Dòng sự kiện:
Ấm lòng bữa sáng 1 nghìn đồng trong bệnh viện Nhi đồng 1
15/08/2017 06:13:48
Hình ảnh những bạn trẻ mồ hôi nhễ nhãi, cầm từng phần ăn sáng với giá 1.000 đồng trao tận tay những bệnh nhân và người nhà trong bệnh viện Nhi đồng 1 làm những người qua đường ấm lòng.

Bữa sáng 1 nghìn đồng...

Chúng tôi bắt gặp hình ảnh đó vào tinh mơ một ngày trung tuần tháng 4 tại bệnh viện Nhi Đồng 1, ở 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10 (TP Hồ Chí Minh). Nhóm thanh niên còn khá trẻ, nhễ nhại mồ hôi, tay cầm từng khẩu phần ăn sáng với giá 1 nghìn đồng đưa cho bệnh nhân và người nhà khiến chúng tôi ấm cõi lòng.

6h sáng, các bạn trẻ có mặt trước cổng bệnh viện Nhi đồng 1.

Mỗi khẩu phần ăn sáng chỉ bao gồm một bịch sữa đậu nành, một suất cháo thịt và một chút rau củ nhưng nhìn ánh mắt cả người bán và người mua chan chứa tình người, sự sẻ chia trong gian khó.

Những người vui nhất là người nhà đang có con phải nằm điều trị trong viện. Anh Thành có con bị bệnh về Tai-Mũi-Họng đang điều trị ở đây chia sẻ: “Bữa sáng không có bao nhiêu cô ơi, nhưng mà thấy thương mấy cô chú ghê. Nấu như vầy cho bao nhiêu người ăn đâu phải dễ. Mà ghi trên phiếu 6h30 “bán”, nhưng  6h có mặt rồi. Cảm ơn cô chú nhiều lắm”.

Nhiều hoàn cảnh khó khăn khác trong viện cũng tìm đến với bữa sáng 1 nghìn đồng. Họ đa phần là những người khó khăn thật, nhưng không muốn nhận không của ai thứ gì, nên 1 nghìn đồng là “cái giá” cho sự tôn trọng và tình thương nơi Sài Gòn hoa mỹ.

Được biết, mỗi buổi sáng như vậy nhóm thiện nguyện phát từ 100-150 suất ăn sáng. Những bệnh nhân được cấp phiếu vì một lý do nào đó không xuống nhận được, nhóm tình nguyện cầm trao tận tay.

Những bữa sáng 1 nghìn đồng được trao tận tay người nhà bênh nhân.

Theo chân nhóm thiện nguyện này, chúng tôi tìm về con hẻm nhỏ trên đường Nhật Tảo. Ngay khi trời chợp tối, cả con hẻm tiếng cười nói rôm rả, tiếng dao cắt rau củ, tiếng nước ào ào rửa nguyên liệu… Họ làm việc hăng say.

Được biết, đây là hoạt động thường niên mỗi tháng của nhóm tình nguyện “Gia đình ma sói”. Họ gặp nhau trên những chuyến đi, cùng chung lý tưởng giúp đỡ người khác, họ xem nhau như một gia đình. Có những người ngày mai sáng phải đi gặp khách hàng sớm, có những em sinh viên mai còn phải đi học, nhưng tất cả mọi người đều vui vẻ làm việc. 

…và niềm hạnh phúc được cho đi tấm lòng

Mỗi đợt tình nguyện như vậy, mọi người chia nhau đảmn hiệm một phần công việc. Người nhặt rau, người cắt củ quả, người ngâm đậu nành, người chạy lăng xăng đi mua nguyên liệu, người ra bệnh viện vào từng phòng phát phiếu ăn cho bệnh nhân…


Ngay từ chợp tối, mọi người trong nhóm đã hối hả bắt tay vào việc. 

Đến giữa đêm mọi người thay phiên nhau ngủ lấy sức. Từng nhóm thức canh nồi cháo nóng hổi và nồi đậu nành thơm phức. 5h sáng tất cả đều thức giấc, múc từng thìa cháo cho vào hộp, nâng niu từng bịch sữa để mỗi bữa sáng đến tay mọi người một cách chỉnh chu và trân trọng nhất.

6h sáng, dù ai ai cũng thấm mệt, nhưng ánh mắt họ vẫn ánh lên một niềm đam mê. Khi số suất ăn được phát hết, những bao ni-long, mọi người người cùng dọn sạch ống hút rơi vãi trên vỉa hè trước khi ra về.  

Anh Tùng, một trong những người đầu tiên đưa ra ý tưởng nồi cháo 1 nghìn đồng chia sẻ: “Tôi bắt đầu nấu nồi cháo 1 nghìn đồng này từ lần gặp một bà cụ mù bán vé số. Tôi thường cho bà mấy chục nghìn, nhưng bà không nhận tiền mà còn “dạy” cho tôi một bài học qua câu nói: Tôi mù chứ tôi không có ăn xin”.


Họ hạnh phúc khi được cho đi cả một tấm lòng. 

Từ lần đó, anh Tùng hiểu được rằng, không phải cứ cho đi như vậy là người ta sẽ nhận. Mỗi một người đều có lòng tự trọng, bất kì ai cũng bán sức lao động mới có thể nuôi lấy bản thân, gia đình. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, dù phải nuôi con đau ốm thì ai cũng mong sẽ không phải nhận “sự ban phát” từ người khác. Và “Bữa sáng một nghìn” từ đó được hình thành.

Trông nồi cháo có vẻ đơn giản, nhưng không ít lần nhóm cũng khóc dở mếu dở khi nấu cháo nồi bị thủng, có lần đi chở sữa đậu nành lại bị đổ ra hết quần áo, lần thì lò nấu cháo bị mất. Bao nhiêu khó khăn như vậy nhưng rồi họ vẫn vượt qua...

Và cứ sau mỗi lần phát cháo, nhóm gồi lại với nhau. Những bữa cà phê sáng gặp mặt như vậy ở Sài Gòn là để bàn về những thiếu sót và rút kinh nghiệm cho lần sau. Tất cả chỉ với mục tiêu, làm sao để mang đến cho những người bệnh một món ăn giản đơn nhưng ấm cúng nhất.

Nguyễn Yến - Xuân Tùng

 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến