Dòng sự kiện:
“Án tử” oan uổng của cây xanh
23/03/2015 19:35:07
ANTT.VN – Chiều 23/3, buổi tạo đàm “Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” đã được tổ chức, GS.TS.Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh: “có phải quy hoạch là cứ phải chặt cây xanh? Ở đây cần có sự thanh tra”.

Tin liên quan

Trao đổi tại tọa đàm “Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên và Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng phối hợp tổ chức, GS.TS.Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam bày tỏ quan điểm, cần phải thanh tra lại quy hoạch cây xanh Thủ đô, ông cho rằng, “ Việc thanh tra không phải của Thủ đô, và cây xanh cũng không phải của riêng Thủ đô, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đều nói đến việc chặt cây ở Hà Nội, vì thế việc thanh tra cần phải do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoặc ủy quyền cho ai thanh tra phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.

Tham dự buổi tọa đàm có nhiều chuyên gia (từ phải qua trái) như TS.Phạm Sĩ Liêm, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, TS.Nguyễn Tiến Hiệp 

Theo GS.TS.Nguyễn Lân Dũng, việc lý giải của đại diện UBND Tp.Hà Nội rằng việc chặt cây là do sự nôn nóng của nhà tài trợ và  thông tin thiếu minh bạch của các đơn vị triển khai khiến dư luận chưa đồng thuận là hoàn toàn không thỏa đáng, bên cạnh đó GS.Dũng cũng nhận định hành động chặt hạ, thay thế cây xanh tại Hà Nội còn vi phạm nhiều quy định, trong đó có cả Luật Thủ đô.

Ông Dũng dẫn chứng, theo điều 14 Luật Thủ đô xác định, nghiêm cấm chặt phá rừng, cây xanh và Điều 10 quy định, để lập quy hoạch thiết kế đô thị của 4 quận quan trọng trong nội thành phải trình Thủ tướng xem xét quyết định. Bên cạnh đó việc chặt cây còn vi phạm Nghị định 64 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có ghi trách nhiệm của người dân đối với cây trước cửa nhà của mình.

“Việc đổ tội cho những cây xà cừ rễ nông và chặt chúng đi thì thật oan uổng, trong trận bão lớn nhất, ở Thủ đô chúng ta chỉ có hai cây xà cử bị đổ” – ông Dũng nói.

Cuối cùng ông Dũng một lần nữa nhấn mạnh: “ Đã đến lúc việc thanh tra là do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.

Còn GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Con người, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Đô thị công nghiệp bày tỏ bức xúc, ông cho rằng để có được những cây xanh như hiện nay cần đến 70 – 80 năm thậm chí còn nhiều hơn thế vậy mà bây giờ chặt đi quả thực đáng buồn.

Theo ông Đăng sai lầm xuất phát từ việc chỉ đạo xây dựng đề án, từ việc duyệt đề án chứ không phải từ khâu thực hiện đề án, ngay từ việc chỉ đạo, việc duyệt đề án đã hoàn toàn không có cơ sở khoa học và thực tiễn, ông đặt ra câu hỏi, vì sao phải chặt 6.700 cây xanh? Việc làm này là phạm pháp và phản khoa học.

GS.TS.Nguyễn Lân Dũng

Ông Đăng cho rằng “việc Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ra quyết định dừng chặt cây và thay thế cây là chưa đủ chưa tương xứng với sai lầm đã đưa ra, mà nếu dũng cảm thì lãnh đạo Tp.Hà Nội cần phải xin lỗi người dân đã làm một việc phản khoa học, phản lòng dân, không những vậy còn phải biết sửa chữa sai lầm và lên kế hoạch giải quyết ngay”.

TS.Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nêu quan điểm, cây xanh không chỉ là cây xanh, mà còn góp phần giữ sự đa dạng sinh học đô thị. Đồng thời, cây xanh còn có tác dụng tinh thần, con người và cây lớn lên cùng nhau và trở thành bạn bè của nhau, bây giờ 40 – 50 tuổi rồi, anh chặt cái cây không khác gì giết một người bạn. 

Bên cạnh đó, TS.Liêm còn cho biết, cây xanh còn có tác dụng giáo dục, nó làm cho con người gần gũi với sự sống, nếu chỉ có con người với con người thì quả thật nhàm chán. Không những vậy cây xanh còn là bản sắc của đô thị.

Theo TS.Liêm, về quản lý đô thị - có những yếu quyết rất đơn giản đó là yếu quyết 3 chữ i - chữ i thứ nhất là thông tin, thứ hai là khuyến khích mọi người làm theo ý mình muốn và đến cái thứ ba mới là đến khâu cấm đoán, người ta làm cái gì mình không ưng ý thì cái cấm đoán là cái cuối cùng, muốn cấm đoán thì phải tạo điều kiện đã rồi mới cấm đoán. “Cách quản lý mà bằng chữ cấm là cách quản lý hạ sách” – ông Liêm nói.

Nói đến cây xanh ở Thủ đô cũng vậy, chưa biết thế nào cả, cứ chặt cái đã, “ông đã tạo ra cái màu xanh mới chưa mà ông đã triệt hạ màu xanh đang có?”, ông Liêm đặt câu hỏi.

Việc quản lý đô thị liên quan đến việc quản lý Nhà nước giỏi trong đó có vấn đề tầm nhìn, vấn đề sự đồng thuận, vấn đề trách nhiệm giải trình, vấn đề minh bạch…, Trong vấn đề cây xanh này, việc minh bạch rất kém. “ Bây giờ tôi thấy  cây xanh Hà Nội nhiều khúc nhiều đoạn là do các công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn quản lý chứ không phải nhà nước quản lý”.

Cuối cùng ông Liêm nói: “Tôi mong rằng thanh tra mà Chủ tịch Hà Nội giao ra thì đừng có mà chỉ tìm ra những con kiến”.

Kiều Chinh

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến