Ai là người kế nhiệm bà Mai Kiều Liên tại Vinamilk?
12/05/2015 11:53:26
Sự kiện năm sau chủ tịch kiêm CEO của Vinamilk về hưu cùng với cái bắt tay giữa SCIC với nhóm cổ đông ngoại, nếu thành hiện thực, sẽ mang ý nghĩa quyết định đối với số phận Vinamilk.

Tin liên quan

Ở tuổi 62, bà Mai Kiều Liên dự kiến sẽ về hưu vào năm 2016. Ảnh: Dân trí

Là cổ đông tổ chức góp tới 45,06% vốn tại Vinamilk, tiếng nói của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có tầm ảnh hưởng lớn và tất nhiên muốn lái Vinamilk theo cách mình muốn. Tuy là chuyện nội bộ của Vinamilk, nhưng không ít người ngoài cuộc đều biết rõ cuộc đối đầu giữa SCIC và các cổ đông Vinamilk luôn âm ỉ trong suốt thời gian qua.

Cổ đông bác đề nghị của SCIC

Tại Đại hội cổ đông năm nay của Vinamilk, cổ đông đã phủ quyết toàn bộ đề xuất của SCIC nhưng đều thông qua các nội dung quan trọng khác như kế hoạch doanh thu năm 2015 là 38.424 tỉ đồng (tăng 9,9%); lãi ròng 6.830 tỉ đồng (tăng 12,6%); cổ tức tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế và sẽ phát hành thêm 200 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông.

2/3 nội dung đề xuất của SCIC lần này đều ít nhiều nhắm vào bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk, khi thời điểm nghỉ hưu của bà dự kiến sẽ diễn ra trong năm sau.

Cụ thể, cổ đông đã không thông qua đề xuất thứ nhất của SCIC đối với trường hợp thành viên Hội đồng Quản trị đương nhiệm sẽ mất tư cách thành viên khi người đó không còn được cử làm đại diện của cổ đông tổ chức. Tại sự kiện này, bà Liên cho biết sẽ không tiếp tục đại diện phần vốn nhà nước SCIC đang quản lý gồm 75.146.400 cổ phiếu (7,51%) sau khi nghỉ hưu.

Đề xuất tiếp theo là tờ trình bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị độc lập của SCIC cũng bị cổ đông bác bỏ. Trước đây, Hội đồng Quản trị Vinamilk có 7 thành viên, nhưng ông Hà Văn Thắm đã từ nhiệm từ 11.3.2014 nên SCIC có lý do đề xuất bầu thêm thành viên Hội đồng Quản trị độc lập để thay ông Thắm. Nhưng cổ đông lại cảm thấy bất ổn khi bà Liên sắp về hưu, còn SCIC lại có thêm nhiều động thái chuẩn bị cho thời kỳ sau đó.

Ngay sau khi Đại hội Cổ đông 2015 của Vinamilk kết thúc, Công ty chứng khoán VPBS đã nhận định: “2016 sẽ là năm bà Liên hết nhiệm kỳ, nên có thể sẽ có sự thay đổi về Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc. Chúng tôi đánh giá việc đưa thêm người vào Hội đồng Quản trị lần này sẽ ảnh hưởng lớn tới vị trí người dẫn đầu trong nhiệm kỳ kế tiếp”.

Kịch bản người kế vị 

Một sự thật nhiều người có thể đồng tình là dấu ấn và uy tín của bà Mai Kiều Liên vẫn còn quá lớn tại Vinamilk. Nếu nhà lãnh đạo này nghỉ hưu trong năm sau, di sản bà để lại sẽ là một thách thức không nhỏ cho người kế nhiệm.    

Báo cáo thường niên 2014 của Vinamilk nêu rõ, từ năm 2010-2014, Công ty đạt tăng trưởng bình quân hằng năm về tổng doanh thu là 22% và lợi nhuận trước thuế 16%. Kết thúc năm 2014, Vinamilk đạt tổng doanh thu 35.704 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.068 tỉ đồng và giá trị vốn hóa hơn 95.600 tỉ đồng.

Với thành quả trên, chắc chắn cổ đông không muốn bà Liên nghỉ hưu. Họ càng có nhiều lý do để lo lắng vì nếu là người được bà Liên tiến cử thì cũng phải được SCIC và nhóm cổ đông nước ngoài tại Vinamilk gật đầu.

Nhưng việc gì tới cũng sẽ tới. Các cổ đông chắc chắn phải chấp nhận thực tế là bà Liên năm nay đã 62 tuổi và cũng cần nghỉ ngơi sau gần 4 thập niên cống hiến cho Vinamilk.

Nhận thức được điều này, nhà lãnh đạo cao nhất của Vinamilk đã thẳng thắn nêu quan điểm của mình về việc chuyển giao quyền lực: “Tôi đã kiêm nhiệm chức Chủ tịch và Tổng Giám đốc trong nhiều năm. Năm nay là năm bản lề để Công ty đào tạo thế hệ kế cận”.

Hiện dưới trướng của bà Liên có tới 8 Giám đốc Ðiều hành. Ai sẽ là người được tiến cử trong năm sau vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Vinamilk? Tuy mọi thứ vẫn trong quá trình sàng lọc để lấy ý kiến từ nội bộ Công ty cho tới các cổ đông tổ chức, cá nhân, nhưng chắc chắn bà Liên đã có vài lựa chọn để đưa vào danh sách các ứng viên tiềm năng.

Hãy trở lại câu chuyện của SCIC. Sau khi cổ đông tổ chức này thành công trong việc ngăn chặn phát hành cổ phiếu ESOP tại các kỳ đại hội cổ đông trước đây thì năm nay, các cổ đông lại phủ quyết toàn bộ đề xuất của SCIC. Chắc chắn, SCIC sẽ khó chấp nhận việc này với vị thế là cổ đông tổ chức lớn nhất tại Vinamilk.

Hiện mức cổ tức bằng tiền mà SCIC nhận được từ Vinamilk luôn chiếm tỉ lệ cao trong tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của họ. Trong khi đó, SCIC không hề mất công sức trong việc điều hành, quản lý doanh nghiệp. Quan trọng hơn, vốn nhà nước ở Vinamilk luôn được bảo toàn. Nhưng có lẽ SCIC sẽ chưa dừng lại tại đây.

Một động thái được cho là có liên quan chặt chẽ tới kế hoạch sắp tới của SCIC tại Vinamilk là việc họ đã mời đại diện một số tổ chức nước ngoài đang sở hữu tỉ lệ lớn cổ phiếu Vinamilk ra Hà Nội họp ngay trước khi diễn ra Đại hội cổ đông năm nay chỉ vài tuần. Với tổng tỉ lệ sở hữu 94,06% vốn tại Vinamilk, cái bắt tay giữa SCIC với nhóm cổ đông ngoại, nếu trở thành hiện thực, sẽ mang ý nghĩa quyết định đối với chiến lược phát triển của Vinamilk trong thời gian tới.

Nếu người kế vị bà Liên trong năm sau không phải là người từ Vinamilk đi lên, một kịch bản tiến cử người của SCIC có thể sẽ xảy ra. Khi đó, cuộc chiến giữa SCIC và các cổ đông sẽ càng thêm kịch tính. Trao đổi với bên lề Đại hội cổ đông 2015 của Vinamilk, một cổ đông cá nhân trăn trở: “Nếu là người có tâm và có tầm như bà Liên thì người của Vinamilk hay SCIC đều tốt cả. Chỉ lo không được như vậy thì có thể sẽ dần trở thành thảm họa”.

Theo Nhịp cầu đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến