Dòng sự kiện:
Anh phân vân giữa chia sẻ vaccine và tiêm tăng cường
08/08/2021 12:54:27
Tiêm mũi tăng cường cho người dân hay chia sẻ vaccine với thế giới là bài toán khó mà Anh đang đối mặt khi đại dịch diễn biến khó lường.

Chương trình tiêm chủng của Anh được xem là một nỗ lực đáng kinh ngạc. Hiện tại, gần 89% người trưởng thành nước này đã tiêm mũi đầu tiên và hơn 73% tiêm đủ hai mũi.

Chính phủ Anh dự kiến mở rộng chiến dịch tiêm chủng Covid-19, khi cho phép trẻ em trên 12 tuổi dễ bị tổn thương hoặc sống cùng người có nguy cơ nhiễm cao được tiêm vaccine. Uỷ ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI) khuyến nghị tiêm vaccine Pfizer cho người ở độ tuổi 16-17. Kế hoạch tiêm liều tăng cường cũng dự kiến triển khai vào cuối năm nay cho nhóm dễ tổn thương nhất.

Trong khi những người ở Anh có thể thở phào vì họ và người thân được bảo vệ trước Covid-19, nhiều chuyên gia y tế toàn cầu liên tục kêu gọi các nước giàu chia sẻ vaccine với nhóm nước nghèo hơn, nơi tỷ lệ tiêm chủng còn rất thấp.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 4/8 kêu gọi các nước giàu hoãn tiêm liều tăng cường ít nhất tới cuối tháng 9 để đảm bảo 10% dân số ở mọi quốc gia được tiêm chủng. WHO hồi tháng 5 cũng khuyến nghị các nước này hoãn tiêm vaccine cho thanh thiếu niên và trẻ em, để thúc đẩy nguồn cung cho những nước còn thiếu hụt vaccine nghiêm trọng.

Giới chuyên gia nhấn mạnh rằng việc các nước tập trung chia sẻ vaccine sẽ giúp biến thể nCoV ít có khả năng xuất hiện và lây lan. Tuy nhiên, nỗ lực đảm bảo nguồn cung vaccine cho những nước nghèo gặp nhiều rào cản, do lệnh cấm xuất khẩu, thiếu nguồn cung, bản quyền vaccine và các nước giàu sẵn sàng chi nhiều hơn để mua nhiều loại vaccine khác nhau.

Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine Covid-19 tại điểm tiêm chủng ở Edgware, London, Anh hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.

Anh, một trong những nước giàu và có tỷ lệ tiêm chủng cao, hiện rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc mở rộng tiêm chủng trong nước và chia sẻ vaccine với thế giới.

Giáo sư Eleanor Riley, nhà miễn dịch học tại Đại học Edinburgh, nói đây là một vấn đề khó lựa chọn. "Rủi ro và lợi ích của việc tiêm chủng cho trẻ em là như nhau. Tác động của nó đối với tình hình dịch ở Anh trong vài tháng tới chưa rõ ràng, trong khi nhu cầu của thế giới tiếp tục vượt quá nguồn cung hiện tại", Riley nói.

Với tỷ lệ nhiễm cao ở Anh, đặc biệt là trong nhóm người trẻ tuổi, tiến sĩ Deepti Gurdasani, nhà dịch tễ học lâm sàng kiêm giảng viên cấp cao tại Đại học Queen Mary ở London, hưởng ứng quyết định mở rộng chương trình tiêm chủng trong nước.

"Thật không may khi sự lựa chọn hiện giờ là tiêm chủng cho các nhóm tuổi này hoặc để họ nhiễm virus. Dù nguy cơ bệnh diễn tiến nặng ở trẻ em và thanh thiếu niên không cao như người trưởng thành, nó cũng không phải không đáng ngại", bà nói.

Anh cần khoảng 8 triệu liều vaccine để tiêm chủng đủ cho nhóm từ 12-17 tuổi, theo Gurdasani. Bà cho rằng thay vì chia sẻ vaccine, Anh có thể có những động thái thiết thực khác như cung cấp nguồn lực và tài trợ cho Covax, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất vaccine.

Tiến sĩ Kit Yates, đồng giám đốc Trung tâm Toán sinh học tại Đại học Bath và là thành viên nhóm chuyên gia Independent Sage, cho biết việc có nên tiêm vaccine tăng cường hoặc tiêm cho người còn trẻ hay không là vấn đề phức tạp, nhưng đồng tình với quan điểm của Gurdasani.

"Việc không tiêm chủng cho những người trẻ ở Anh sẽ không đồng nghĩa những liều vaccine đó được chuyển tới các nước đang thiếu hụt", ông nói.

Mối lo ngại hiện nay là tỷ lệ nhiễm virus có thể tăng cao vào mùa thu, khi trường học mở cửa trở lại và mọi người ở trong nhà nhiều hơn, tình huống mà nhiều người cho rằng mở rộng chương trình tiêm chủng, bao gồm tiêm liều tăng cường, là quan trọng.

"Đợt gia tăng ca nhiễm như vậy có thể khiến khả năng miễn dịch suy yếu và dẫn tới nguy cơ bị bệnh nặng hơn đối với những người dễ tổn thương được tiêm chủng trong giai đoạn đầu", Gurdasani lo ngại.

Bà thêm rằng nếu muốn tặng vaccine cho thế giới và không tiêm liều tăng cường, chính phủ Anh đáng lẽ cần tập trung hơn vào các biện pháp để trường học mở cửa an toàn, cũng như bảo vệ những người dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác nói cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu cần được ưu tiên. Giáo sư Andrew Pollard, giám đốc Nhóm Vaccine Oxford, cho biết Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe ở Seattle ước tính thế giới có thêm 800.000 người chết vì Covid-19 tới ngày 1/11.

"Đây là một thảm kịch khủng khiếp của con người và thất bại của cộng đồng quốc tế. Hơn 4 tỷ liều vaccine được triển khai trên toàn cầu tới nay đáng lẽ đã đủ ngăn chặn phần lớn số ca tử vong này, nếu chúng được tiêm cho những người có nguy cơ mắc bệnh nặng, người cao tuổi và người có vấn đề về sức khỏe", ông nói.

4,36 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu, với trung bình 40,31 triệu liều mỗi ngày. 29,6% dân số thế giới đã tiêm ít nhất một liều và 15,2% hoàn thành tiêm chủng. Trong khi tại nhiều nước giàu, 60-80% dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, tỷ lệ này ở nhóm nước thu nhập thấp chỉ khoảng 1,1%, theo Our World in Data.

"Trước khi tiêm liều thứ ba cho người dân ở các nước giàu, những người đã được tiêm chủng và khó có nguy cơ tử vong, chúng ta có nghĩa vụ cung cấp mũi tiêm đầu tiên cho những người chưa được tiêm chủng để cùng toàn cầu bảo vệ tính mạng của mọi người", ông nói.

Tác giả: Thanh Tâm

Theo: Vnexpress
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến