Dòng sự kiện:
Áp lực lên tỷ giá năm 2019 sẽ giảm
21/02/2019 17:19:31
Sức ép lên VND trong năm 2019 được dự báo là không quá lớn nhờ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước được củng cố và duy trì ở mức khá, trong khi USD nhiều khả năng giảm nhẹ.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng đánh giá, sức ép lên VND trong năm 2019 được dự báo là không quá lớn.

Fed giãn lộ trình tăng lãi suất

Tại cuộc họp đầu năm 2019, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cho vay qua đêm (FFR - Federal Funds Rate) trong vùng mục tiêu 2,25 - 2,5%. Đặc biệt, Fed đã bỏ cụm từ “tiếp tục tăng dần lãi suất” (further gradual increases) như đã đề cập trong các cuộc họp trước đó. Giới phân tích tài chính cho rằng, điều này sẽ khiến USD đi xuống và tác động tích cực lên tỷ giá tiền đồng (VND).

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng đánh giá, sức ép lên VND trong năm 2019 được dự báo là không quá lớn, nhờ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước được củng cố và duy trì ở mức khá, USD nhiều khả năng sẽ đi xuống nhẹ trong năm 2019 khi Fed giãn tăng lãi suất. Ngoài ra, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư 7,2 tỷ USD trong năm 2018 sẽ tạo thêm dư địa cho ổn định tỷ giá tại Việt Nam.

Nhóm phân tích của SSI Retail Reserch cho biết, trước những lo ngại về tăng trưởng kinh tếchậm lại và việc đóng cửa Chính phủ kéo dài, ngay từ những ngày đầu năm 2019, Fed đã đưa ra thông điệp về lộ trình tăng lãi suất USD chậm hơn trong thời gian tới.

Chu kỳ tăng lãi suất của Fed kéo dài 3 năm qua được cho là đã chấm dứt và mở ra cánh cửa cho việc cắt giảm lãi suất trong trường hợp cần thiết. USD vì thế cũng giảm giá khá mạnh trong tháng qua, chỉ số DXY mất mốc 96, giảm về 95,6 điểm vào cuối tháng 1/2019.

 

Với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, mặc dù chưa có thỏa thuận cụ thể nào được đưa ra, nhưng những cuộc gặp các cấp liên tục được tổ chức cũng thể hiện sự tích cực và thiện chí của hai bên. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc liên tục bơm ròng thông qua việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và hoạt động thị trường mở để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhờ vậy, nhân dân tệ tiếp tục đà hồi phục. Điều này sẽ tác động tích cực lên tỷ giá.

Tác động tích cực lên tỷ giá

Tỷ giá được dự báo sẽ dao động mạnh và mức độ mất giá trong trường hợp cơ bản ở mức 3% trong năm 2019. Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, nhờ đã trải qua giai đoạn khó dự đoán nhất là thời điểm mới xảy ra căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nên các thành viên thị trường cũng như cơ quan quản lý sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn. Vì vậy, mức độ biến động tỷ giá USD/VND năm 2019 sẽ chỉ xấp xỉ như năm 2018 và ít có khả năng xảy ra những diễn biến giật cục ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường.

Nhóm phân tích của SSI Retail Reserch cũng cho rằng, áp lực đối với lãi suất và tỷ giá hiện nay đã giảm rất nhiều so với năm trước.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, nguồn cung USD dồi dào khi lượng kiều hối chuyển về khu vực Thành phố đạt doanh số trên 5,3 tỷ USD trong năm qua đã khiến tỷ giá giao dịch USD/VND duy trì ổn định ở mức 23.150/23.250 VND/USD tại Vietcombank.

Tỷ giá VND/USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại đứng ở mức 23.140 - 23.240 VND/USD (mua - bán), giảm khoảng 200 VND/USD so với thời điểm trước Tết. Dự trữ ngoại hối được củng cố và duy trì ở mức khá (63,5 tỷ USD), khi Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời mua vào 11 tỷ USD trong năm 2018, tạo điều kiện giữ ổn định tỷ giá.

Vì vậy, theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán MBS, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có đủ điều kiện chủ động trong việc điều hành tỷ giá linh hoạt ở biên độ an toàn nhờ nguồn cung USD dồi dào và cân đối vĩ mô ổn định.

MBS dự báo, USD nhiều khả năng đã tạo đỉnh và sẽ đi xuống nhẹ trong năm 2019 (dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 là 2,3%), khiến Fed phải giảm bớt cường độ tăng lãi suất. Vì vậy, sức ép lên VND không quá mạnh. Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ tăng nhẹ tỷ giá VND/USD, khoảng 1,5 -2%, nhằm cân đối hai mục tiêu là ổn định vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2019, khả năng USD không tăng nhiều, thậm chí có thể suy yếu hơn; lạm phát trong nước khả năng kiểm soát ở mức khoảng 4%, do giá hàng hóa thế giới tăng không lớn, áp lực lên tỷ giá giảm bớt.

Theo báo Đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến