cần ưu tiên tăng thu Ngân sách so với tỉ trọng GDP bằng các biện pháp như mở rộng diện nộp thuế thông qua bỏ các chính sách miễn thuế, giảm các ưu đãi thuế, áp thuế tài sản, đưa lương hưu vào diện chịu thuế thu nhập cá nhân.

Cơ quan này tính toán việc bỏ đi kế hoạch giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2016 sẽ làm tăng 1/3 điểm phần trăm số thu theo tỉ trọng GDP. Đồng thời việc yêu cầu các DNNN luôn trả cổ tức về Ngân sách cũng như đẩy mạnh quản lý hành chính sẽ giúp tăng thu Ngân sách đáng kể.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến