Áp lực tăng lãi suất
09/02/2017 08:13:34
Các ngân hàng vừa tăng lãi suất huy động tiền đồng vừa triển khai các chương trình khuyến mãi hút vốn, đẩy lãi suất cho vay đứng trước áp lực tăng trở lại.

Tin liên quan

Lãi suất cho vay sẽ khó giảm trong năm 2017 (ẢNH: Đ.N.T)

Ngân hàng đẩy mạnh hút vốn

Từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng (NH) đồng loạt điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động tiền đồng từ 0,1 - 0,2%/năm ở một số kỳ hạn. Tại Eximbank, lãi suất huy động tiền đồng mức cao nhất lên 7,5%/năm ở kỳ hạn 13 tháng. DongABank cũng vừa tăng nhẹ lãi suất huy động ở các kỳ hạn dưới 6 tháng là 5,5%/năm, mức lãi suất huy động cao nhất ở 7,55%/năm từ kỳ hạn 18 tháng trở lên. Không những vậy, NH còn tung ra các chương trình khuyến mãi, lì xì để hút vốn nhân dịp đầu năm.

"Lãi suất giảm hay tăng bao giờ cũng có độ trễ. Đầu năm DN hầu như không đi vay mượn nên chưa có áp lực lên lãi suất. Chỉ cần qua tháng 2, nhu cầu vay tăng lãi suất cho vay sẽ tăng", Phó chủ tịch HĐQT một NH TMCP

Là khách hàng của NH Vietcombank nhiều năm nay, nhưng khi đến gửi tiền, chị Thanh (Q.3, TP.HCM) lần đầu tiên được tham gia chương trình bốc thăm để nhận lì xì đầu năm. NH VIB cũng dành 2 tỉ đồng khuyến mãi cho khách hàng mang tiền đến gửi. Chỉ cần gửi 100 triệu đồng kỳ hạn 3 tháng hay gửi 300 triệu đồng kỳ hạn 1 - 2 tháng, NH này lì xì ngay tiền mặt 100.000 đồng. Eximbank tung “Gửi dài, tài lộc tăng”, trong đó tặng thêm 0,2%/năm cho khách hàng gửi tiền trên internet, mobile banking...

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho hay, huy động tiền của NH mang tính mùa vụ. Trước tết người dân rút tiền ra chi tiêu nhiều nên sau đó các NH triển khai các chương trình thu hút nguồn tiền trở lại. NH nào có chương trình hấp dẫn sẽ hút được nhiều vốn. “Mặt bằng lãi suất huy động giữa các NH đã ngang ngửa nhau, khó tăng thêm rồi, chỉ cần nhích lãi suất huy động một chút là đã đội chi phí lên cao hơn. Thay vì vậy, các NH chuyển sang quảng cáo, khuyến mãi để tăng huy động mà không ảnh hưởng nhiều”, ông lý giải.

Không chỉ bây giờ mà một tháng trước tết, các NH cũng đã có một đợt tăng lãi suất. Chẳng hạn khoảng cuối tháng 12 vừa qua, người gửi tiền ở Sacombank, VPBank được lợi thêm khi lãi suất ở các NH này tăng thêm 0,1 - 0,2%/năm.

Tuy nhiên, theo phó tổng giám đốc một NH TMCP, dù lãi suất huy động nhích lên, lãi suất cho vay đến nay vẫn được giữ ổn định, chưa tăng là do các NH còn cân đối được chi phí vốn đầu vào.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước cho hay, lâu nay công ty vẫn vay lãi suất 6%/năm đối với tiền đồng, 2 - 3%/năm đối với ngoại tệ tùy theo kỳ hạn ngắn hay dài, đến nay chưa thấy NH thông báo thay đổi lãi suất.

Còn ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty xây dựng Lê Thành, cho biết vì lĩnh vực bất động sản bị đánh giá nhiều rủi ro hơn lĩnh vực khác, nên phải chịu mức lãi suất vay cao hơn với 11% hơn một năm nay. Với mức lãi suất này, công ty ông đã “dễ thở” hơn, và đến nay NH chưa điều chỉnh lãi suất. Nhưng ông vẫn phấp phỏng lo rằng, trường hợp lãi suất tăng lên 11,5 - 12% sẽ ảnh hưởng ngay đến giá đầu vào của doanh nghiệp (DN), tạo áp lực lên người dân có nhu cầu mua nhà, căn hộ.

Lãi suất cho vay nhấp nhổm tăng

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ tăng, dù mức tăng sẽ không lớn trong năm 2017, ở mức 0,5 - 1%/năm. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc DongABank cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay hầu như không tăng trong suốt thời gian qua. Hiện đang trong thời điểm đầu năm, các DN không triển khai vay mượn, các NH cũng không vội vã ra tín dụng. Nhưng trong thời gian tới, lãi suất sẽ tăng nhẹ dưới 1% là điều tất yếu, một trong những lý do là bởi lãi suất huy động đã được điều chỉnh trước đó.

Theo phân tích của phó chủ tịch HĐQT một NH TMCP, trong năm 2017, Chính phủ theo đuổi chính sách lãi suất thấp và ổn định để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%. Tuy nhiên, có 3 lý do giải thích cho áp lực tăng lãi suất trong năm nay.

Thứ nhất, các yếu tố vĩ mô như giá dầu tăng sẽ kéo theo giá nguyên liệu đầu vào tăng, khả năng Fed tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá, buộc các nước phải hạ giá đồng nội tệ để cạnh tranh xuất khẩu.

Tỷ giá tăng, USD tăng thì lãi suất sẽ phải tạo một độ rộng, một khoảng cách hợp lý để người dân không găm giữ ngoại tệ. Như vậy tỷ giá và lạm phát sẽ tăng gánh nặng lên lãi suất. Thứ hai, thị trường vốn tại VN chưa phát triển, DN chủ yếu vẫn dựa vào NH vay mượn. Nhu cầu cao sẽ gia tăng áp lực lên lãi suất.

Thứ ba, từ trước tết, một loạt NH tăng lãi suất huy động để đón đầu nhu cầu vay cuối năm của DN. “Lãi suất giảm hay tăng bao giờ cũng có độ trễ. Đầu năm DN hầu như không đi vay mượn nên chưa có áp lực lên lãi suất. Chỉ cần qua tháng 2, nhu cầu vay tăng, lãi suất cho vay sẽ tăng”, ông phân tích. Theo ông, trong thời gian sắp tới, lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ tăng thêm 0,2 - 0,5%/năm đối với khoản vay mới và khoản vay cũ tái tục.

Một số NH quy mô nhỏ là nhà bảo trợ cho một số dự án bất động sản, sau đợt cho vay vốn ồ ạt vào lĩnh vực này trong thời gian qua, sẽ đẩy mạnh huy động để hút tiền gửi, lãi suất huy động theo đó sẽ tăng nhẹ. Trong khi đó NH lớn dù chưa tăng lãi suất, nhưng cũng chẳng còn dư dả nhiều tiền. Theo quy định, VietinBank, BIDV, Vietcombank được duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa là 90%, các NH TMCP giới hạn cho vay thấp hơn, ở mức 80% nhưng nhiều NH đã vượt rào.

Theo báo cáo tài chính quý 4/2016 hợp nhất của VietinBank, NH huy động một đồng cho vay một đồng. Cụ thể, đến thời điểm cuối năm NH huy động đạt 654.422 tỉ đồng thì cho vay đến 655.125 tỉ đồng. Tương tự, BIDV huy động 726.180 tỉ đồng đã cho vay 713.681 tỉ đồng, đẩy tỷ lệ cho vay trên vốn huy động lên 98%. Mạnh tay hơn, VPBank đến ngày 30.9 huy động được 126.527 tỉ đồng thì đã cho vay gần 130.000 tỉ đồng. Chính vì vậy, ngoài tăng lãi suất, các NH cũng tích cực tìm vốn, chẳng hạn như VietinBank đã phát hành 2.000 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi và không bảo đảm để tăng nguồn vốn.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, có nhiều yếu tố khiến lãi suất khó thể giảm trong năm 2017. Ông phân tích, với định hướng tăng trưởng tín dụng trong năm nay ở mức 18% tương đương với năm ngoái, dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, NH sẽ phải tăng huy động để hút vốn đáp ứng nhu cầu cho vay. Ngoài ra, bắt đầu từ năm nay, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% xuống 50%, NH sẽ còn phải tích cực huy động nguồn vốn trung và dài hạn, là một trong những yếu tố sẽ đẩy lãi suất lên.
 

Theo Thanh niên 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến