Ăn theo doanh nghiệp nổi tiếng: Khổ chủ lên tiếng
14/04/2015 11:45:21
ANTT.VN - Nhiều “khổ chủ” đã không thể làm thinh khi có nhiều trang web giả mạo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tin liên quan

Bên trong dây chuyền sản xuất đồ uống của Tân Hiệp Phát tại tỉnh Hà Nam.

Trước khi khởi công dự án 10.000 tỷ đồng tại đường Hồ Tùng Mậu, hàng loạt web bất động sản sản đã “cáo mượn oai hùm” khi tự nhận là chủ đầu tư dự án rao bán căn hộ.

Bà Đinh Ngọc Châu Hương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư – Quảng Cáo – Xây dựng địa ốc Việt Hân (chủ đầu tư dự án) cho biết, doanh nghiệp đã phải gặp nhiều rắc rối từ những tin tức đăng tải trái pháp luật nói trên.

Việc làm của những chủ nhân trang web mạo danh đã gây ra rất nhiều hệ lụy, cơ quan quản lý yêu cầu giải trình, đối tác làm ăn thì nghi ngại, chất vấn đủ điều.

Trước những hành vi đó, bà Hương cho biết, công ty đã làm văn bản gửi cơ quan chức năng, đồng thời gửi cơ quan báo chí yêu cầu gỡ bỏ tất cả những thông tin sai sự thật đăng tải về dự án này.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, bà Trần Uyên Phương cũng đang phải đối mặt với những thông tin ngoài lề từ các trang web giả mạo doanh nghiệp của ngành kinh doanh đồ uống.

Theo bà Phương, mặc dù Tân Hiệp Phát đã công bố hai website chính thức của tập đoàn, nhưng hiện nay vẫn xuất hiện nhan nhản các địa chỉ web lấy tên doanh nghiệp của doanh nghiệp. “Những trang web này được thiết kế với logo, slogan, biểu thượng không khác gì của nhà sản xuất. Chưa dừng lại ở đó, các thông tin sai sự thật, hoặc chỉ đúng một phần được cập nhật liên tục gây ra sự hiểu lầm của người tiêu dùng”, bà Phương cho biết.

Theo bà Phương, hình ảnh thương hiệu được doanh nghiệp chăm lo, gây dựng từ những ngày ban đầu. Nhưng các thông tin sai sự thật, hoặc mạo danh lãnh đạo công ty để phát tán trên cộng đồng mạng đã tác động trực tiếp đến uy tín, tình hình sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động trong tập đoàn.

Đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, lợi dụng những thời điểm công ty đối mặt với khó khăn, nhiều trang web đòi tẩy chay sản phẩm đã ra đời và đưa thông tin sai sự thật. Thậm chí, các trang tẩy chay này đã đưa nhiều thông tin, hình ảnh mang tính bôi nhọ, quy kết.

Trong khi đó, sau khi các trang đòi tẩy chay sản phẩm xuất hiện, tiếp tục lại có những trang web lấy tên Tân Hiệp Phát, ban đầu đưa thông tin “giả” kiểu phát ngôn chính thống của nhà sản xuất, nhưng sau đó lại kèm nhiều hình ảnh, câu nói bịa đặt để làm chiêu trò, gây ra sự hoang mang đến với khách hàng của nhà sản xuất.

“Thiệt hại hữu hình thì có thể thống kê được, nhưng thiệt hại về mặt hình ảnh, thương hiệu, những thiệt hại mang tính vô hình đó là điều không ai đong đếm được. Thậm chí, khi các thông tin được đăng tải trên các trang mạng giả mạo, có thể dẫn đến việc anh em trong câu ty công nghi ngờ nhau, đặt câu hỏi ai làm việc đó?!”, bà Phương cho biết. Theo bà Phương, hiện nay đại diện công ty cũng đang làm văn bản gửi cơ quan chức năng, thậm chí làm thủ tục khởi kiện các cá nhân cố tình gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp qua việc lập web giả mạo.

Ở góc nhìn chuyên gia, ThS Nguyễn Cao Cường, Phó  giám đốc Trung tâm nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), nhận định rằng các web này được lập ra nhiều khi chỉ hướng tới mục tiêu “tấn công các doanh nghiệp”. “ Ngoài những trường hợp tấn công nghiêm trọng như đã từng xảy ra với vietnamnet hay VCCorp, thì chúng ta cũng thấy có nhiều dạng vi phạm như lập web giả hiệu. Thậm chí khi quan sát trên mạng, tôi còn nhận thấy, có những website được lập nên với mục đích tấn công các doanh nghiệp, các nhân ở trong nước. Nhưng máy chủ thì hoàn toàn đặt ở nước ngoài, khiến cho việc điều tra làm rõ rất khó khăn đối với các cơ quan chức năng”, ông Cường cho hay.

Theo ông Cường, điều này chỉ cho thấy mức độ vi phạm pháp luật trên môi trường mạng thông tin toàn cầu đang ngày càng trở nên phức tạp nên việc an ninh thông tin trên mạng internet đã đến lúc cần được kiểm soát tốt hơn để bảo vệ người dùng và các tổ chức, doanh nghiệp. “Hiện nay tôi được biết, Quốc hội cũng đang tích cực để chuẩn bị một dự thảo luật An ninh thông tin. Đây là thời điểm thích hợp để sớm hoàn chỉnh dự luật và đưa vào cuộc sống”, ông Cường nhận xét.

Nhiều chuyên gia truyền thông cho rằng, trong bối cảnh “trăm người bán, vạn người mua” như hiện nay, thì không thể loại trừ các chiêu trò kinh doanh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp hoặc ngành hàng với nhau. Theo đó, cơ quan quản lý cần vào cuộc, làm rõ các dấu hiệu vi phạm nhằm xử lý triệt để kiểu “hạ bệ” nhau một cách trái pháp luật đang tràn ngập trên mạng điện tử hiện nay…

Thiên Di - Chí Tuyên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến