Dòng sự kiện:
Ai là người 'đứng sau' doanh nghiệp xin xén đất công viên Cầu Giấy làm bãi đỗ xe?
18/03/2019 18:01:44
Việc một DN tư nhân đề xuất xin xén đất công viên Cầu Giấy làm bãi đỗ xe ngầm kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ gặp phải nhiều sự phản đối của dư luận và người dân cũng hoài nghi về ông chủ đứng sau DN này?

Mới đây, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) đã có đề xuất gửi UBND TP Hà Nội về dự án bãi đỗ xe ngầm trên phần đất hiện hữu thuộc Công viên Cầu Giấy.

Theo đó, doanh nghiệp này xin xén 1,45ha ở phía Đông Bắc của công viên (hiện rộng 10ha) để thực hiện dự án gồm các hạng mục bãi đỗ xe kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ... Dự án có tổng vốn đầu tư 565 tỷ đồng, là vốn tự có và huy động hợp pháp của doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu xây dựng bãi xe ngầm khoảng 14.500m2. Bãi đỗ xe có quy mô 3 tầng hầm, trong đó tầng 2 và 3 làm bãi đỗ cho 820 xe, tổng diện tích khoảng 29.000m2.

Hầm trên cùng, chủ đầu tư dự định dành 12.000 m2 kinh doanh thương mại. Trong đó xây dựng rạp chiếu phim, trung tâm tổ chức sự kiện, khu vui chơi trẻ em, khu tập thể thao gyms, trung tâm thương mại…

Trên mặt công viên, Công ty Tây Hồ dự kiến xây một nhà điều hành, bảo vệ, thông gió, thoát hiểm với mật độ tối đa 5% tại ô đất.

Vị trí xây dựng dự án.

Ngay sau khi được lấy ý kiến về dự án tại phường Dịch Vọng, người dân tại đây đã bày tỏ thái độ phản đối. Hàng trăm người dân đã ký vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng chỉ ra điểm bất hợp lý chủ dự án.

Theo nội dung đơn thư, người dân sinh sống tại tòa nhà NO8B – KĐT mới Dịch Vọng cho rằng, dự án bãi đỗ xe ngầm đã thể hiện những bất cập, làm phá vỡ quy hoạch H2-2, tỉ lệ 1/2000 đã được phê duyệt từ trước.

Nội dung đơn nêu rõ: “Dự án xây bãi đỗ xe là hoàn toàn không cần thiết vì ở phía Đông của công viên cạnh nhà NO9B1 (khoảng cách đến công viên Cầu Giấy là 20m) đã có một nhà để xe nổi 5 tầng; các tòa chung cư xung quanh công viên đều có tầng hầm và diện tích dành cho việc để xe, phía sau tòa nhà NO4B1 là khu đất đã quy hoạch cho việc xây nhà để xe và trung tâm thương mại nhưng đến nay vẫn chưa sử dụng, chỉ làm nhà tạm”.

Cũng theo người dân sinh sống tại đây, dự án xây khu vui chơi, khu nhà hàng, cửa hàng là không cần thiết vì trong phạm vi bán kính 1km quanh công viên có nhiều địa điểm vui chơi trong nhà tại nhiều dự án cao tầng khác. Ngoài ra, người dân cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình trước việc xây dựng khu nhà ăn uống ở ngay trong công viên.

Nếu dự án được triển khai trong thời gian xây dựng, những cây to sẽ phải đào bỏ hoặc di dời, chức năng điều hòa thanh lọc không khí sẽ bị hạn chế, không gian bị thu hẹp, nơi hoạt động chung của người dân đều bị ảnh hưởng. Dự án này sẽ đi ngược với chủ trương của thành phố trong những năm gần đây “Hà Nội hướng tới thành phố Xanh - Sạch - Đẹp”…

Chưa kể, chủ đầu tư mập mờ trong việc lấy ý kiến người dân sống xa công viên, không ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án. Không lấy ý kiến rộng rãi, chỉ lấy ý kiến các ban ngành, đoàn thể, mà bỏ quên ban quản trị tòa nhà. "Do đó, chúng tôi khẩn thiết đề nghị quý đơn vị có ý kiến tới các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của Thành phố cho dừng ngay kế hoạch triển khai dự án bãi đỗ xe và các dịch vụ như đã nêu”, người dân bày tỏ mong muốn.

Được biết, ban đầu Công ty Tây Hồ được UBND TP Hà Nội giao xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại công viên Trung Yên (đang bị bỏ hoang tại phường Yên Hòa). Tuy nhiên, công ty này cho biết địa chất tại đó yếu nên phải xử lý phức tạp, lại có 60 hộ dân phản đối nên chuyển sang xin đất tại Công viên Cầu Giấy.

Việc một doanh nghiệp tư nhân đề xuất “xẻ thịt” đất công viên làm bãi đỗ xe, trung tâm tiệc cưới khiến nhiều người hoài nghi về ông chủ đứng sau.

Theo tìm hiểu, Công ty Tây Hồ được thành lập vào tháng 3/2016 với vốn điều lệ 21 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập: Chu Văn Lý (nắm 78%), Đặng Thị Mai Hương (nắm 12%) và Lê Quang Trưởng (nắm 10%).

Đến tháng 3/2018, Công ty này tăng vốn điều lệ lên 255 tỷ đồng, trong đó ông Chu Văn Lý nắm 75% vốn, bà Đặng Thị Mai Hương nắm 5%, và ông Lê Quang Trưởng nắm 3%. 27% vốn điều lệ còn lại không rõ thuộc cổ đông nào sở hữu.

Cũng trong tháng 3/2018, ông Lý còn thành lập ra Công ty cổ phần đầu tư Tây Hồ Upa, với ngành nghề chính là hoạt động quản lý đường bộ, cầu, đường hầm, bãi đỗ xe ô tô hoặc gara ô tô, bãi đỗ xe đạp, xe máy.

Doanh nhân Chu Văn Lý trước đây được biết đến là Giám đốc Công ty TNHH Khánh Vân (Hà Giang). Công ty này được thành lập từ năm 2000, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng giao thông, cầu đường của tỉnh Hà Giang.

Đến năm 2008, Công ty TNHH Khánh Vân được giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sông Miện 5, với tổng mức đầu tư 455 tỷ đồng. Đây cũng là thời điểm ra đời của Công ty cổ phần Thủy điện Sông Miện 5, do ông Chu Văn Lý làm Chủ tịch HĐQT.

Linh Nhi

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến