Tại BCKT 2020, tài sản thế chấp, cầm cố tại Agribank có giá trị vượt 2 triệu tỷ đồng, riêng tài sản đảm bảo là bất động sản chiếm tới 89%.
Agribank tăng 30% nợ có khả năng mất vốn
Theo báo cáo tài chính (BCTC), kết thúc ngày 31/12/2020, tổng tài sản Agribank ở mức gần 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 8%.
Nợ xấu hơn 21.500 tỷ đồng, tăng 20,6%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn hơn 16.300 tỷ đồng, chiếm 76% nợ xấu, tăng 30%. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,59% lên 1,78%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu duy trì ở 113%.
Tài sản có khác hơn 24.318 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm 2020. Các khoản phải thu 11.080 tỷ đồng, tăng 11%, trong đó khoản tham ô, thiếu tài sản chờ xử lý, phải bồi thường giảm 75% còn 133 tỷ đồng.
Tiền gửi khách hàng hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 10,7%. Phát hành giấy tờ có giá cao hơn 43%, ở mức 40.205 tỷ đồng.
Agribank tăng 30% nợ có khả năng mất vốn
Agribank ghi nhận tổng thu nhập hơn 58.000 tỷ, giảm 2% so với năm 2019. Nguyên nhân là thu nhập từ hoạt động khác giảm 16% xuống 8.107 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ngoại chứng khoán lỗ 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 9 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, thu nhập lãi thuần tăng 2% lên 43.660 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng cao hơn 12% lên 4.587 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 6,2% lên 26.117 tỷ đồng. Lý do là tăng trích lập dự phòng (không bao gồm chi phí dự phòng tín dụng nội và ngoại bảng, dự phòng chứng khoán), tăng từ 65 tỷ đồng lên gần 1.103 tỷ đồng. Theo thuyết minh đây là các khoản dự phòng rủi ro cho tài sản có nội bảng khác của ngân hàng.
Tại thời điểm 31/12/2020, ngân hàng đang dự phòng 1.241 tỷ đồng cho các khoản phải thu khác, gồm hơn 79 tỷ đồng cho các khoản tham ô, xâm tiêu, 297 tỷ đồng cho các khoản đầu tư vào tài sản cho thuê tài chính và 155 tỷ đồng cho các khoản phải thu từ hoạt động đầu tư công ty dịch vụ, liên quan đến dự án đầu tư khách sạn tại 48A, Trần Phú, Nha Trang.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 18.209 tỷ đồng, bên cạnh quỹ của ngân hàng hơn 2.523 tỷ đồng.
Agribank "ôm" nhiều bất động sản thế chấp nhất hiện nay?
Theo báo cáo kiểm toán (BCKT) năm 2020 của các ngân hàng, VietinBank là ngân hàng có nhiều tài sản thế chấp nhất dù dư nợ chỉ đứng thứ 3 (sau Agribank và BIDV). Cụ thể, cuối năm 2020, giá trị các tài sản được cầm cố, thế chấp tại VietinBank được xác định lên tới hơn 2,5 triệu tỷ đồng, đạt 248% so với tổng dư nợ của nhà băng này.
Tài sản cầm cố, thế chấp tại một số ngân hàng cuối năm 2020 (Đơn vị: Nghìn tỷ đồng)
Tuy nhiên, xét riêng tài sản là bất động sản thì Agribank đang là ngân hàng nắm giữ nhiều bất động sản thế chấp nhất.
Cuối năm 2020, tài sản thế chấp, cầm cố tại Agribank có giá trị vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2019. Trong đó, tài sản đảm bảo là bất động sản có giá trị tới 1,84 triệu tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm tại các ngân hàng hiện nay rất đa dạng từ bất động sản, động sản, tiền gửi, vàng, đá quý, giấy tờ có giá, phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị, hàng tồn kho,….Tuy nhiên, tài sản chủ yếu và phổ biến nhất vẫn là bất động sản. Tại 10 ngân hàng (Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank, Sacombank, Techcombank, MB, ACB, HDBank, VPBank), bất động sản đang chiếm tới 70% trong tổng giá trị tài sản bảo đảm.
Tại Agribank và ACB, tài sản đảm bảo là bất động sản chiếm tới 89% và 94%. Hay tỷ trọng này tại VietinBank, Vietcombank, BIDV, Sacombank cũng rất cao, lần lượt là 69%, 66%, 68% và 84%.
Trong khi đó, tỷ trọng tài sản đảm bảo bằng bất động sản lại thấp hơn ở các ngân hàng tư nhân lớn khác. Họ chấp nhận thêm nhiều tài sản đảm bảo bằng giấy tờ có giá, khoản phải thu.
Mạnh tay chi gần 2.000 tỷ đồng cho các hội nghị, lễ tân, khánh tiết
Cũng theo BCTC, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Agribank là 10.382 tỷ đồng, giảm 4,7% so với năm 2019. Tuy nhiên Agribank đã chi tới hơn 4.500 tỷ đồng cho hoạt động quản lý công vụ, trong đó, hơn 1.965 tỷ đồng chi cho các hội nghị, lễ tân, khánh tiết.Cụ thể, năm 2020, Agribank chi 13.610 tỷ đồng cho nhân viên (bao gồm lương, phụ cấp, các khoản chi đóng góp theo lương, chi trợ cấp, đồng phục,…), tăng nhẹ 0,67% so với năm trước. Như vậy, ngân hàng sẽ trích khoảng 3.400 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế của năm 2020 cho quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Trong số hơn 13.600 tỷ đồng chi cho nhân viên trong năm qua, có tới 11.824 tỷ đồng chia trả trực tiếp cho nhân viên thông qua lương và phụ cấp (tăng 1,5%).
Tổng chi phí hoạt động của ngân hàng lên hơn 25 nghìn tỷ đồng trong năm 2020.
Tại ngày 31/12/2020, Agribank có tổng số CBNV lên tới 37.738 người, tăng 233 người so với năm trước.
Ngân hàng chi 5% lợi nhuận sau thuế cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 10% lợi nhuận sau thuế cho quỹ dự phòng tài chính; 25% cho quỹ đầu tư phát triển.
Căn cứ theo quyết định của Hội đồng thành viên và phê duyệt của NHNN, Agribank cũng sẽ trích lợi nhuận sau thuế của năm 2020 cho Quỹ khen thưởng, phúc lợi cho nhân viên với mức chi tối đa 3 tháng lương thực hiện.
Như vậy, thu nhập bình quân mỗi nhân viên Agribank trong cả năm 2020 là 313,324 triệu đồng/năm, tăng khoảng 6.000.000 đồng/người. Thu nhập bình quân mỗi tháng của CBNV ngân hàng này là 26,11 triệu đồng/tháng.
Đáng chú ý, Agribank đã chi tới hơn 4.500 tỷ đồng cho hoạt động quản lý công vụ. Trong đó, hơn 1.965 tỷ đồng chi cho các hội nghị, lễ tân, khánh tiết.
Hơn 626 tỷ đồng được Agribank chi cho vật liệu văn phòng, xăng dầu; hơn 576 tỷ đồng chi cho điện, nước, vệ sinh cơ quan; hơn 717 tỷ đồng chi xuất bản tài liệu, tiếp thị,… Những khoản chi này nâng tổng chi phí hoạt động của ngân hàng lên hơn 25 nghìn tỷ đồng trong năm 2020.
Có thể thu gần 20.000 tỷ đồng nếu thoái vốn tại Agribank?
Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN), Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 5 tháng đầu năm 2021.
Theo đó, về cổ phần hóa, Cục sẽ hoàn thành việc IPO một số doanh nghiệp lớn trong năm 2021 như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Công ty mẹ Tập đoàn VNPT và MobiFone.
Cụ thể, nếu hoàn thành việc phát hành công khai lần đầu (IPO) một số doanh nghiệp lớn trong năm nay như Agribank (dự kiến thu 19.847 tỷ đồng nếu tỷ lệ sở hữu nhà nước giảm còn 65% vốn).
Cục TCDN cũng cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về quỹ là 228 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền dự kiến từ quỹ nộp vào ngân sách nhà nước từ cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021 quyết định là 40.000 tỷ đồng.
Tác giả: Hoàng Nhung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy