Lãi suất nóng vì ngân hàng “hăng” với tăng tín dụng
28/12/2016 08:36:11
Ngân hàng và doanh nghiệp đang “hăng” trở lại với chuyện cho vay và đi vay. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy lãi suất nhích lên gần đây.

Tin liên quan

Thanh khoản đã bớt dư thừa

Tuần qua, một số ngân hàng thương mại như Sacombank, VPBank, Eximbank… đồng loạt công bố tăng lãi suất huy động, áp dụng cho cả kỳ ngắn và dài hạn. Còn nếu tính từ đầu tháng 11/2016 đến nay, đã có ngót chục ngân hàng cùng tăng lãi suất huy động. Không những thế, các ngân hàng đều tung ra các chương trình ưu đãi hết sức hấp dẫn để cạnh tranh thu hút khách gửi tiền. Tín dụng tăng mạnh là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa công bố kết quả tăng trưởng tín dụng tháng 12/2016, song theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng cả năm ước tăng 18%. Thực tế, báo cáo tài chính quý  III/2016 của nhiều ngân hàng đã cho thấy, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng tăng rất mạnh, từ 20-30% (đơn cử  Techcombank, Nam A Bank, LienVietPostBank…).

Tín dụng tăng mạnh trở lại vài tháng gần đây khiến dư thừa thanh khoản của các ngân hàng cũng không còn dồi dào như trước. Thống kê của NHNN cho thấy, tính từ đầu năm đến cuối tháng 11/2016, tốc độ tăng trưởng của huy động vốn luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, từ cuối tháng 11/2016 đến nay, tình thế đã bị lật ngược, tín dụng đã tăng cao hơn tốc độ huy động vốn.

Đặc biệt, sau hơn nửa năm đóng cửa, NHNN cũng đã phải khởi động lại thị trường mở (OMO), bơm ròng vốn cho các ngân hàng.

Đáng lưu ý, nhiều chuyên gia cảnh báo, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm hơn năm ngoái, tín dụng lại tăng mạnh hơn, chủ yếu xuất phát từ tín dụng bất động sản. Đặc biệt, một lượng lớn tín dụng bất động sản lại lẩn khuất trong tín dụng tiêu dùng, khiến việc bóc tách đầy đủ và nhìn nhận rủi ro ngày càng khó khăn.

Ổn định lãi suất và những ẩn số khó lường

Thừa nhận lãi suất đang chịu nhiều áp lực, song đại diện nhiều ngân hàng cho rằng, xu hướng tăng lãi suất hiện nay chỉ mang tính thời điểm và sẽ nhanh chóng hạ nhiệt vào đầu quý II/2017, khi “mùa vàng tín dụng” qua đi. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế tin tưởng, dù chịu nhiều áp lực, song lãi suất năm 2017 sẽ khó tăng, bởi Chính phủ đã chỉ đạo toàn hệ thống quyết tâm giữ ổn định, thậm chí giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

“Áp lực với lãi suất năm 2017 là có, song Chính phủ đã chỉ đạo lãi suất cho vay không được tăng, thậm chí trong thời gian tới phải giảm để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, tôi cho rằng, lãi suất cho vay năm 2017 khó có thể tăng, đồng nghĩa lãi suất huy động cũng không thể tăng”, ông Lực nói.

Hiện tại, NHNN vẫn khẳng định quan điểm sẽ phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất. Thậm chí, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) còn cho rằng, lãi suất thậm chí còn có thể giảm nếu điều kiện kinh tế tốt hơn.

Tuy nhiên, nỗ lực ổn định mặt bằng lãi suất của NHNN năm 2017 sẽ gặp rất nhiều thách thức và ẩn số khó lường.

Thách thức thứ nhất là lạm phát đang có nguy cơ tăng lên.

Thứ hai, Fed có khả năng tiếp tục tăng lãi suất USD trong năm 2017.

Thứ ba, kiều hối đang có biểu hiện giảm sút.

Thứ tư, theo quy định Thông tư 06/2016/TT-NHNN, từ đầu năm 2017, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giảm từ 60% hiện nay xuống còn 50% và 40% những năm sau, có nghĩa, các ngân hàng sẽ thiếu một lượng lớn vốn trung và dài hạn so với hiện nay.

Thứ năm, nợ xấu lớn và chưa được xử lý dứt điểm khiến chi phí trích lập dự phòng rủi ro lớn.

Với tất cả yếu tố bất lợi này, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, năm 2017 sẽ là năm khó khăn trong điều hành lãi suất với NHNN. “Cố gắng ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay đã là nỗ lực lớn, còn giảm thêm là rất khó khăn”, ông Hiếu nói.

Theo Báo Đầu tư 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến